Phim đầu tư 16 tỷ thu về 500 triệu chưa phải là thất bại lớn nhất, sẽ nhiều người sốc khi xem con số thống kê dưới đây về doanh thu của những bộ phim đặt hàng.
Bộ phim Mỹ nhân được nhà nước đầu tư với chi phí lên tới 16 tỷ đồng nhưng thu lại chỉ vỏn vẹn 500 triệu đang trở thành chủ đề bàn tán xôn xao của dư luận. Tuy nhiên, Mỹ nhân vẫn chưa phải thất bại lớn nhất của những phim được nhà nước đặt hàng. Sẽ nhiều người ngỡ ngàng khi biết được con số thực mà những bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ này thu lại sau khi ra rạp.
Mỹ nhân: Chi phí 16 tỷ, doanh thu 500 triệu
Mỹ nhân là bộ phim do Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đặt hàng, công ty TNHH Phim Giải Phóng thực hiện. Chi phí làm phim khoảng 16 tỉ đồng, chiếu xong thu về tiền vé khoảng 500 triệu đồng.
Phim Mỹ nhân sự tham gia của các diễn viên: Quách Ngọc Ngoan, Triệu Thị Hà, Kim Hiền, Hà Việt Dũng, Trọng Hải, Châu Thế Tâm…, trước khi trình chiếu đã vấp phải “sự cố” về trang phục của nhân vật chính khiến nhiều khán giả bất bình, cho thấy “sự cẩu thả” từ hình ảnh và trailer của bộ phim.
Hà nội 12 ngày đêm: Kinh phí 7 tỷ, thu về 4 triệu
Bộ phim truyện nhựa Hà Nội 12 ngày đêm do NSND Bùi Đình Hạc làm đạo diễn. Bộ phim tái hiện một phần trận Điện Biên Phủ trên không – một cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris, đưa lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.
Hà Nội 12 ngày đêm được đầu tư kinh phí lên đến 7 tỷ đồng nhưng tiền bán vé thu được chỉ vẻn vẹn 4 triệu đồng.
Ký ức điện biên: Chi phí 13,5 tỉ, doanh thu 700 ngàn
Bộ phim truyện Ký ức Điện Biên của Hãng Phim truyện VN với kinh phí làm phim “nặng ký” nhất Việt Nam thời điểm trước năm 2004 - là trên 13 tỉ đồng đã rơi tõm vào sự thờ ơ của khán giả: chỉ tổng cộng được 60 vé lẻ suốt ba ngày chiếu tại rạp Đống Đa của TP.HCM (theo ông Lê Việt Hùng, phó rạp).
Cuối cùng, doanh thu của bộ phim được đánh giá là được đầu tư khủng nhất thời điểm bấy giờ chỉ vỏn vẹn 700 ngàn đồng.
Những người viết huyền thoại: Chi phí 10 tỷ, doanh thu 500 triệu
Trước ngày chính thức có mặt tại rạp chiếu, 10/01/2013, bộ phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã nhận được những cơn mưa lời khen từ báo chí và một bộ phận giới chuyên môn. Đấy là những người đã có điều kiện xem tác phẩm này trong đợt LHP Việt Nam lần thứ 18, dịp Quốc khánh năm 2013 và đôi suất chiếu cho nhà phát hành, cánh báo chí trước khi phim có cửa ra rạp.
Không ít người lạc quan, với chất lượng như thế, với nội dung khá gần gũi và dễ xem, phim sẽ đánh động khán giả, ít nhiều gây chú ý. Vậy mà cho dù giá vé đã giảm 40, 50%, phim vẫn nhận về kết quả doanh thu thảm hại.
Cuối cùng, với con số nhà nước bỏ ra lên đến 10 tỷ đồng, doanh thu đạt được chỉ vỏn vẹn 500 triệu.
Sống cùng lịch sử: Đầu tư 21 tỷ, thu lại 0 đồng
Sống cùng lịch sử được xem là thất bại lớn nhất dù được nhà nước mạnh tay đầu tư 21 tỷ đồng. Đây là một trong số dự án phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản. Phim xoay quanh nhóm bạn trẻ đi phượt qua những chiến tích Điện Biên Phủ năm xưa. Suốt hành trình, họ mơ thấy mình xuất hiện trong những trận chiến của ông cha, gặp các anh hùng lịch sử và hóa thân thành những dân công kéo pháo, đào hầm trong 56 ngày đêm. Từ những con người của thế giới hiện đại, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội, họ dần thay đổi theo hướng tích cực.
Sống cùng lịch sử ban đầu được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho mảng phim lịch sử. Tác phẩm từng được chọn mở màn đợt phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chiếu miễn phí cho học sinh, sinh viên trên cả nước từ ngày 26-30/4.
Song, khi chính thức ra rạp ở Hà Nội dịp 2/9 vừa qua, những gì đoàn làm phim của NSND Thanh Vân nhận được chỉ là những hàng ghế trống. Cuối cùng, doanh thu của bộ phim khiến nhiều người thoạt nhìn đã đủ chóng mặt khi chỉ là số 0 tròn trĩnh.