Từ đội quân Bất tử (Immortal) của các chiến binh Spartan…
Bộ phim 300 của đạo diễn Zack Snyder đã mang đến cho người yêu phim trên khắp thế giới hình ảnh các chiến binh Spartan uy dũng vô địch, vững vàng bất khuất cho đến phút cuối cùng. Trong phim, kẻ thù của vua Leonidas đông gấp hàng nghìn lần và sở hữu những đội quân vô cùng đáng sợ.
Trong số đó, gây ấn tượng cho người xem nhất ắt hẳn là đội quân “quỷ dữ” Immortal (Bất tử). Đây là đội quân duy nhất tạo cảm giác đánh “ngang tài ngang sức” với các chiến binh Spartan. Thật thú vị khi biết rằng, các Immortal này là có thật trong lịch sử, tuy nhiên họ cũng chỉ là con người chứ không “biến dị” như trong phim.
Hình ảnh Immortal trong phim 300.
Tại sao họ lại được coi là các Immortal (Bất tử)? Danh xưng này do nhà sử học người Hy Lạp - Herodotus đặt và chỉ có người Hy Lạp mới gọi như thế. Sử sách Ba Tư không hề ghi lại sự tồn tại của đội quân này dưới danh xưng Bất Tử.
Sở dĩ Herodotus chọn cái tên “oai” đến như vậy vì 2 lẽ: Đội quân này luôn có đúng 10.000 người, ai chết hoặc không còn sức chiến đấu sẽ lập tức được thay thế bằng người khác. Dù bất kể thế nào, địch thủ luôn thấy đội quân có đúng 10.000 Immortal. Bởi vậy mà kẻ địch tưởng rằng, những chiến binh này là bất tử, người chết đi rồi lại hồi sinh ngay sau đó. Lý do thứ 2 chắc chắn là để tôn vinh các chiến binh Hy Lạp anh hùng.
Hình ảnh các Immortal đứng đằng sau Xerxes I trong bộ phim 300 năm 1962.
Dĩ nhiên, đội quân này không hề bất tử như tên gọi của mình. Và kỹ năng chiến đấu/trang bị của họ cũng chẳng giống một chút nào so với những gì bộ phim 300 mô tả.
Thực tế, vũ khí trang bị của họ khá nghèo nàn, gồm một chiếc khiên mà xét về độ tinh xảo, kém rất xa khiên của các chiến binh Spartan, một con dao găm, cung và tên.
Ngoài ra, 9.000 người trong số các Immortal sẽ cầm ngọn giáo mà ở một đầu gắn hình tròn giống quả lựu làm bằng bạc. 1.000 người còn lại sử dụng giáo có gắn quả lựu bằng vàng. Họ chỉ mặc quần áo vải như lính thường, còn bộ giáp được trưng bày trong các viện bảo tàng về đế chế Ba Tư là dành cho các buổi tiến hành nghi thức trang trọng mà thôi.
Immortal có 2 loại trang phục khác nhau. Khi ra trận, họ chỉ mặc áo vải như lính thường.
Ngoài đặc điểm sở hữu loại vũ khí nhìn qua có vẻ "giàu" hơn đội quân khác thì trong quân đội Ba Tư, các Immortal là những người duy nhất biết… chiến đấu. Đế chế Ba Tư thời đó không đặt nặng tính chuyên môn hóa trong quân đội. Những người tham gia vào đội quân của Xerxes I - người lãnh đạo quân Ba Tư xâm lăng Hy Lạp - đều chỉ là những người dân bình thường, chưa hề biết chiến đấu là gì cho tới khi họ được đặt vào tay kiếm và khiên.
Vì thế, các Immortal - vốn được đào tạo "chuẩn" bỗng dưng trở thành “của hiếm” trong quân đội Ba Tư. Thế nhưng, so về độ tinh nhuệ thì các Immortal chẳng là gì so với các chiến binh Spartan vốn được sinh ra để chiến đấu.
Hình ảnh giao đấu trong trận chiến Thermopylae
Điểm khá nhất của các Immortal đó chính là tinh thần dũng cảm, tác giả cuốn sách Trận Thermopylae - trận chiến vì phương Tây, ông Ernle Bradford đã viết: “Họ tỏ ra rất dũng cảm và vô cùng kỷ luật. Tuy nhiên, những Immortal nhận ra, cũng như quân Medes và dân tộc khác trước đó, trên con đường hẹp như vậy, số lượng binh lính lớn như thế trở thành gánh nặng. Những ngọn giáo ngắn không thể xuyên thủng hàng phòng ngự vững chắc của người Hy Lạp, cũng như mũi tên không thể vượt qua tấm khiên đồng. Biết bao cuộc chiến đã qua cho thấy rằng, dũng cảm là không đủ. Đối đầu với vũ khí siêu việt hơn, kẻ dũng cảm nhất cũng phải gục ngã. Và khi những vũ khí tốt hơn đó rơi vào tay kẻ cả đời không biết làm gì khác ngoài chiến tranh thì kết cục thảm bại là điều không thể tránh khỏi”.
