[size=medium][/size]
[justify][size=medium]Ngày 25/5/2013, trong đoàn người tụ tập biểu tình ở Osaka miền tây Nhật Bản có một bà cụ hơn 84 tuổi ngồi xe lăn. Ít ai biết rằng, hơn 70 năm trước, cô bé Kim Bok-dong lúc đó mới 14 tuổi đã bị những tên lính Nhật ra lệnh đi làm việc tại một nhà máy may quân phục, thế nhưng cuối cùng cô lại rơi vào một nhà thổ của quân đội Nhật Bản ở miền nam Trung Quốc.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Trung bình mỗi ngày cô bé phải “tiếp” 15 tên lính, và cứ đến ngày cuối tuần, hàng chục tên lính thay nhau giày vò thân xác cô. Đến cuối ngày, thân thể cô chảy máu và không thể đứng lên được vì quá đau đớn. Cô và những cô gái khác bị lính canh theo dõi chặt chẽ nên không thể trốn thoát được. Đó là bí mật mà Kim Bok-dong đã chôn giấu hàng chục năm trời, thậm chí người đàn ông mà sau này cô lấy làm chồng cũng không hề biết đến.[/size][/justify]
[justify] [/justify]
[justify][size=medium][/size][/justify]
[justify][size=medium] [/size]
Bà Kim Bok-dong trong đoàn người biểu tình
[/justify]
[justify] [/justify]
[justify][size=medium]Không chỉ riêng Kim Bok-dong, hàng chục ngàn phụ nữ trên khắp các thuộc địa ở châu Á của đế quốc Nhật Bản trước và trong Thế chiến 2 cũng có những câu chuyện tương tự. Nhiều người đã qua đời mà không dám và không thể kể ra câu chuyện của mình, còn những người đang sống và dũng cảm kể ra giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời của họ vẫn đang khắc khoải đợi chờ một lời xin lỗi chính thức cùng những hình thức bù đắp của chính phủ Nhật Bản.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Phát biểu trong một trung tâm cộng đồng ở Osaka, bà Kim Bok-dong năm nay 87 tuổi nghẹn ngào: “Ngày hôm nay tôi đến đây không phải vì tôi muốn mà vì tôi phải đến. Tôi đến đây để yêu cầu Nhật Bản giải quyết những điều sai trái họ đã làm trong quá khứ. Tôi chỉ hy vọng rằng chính phủ Nhật Bản giải quyết những vấn đề đó càng sớm càng tốt khi những người phụ nữ già cả như chúng tôi vẫn đang còn sống.”[/size][/justify]
[justify][size=medium]70 năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, khi tất cả những thứ khác đã được chôn chặt vào dĩ vãng, vấn đề nô lệ tình dục vẫn là một nỗi nhức nhối cho cả Nhật Bản lẫn các nước láng giềng. Và vết thương chưa lành miệng đó lại một lần nữa toác ra khi gần đây viên thị trưởng Osaka của Nhật Bản Toru Hashimoto đưa ra lời bình luận mà theo một quan chức ngoại giao của Mỹ là “ngớ ngẩn và làm tổn hại hình ảnh Nhật Bản” về vấn đề nô lệ tình dục. Viên thị trưởng này đã “vô tư” thốt lên rằng “phụ nữ giải khuây” là cần thiết để duy trì kỷ luật quân đội và giải tỏa bức xúc cho binh lính trên chiến trường.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Tuyên bố này của ông Hashimoto đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp Hàn Quốc và Trung Quốc, đặc biệt là đối với những người phụ nữ đã từng bị hành hạ trong các nhà thổ của quân đội Nhật. Đối với nhiều người, thậm chí là với cả người dân Nhật Bản, những tuyên bố này của ông Hashimoto chứng tỏ rằng sau ngần ấy năm trời, các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn không muốn thừa nhận một cách đầy đủ những hành động sai trái mà quân đội nước này đã làm trong chiến tranh, vẫn không thèm đếm xỉa đến những suy nghĩ, cảm xúc của các nạn nhân nô lệ tình dục và cộng đồng quốc tế và thậm chí là của chính người dân Nhật Bản.[/size][/justify]
[justify][size=medium][/size][/justify]
[justify][size=medium] [/size][/justify]
[justify]
[size=medium]Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto[/size]
[/justify]
[justify] [/justify]
[justify][size=medium]Giáo sư Koichi Nakano thuộc Đại học Sophia Nhật Bản cho hay: “Đó không phải là vấn đề của quá khứ. Đó đang là vấn đề của hiện tại liên quan đến những người đang sống. Có vẻ như Nhật Bản chỉ đang chờ đợi những người này chết đi trong khi vẫn tìm kiếm một phương kế hoãn binh khác. Từ góc độ nhân văn, điều đó quả thật rất tồi tệ.”[/size][/justify]
