[size=6]Ở Đồng bằng sông Cửu Long có một số người không ăn cơm trong hàng chục năm trời mà vẫn sống khỏe mạnh. Đặc điểm chung của những người này là đều sống ở thôn quê, thích ăn chay và làm việc thiện.[/size]
Bà Nguyễn Thị Lúa (ngụ tỉnh Vĩnh Long) và ông Phan Tấn Lộc (ngụ TP Cần Thơ) đã hàng chục năm không ăn cơm.
Uống trà đá đường thay cơm suốt 18 năm
Điển hình như ông Phan Tấn Lộc (68 tuổi, ngụ khu vực Bình Phước, phường Phước Thới, quận Ô Môn - TP Cần Thơ). Tuy đã cao tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, thừa sức chăm sóc cây cảnh quanh nhà. Ông kể sau khi lấy vợ, gia đình trôi dạt khắp nơi rồi về TP Cần Thơ định cư làm ruộng, vườn. Năm 22 tuổi, ông thích ăn các món chay như đậu hũ, tương… chứ không đụng tới thịt, cá.
“Nhà tôi theo đạo Phật nên tới ngày rằm, mùng 1 là ăn chay. Riêng tôi năm 22 tuổi tự dưng hoàn toàn chỉ thích ăn chay trường chứ không muốn đụng tới món mặn. Đến năm 45 tuổi, tôi bắt đầu không ăn được cơm, dù cố nuốt”, ông Lộc kể. Không ăn được cơm bình thường như mọi người, ông thử chuyển sang ăn cơm cháy, có khi cả ngày chỉ ăn vài miếng mà vẫn không thấy đói.
Ăn cơm cháy được khoảng 3 năm thì ông bỗng thèm dừa khô, mỗi ngày cạy lấy cơm của 3 - 4 trái dừa khô để ăn là no bụng, không hề đụng tới bất kỳ món nào khác. Ăn dừa khô được 4-5 năm thì chuyển sang khoái kẹo đậu phộng, sau đó là đậu phộng rang rồi tiếp theo là cà phê đá. Cũng giống như những món khác, sau mấy năm trời chỉ uống cà phê đá, ông chuyển sang món trà đá đường.
18 năm qua, hằng ngày ông Lộc chỉ uống trà đá đường sống qua ngày mà sức khỏe không hề suy giảm, làm việc bình thường, duy chỉ có việc đại tiện thì mỗi tháng có một lần và mất hẳn chuyện gối chăn với vợ.
Chuyện ngán cơm của ông Lộc ban đầu chỉ có người trong nhà biết nhưng sau này hàng xóm đều biết, nhiều người đồn đoán lung tung, thậm chí thêu dệt thành chuyện mê tín dị đoan nhưng dần dần không phát hiện điều gì là mê tín cả. Ông vẫn làm việc bình thường nên gia đình cũng không nhờ y học can thiệp. Cách đây vài năm, trong một lần ông mắc bệnh, gia đình đưa đi khám.
Khi siêu âm dạ dày, bác sĩ phát hiện thành ruột và dạ dày của ông không hề có thức ăn cũng như những mảng bám của thức ăn như người bình thường. Từ đây, chuyện chán cơm của ông lan rộng, gia đình đưa đi TPHCM để chữa trị nhưng bác sĩ “bó tay”. Cũng theo ông Lộc, chưa nói đến tiền bạc và thời gian, việc điều trị của ông cũng đã tốn kém lắm nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Bà “Lúa” chê cơm
Tại ấp Danh Tấm, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình - Vĩnh Long có bà Nguyễn Thị Lúa (còn gọi là Út Lúa) không ăn cơm gần 36 năm nay. Khi đến thăm, chúng tôi thấy tuy đã 74 tuổi nhưng trông bà còn rất nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, miệng lúc nào cũng cười.
“Do theo đạo Phật, mẹ hay ăn chay nên tôi tập ăn theo và từ năm 20 tuổi trở đi, tôi đều ăn chay”, bà Lúa kể và cho biết thêm là vào khoảng năm 1960, bà bị bệnh suy gan, chạy chữa đủ cách vẫn không khỏi.
Đến khoảng năm 1976, trong một lần mắc bệnh không ăn cơm cháo gì được, đến khi hết bệnh thì mất luôn cảm giác thèm cơm, thậm chí nhai cơm vào là nôn ra ngay. Vì thế, bà phải bỏ cơm đổi sang bánh mì, mì gói… và uống sữa. Cứ thế, 36 năm nay bà đã không đụng tới hạt cơm nào.
Một ngày bà ăn 2 lần gồm sáng và trưa, buổi chiều và tối không ăn gì. Buổi trưa, bà hái rau trong vườn nhà luộc chấm nước tương để ăn. Chồng mất hơn 40 năm nay, không con cái nên bà Lúa sống với một người cháu. “Tôi có mấy đứa cháu ở TPHCM, chúng nó bảo lên đó nó chăm sóc cho nhưng tôi không chịu. Ở TP xe cộ ồn ào, đâu như ở quê thanh tịnh và mát mẻ, buổi sáng đi tập thể dục nên không sợ bệnh tật gì cả” - bà Lúa bày tỏ.
Tuy tuổi cao nhưng bà thường tham gia nhiều việc thiện ở chùa. Đám cưới, đám giỗ của hàng xóm cần nấu đồ chay là bà hăng hái tham gia nấu phụ. “Năm rồi, còn sáng mắt đọc được chữ nhỏ chứ bây giờ mắt yếu lắm, phải đeo kính mới thấy. Tuy ăn không đủ chất nhưng tôi vẫn thường xuyên lên ký” - bà cười vui.
Chỉ ăn trái cây
Người mắc chứng bệnh chán cơm từng được y học ghi nhận nhiều ở nước ta. Chẳng hạn như trường hợp của bà Võ Thị Huệ Thu (49 tuổi, ngụ Tiền Giang) suốt 10 năm liền không ăn cơm và thức ăn mà thay vào đó là trái cây, nước lã, nước dừa, chủ yếu là chuối, đọt lang luộc, rau sống. Tuy không ăn cơm nhưng bà Thu vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đảm đang việc nhà.
Tại thôn Cửa Hà 1, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy - Thanh Hóa cũng đã ghi nhận trường hợp chị Nguyễn Thị Tuyến (23 tuổi) bỗng nhiên chán cơm, không ăn được nên trọng lượng cơ thể giảm xuống nhanh chóng. Gia đình mua thử hoa quả về cho ăn thay cơm thì thấy Tuyến ăn no được và không bị nôn nên mùa nào có quả gì nhiều thì dùng để làm đồ ăn thay cơm. Gia đình đưa chị đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng vẫn không rõ nguyên nhân.