Quả thật, sử sách chỉ viết về các Immortal trong ngày giao tranh đầu tiên với các chiến binh Spartan mà không xuất hiện trong ngày thứ 2. Nhiều sử gia cho rằng, vào ngày thứ 2, người ta còn đang bận tuyển các chiến binh khác để bù lại cho đủ con số 10.000…
Tất nhiên, nếu cho lên phim những hình ảnh xơ xác như thế (đã từng xuất hiện vào bộ phim 300 năm 1962) thì các Immortal sẽ khiến người ta chán nản ngay. Vì thế, đạo diễn Zack Snyder đã dùng lại hình ảnh các Immortal xuất hiện trong truyện tranh, đeo mặt nạ trông rất ghê sợ, cầm song kiếm và bộ đồ đen như Ninja. Khoan nói về khoản vũ khí và trang phục khác thường, hãy nói về chiếc mặt nạ độc đáo của các Immortal này.
… tới đội quân Bất Tử của Đế quốc Mông Cổ…
Người ta tự hỏi, thật sự trong lịch sử họ đeo loại mặt nạ đó ra trận thật sao? Dĩ nhiên là không, tuy nhiên nếu câu hỏi là có đội quân nào đeo loại mặt nạ đó khi ra trận không thì câu trả lời là có và loại mặt nạ đó được một đội quân khác tinh nhuệ hơn rất nhiều lần so với các Immortal sử dụng, đội quân này cũng được lịch sử xưng tụng là Bất Tử. Đó là Keshigten - Khả Hãn Hộ Vệ của Đế quốc Mông Cổ.
Mặt nạ chiến (War mask) đã được người Mông Cổ sử dụng trong nhiều cuộc chinh phục của họ.
Chỉ những chiến binh giỏi nhất, trung thành nhất mới được gia nhập vào Keshigten. Không chỉ được trang bị đến tận chân răng kèm theo chiếc mặt nạ ác chiến kia khi ra ngoài chiến trường - vốn có tác dụng làm kẻ thù khiếp sợ, các Keshigten còn được trò chuyện, học hỏi từ Đại Hãn.
Tốc Bất Đài - tướng lĩnh số 1 của Mông Cổ và thế giới thời xuất thân cũng từ một Keshigten như thế. Nhưng cũng như người Ba Tư, người Mông Cổ không tự nhận mình là Bất Tử, vì thế họ vẫn giữ cái tên Khả Hãn Hộ Vệ cho đội quân này.
Nhưng họ lại được các đội quân khác coi là Bất Tử vì 2 lẽ. Một là, người châu Âu nhìn người châu Á nào cũng giống nhau nên khi họ hạ được một chiến binh Mông Cổ, một người giống y hệt theo quan niệm của họ sẽ hồi sinh, xuất hiện trở lại.
Thứ 2, người Mông Cổ chiến đấu theo nguyên tắc: Chiến thắng là điều quan trọng nhất. Thà họ tháo chạy để lần sau giành chiến thắng chứ nhất quyết không cố sống cố chết đánh nhau chỉ để mất người, vì thế giết được một chiến binh Mông Cổ bình thường thôi đã là nhiệm vụ cực kỳ khó với các binh lính châu Âu chứ đừng nói đến các Hộ vệ.
Các Khả Hãn Hộ Vệ sinh ra đã là chiến binh, họ còn được tiếp thu mọi bài học từ Đại Hãn vì thế có thể coi những vệ binh này là con sói của chiến trường, vừa thông minh khôn khéo lại cực kỳ dũng mãnh. Ban đầu đội Keshigten chỉ gồm khoảng hơn 1.000 người nhưng đến thời Đại Hãn Hốt Tất Liệt, con số đã lên tới hơn 12.000.
Một Keshigten điển hình.
… đội quân "Không thể chết" thời Trung Cổ…
Không giống với người Mông Cổ, một đội quân khác lại tự nhận mình bất tử. Đó là đội kỵ binh của Đế Quốc Byzantine thời Trung Cổ, có tên Athanatoi. Thanatos là tên của Thần Chết trong thần thoại Hy Lạp và cái tên Athanatoi có nghĩa là “Không thể chết”.
Tại sao đội kỵ binh này “dám” phong cho mình cái tên “oai” đến như thế cũng không phải là không có lý do. Người ta kể lại rằng, trong trận chiến Dyrrakhion với người Norman năm 1081, Alexios I, Hoàng đế Byzantine, đồng thời là thủ lĩnh của đội kỵ binh Athanatoi gần như bị ngã ngựa. Ông chỉ còn "dính" trên lưng ngựa nhờ vào bộ yên cương mắc vào người.
3 kỵ binh Norman - những chiến sĩ nổi tiếng với ngọn thương mạnh mẽ xông tới, đâm vào người Alexios I nhưng ông thậm chí còn không bị tới… một vết xước. Một ngọn thương đâm mạnh tới nỗi ông trở lại vị trí yên ngựa như lúc đầu, nhưng không để lại vết thương nào và Alexios I đã thoát khỏi hiểm nguy một cách khó tin.
Một bức vẽ hình tượng hóa các kỵ binh Athanatoi.
Sở dĩ Alexios có thể “mình đồng da sắt” như vậy vì bộ giáp của các kỵ binh Athanatoi là kiệt tác của nền quân sự Byzantine, là lá chắn bền chắc nhất mà thế giới từng chứng kiến, xuất hiện trong thời đại Trung cổ.
Giáp phần ngực của các Athanatoi bao gồm 4 lớp, lớp đầu tiên được gọi là Zava hoặc Kavadion, chủ yếu được làm từ bông nén chặt (giống với chăn đệm của chúng ta dùng ngày nay). Lớp tiếp theo là Lorikion Alysidoton, giáp làm bằng lưới sắt.
Sau lớp này là Klivanion, giáp sắt bọc ngực và các phần xung quanh. Ngoài cùng là Kremesmata - một loại giáp lưới sắt phủ toàn thân gần giống loại váy dài để bảo vệ đùi, chân và hông.
Bên cạnh đó, các Athanatoi còn được trang bị Podopsella - loại vỏ bọc thép gắn ở bắp chân, Manikellia bọc ở vai và tay cũng làm bằng chất liệu tương tự. Mảnh cuối cùng của bộ giáp là Epolorikion, một loại áo choàng màu xanh và đỏ, làm từ chất liệu giống như chăn bông. Người ta tin rằng, dù có dùng súng bắn trực diện thì cũng không thể làm các Athanatoi xây xước chứ đừng nói gì đến những ngọn thương cổ điển.
Giáp chân được tái tạo lại theo những gì ghi lại về nền quân sự Byzantine.
Ắt hẳn sẽ có người thắc mắc các Athanatoi mặc giáp bền đến như vậy nhưng họ vẫn có điểm yếu là ngựa, nếu kẻ địch tấn công ngựa để khiến họ ngã thì sao? Điều này đã được các chuyên gia quân sự nghĩ tới từ những năm 300 TCN. Họ sử dụng một lớp áo giáp giống như vảy cá bọc quanh ngựa và gọi đó là Thiết kỵ binh Kataphractoi (có nghĩa là Giáp bọc toàn thân).
Sau này, quân đội Byzantine sử dụng Kataphractoi như một phần quan trọng trong quân đội. Hầu hết kỵ binh Byzantine đều là các Thiết kỵ binh Kataphractoi ngoại trừ một vài đơn vị kỵ binh nhẹ chuyên dùng để do thám. Như vậy, không chỉ có các Athanatoi mà cả những chú ngựa của họ cũng được bảo vệ cho đến tận móng chân.
Nhiều nguồn tư liệu ghi lại rằng số lượng các Athanatoi lên tới 10.000 để bắt chước đội Immortal của Ba Tư ngày trước. Thế nhưng sự tồn tại của đội kỵ binh Bất Tử này chỉ kéo dài đến năm 1200, nó đi xuống cùng sự suy yếu của Đế quốc Byzantine (diệt vong năm 1453).
Mặc dù được coi là chuẩn mực của nền quân sự Byzantine nhưng các Athanatoi không thực sự hiệu quả trên chiến trường thời đó - nơi mà những kỵ binh bắn cung và kỵ binh có tốc độ chiếm ưu thế, chứ không phải những “cỗ xe tăng”. Họ “bất tử” mà quân đội chính tan nát thì cũng vậy, thất bại là điều không tránh khỏi.
… và đội vệ binh hoàng gia Pháp thời cận đại
Vệ binh Hoàng gia của Napoleon - những Immortal của nước Pháp.
Cũng từ đó, giai thoại về những đội quân “Bất Tử” không còn xuất hiện nhiều. Tới tận năm 1800, đội vệ binh Hoàng gia của Napoleon Đại Đế cũng được người đời đặt cho danh xưng Immortal. Nhưng cái tên này không đến vì sự “bất tử” theo nghĩa đen, ý của binh lính Pháp ám chỉ rằng, đội quân này là con cưng trong quân đội Pháp, được hưởng lương cao hơn, trang bị tốt hơn và được chăm sóc cẩn thận hơn, giống như những Immortal của Ba Tư ngày nào.
Có lẽ một phần vì danh xưng quá đỗi to lớn khiến các quốc gia sau này không dám sử dụng cái tên Bất Tử để đặt cho quân đội của mình nữa. Dẫu sao, họ giỏi đến mấy, tài năng đến mấy thì cũng chỉ là con người và con người thì vẫn không thể chống lại được cái chết. Nhất là khi trên chiến trường, cái chết là điều không ai có thể tránh khỏi, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.