[justify][size=medium]Những tuyên bố gây sốc của ông Hashimoto được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang quan ngại về xu thế dịch chuyển sang chủ nghĩa dân tộc của các nhà lãnh đạo Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, người đã từng nói rằng ông muốn xem xét lại những lời xin lỗi của Nhật Bản về cuộc chiến tranh xâm lược trong quá khứ và thay đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của nước này. Theo một khảo sát gần đây của báo Sankei và đài truyền hình FNN, hơn 75% người dân Nhật Bản cho rằng những tuyên bố về nô lệ tình dục của ông Hashimoto là không phù hợp, đồng thời tỉ lệ ủng hộ giành cho đảng của ông này giảm xuống còn một nửa so với tháng trước.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Năm 1993, Nhật Bản đã từng lên tiếng xin lỗi những “phụ nữ giải khuây” trong một tuyên bố của Chánh Văn phòng Nội các thời đó là ông Yohei Kono và thừa nhận “nỗi đau không gì đo đếm được và những vết thương thể xác và tinh thần không thể nào chữa lành.”[/size][/justify]
[justify][size=medium]Tuy nhiên đối với bà Kim Bok-dong và hàng ngàn nô lệ tình dục còn sống khác, điều đó vẫn là chưa đủ. Họ muốn nhận được lời xin lỗi đầy đủ được Quốc hội Nhật Bản thông qua và khoản bồi thường chính thức của chính phủ nước này. Tuy nhiên, Tokyo vẫn luôn một mực bác bỏ yêu cầu chính đáng này với lý do họ đã chi tiền bồi thường chiến tranh cho Hàn Quốc và một số nước khác trong các hiệp ước nối lại quan hệ sau chiến tranh. Năm 1995, Tokyo lập nên một quỹ bồi thường từ các khoản đóng góp tư nhân để bồi thường cho các nạn nhân nô lệ tình dục mà không chấp nhận phương án bồi thường chính thức.[/size][/justify]
[size=medium][/size]
[size=medium] [/size]
[size=medium]Lính Nhật trước một "trạm giải khuây" ở Thượng Hải, Trung Quốc[/size]
[justify][size=medium]Quỹ tư nhân này đã trả 20.000 đô-la mỗi người cho khoảng 280 phụ nữ ở Philippines, Đài Loan và Hàn Quốc, đồng thời chi tiền xây dựng các nhà dưỡng lão cho các nạn nhân ở Indonesia cũng như hỗ trợ y tế cho khoảng 80 cựu nô lệ tình dục Hà Lan. Riêng ở Hàn Quốc, đã có 207 phụ nữ được công nhận đủ tiêu chuẩn để nhận số tiền bồi thường này, tuy nhiên chỉ một phần trong số họ được quỹ này chấp nhận chi trả, còn những người khác chỉ nhận được sự giúp đỡ từ phía chính phủ Hàn Quốc và một nhóm hỗ trợ.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Về phía người dân Nhật Bản, trong những năm gần đây dư luận ngày càng ít thông cảm hơn đối với những nạn nhân ở các quốc gia châu Á từng bị đế quốc Nhật Bản xâm lược. Thuật ngữ “phụ nữ giải khuây” hay “an ủi phụ” từng một lần xuất hiện trong sách giáo khoa Nhật Bản giờ cũng đã biến mất.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Phần lớn những tranh cãi đối với vấn đề “phụ nữ giải khuây” đều tập trung quanh vai trò của chính phủ Nhật Bản hồi đó trong việc tổ chức hệ thống nhà thổ quân đội và việc những người phụ nữ này có bị ép buộc hay không và bị ép buộc đến mức độ nào. Tuyên bố của cựu Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kono nói rằng quân đội Nhật Bản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thiết lập và quản lý hệ thống nhà thổ ở tiền tuyến và nhiều phụ nữ trong các nhà thổ này “bị đưa vào trái với ý nguyện của họ thông qua việc dụ dỗ hoặc cưỡng ép.”[/size][/justify]
[justify] [/justify]
[justify][size=medium][/size][/justify]
[justify][size=medium] [/size]
Khu nhà thổ quân đội Nhật ở Nam Kinh, Trung Quốc
[/justify]
[justify]
[size=medium] [/size]
[/justify]
[justify][size=medium]Tháng 3/2006, cựu Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Nobuo Ishihara cho biết kết quả phỏng vấn 16 phụ nữ Hàn Quốc ở Seoul đưa đến kết luận rằng “những điều họ kể không phải là thêu dệt” và chắc chắn là họ đã bị cưỡng ép trở thành phụ nữ giải khuây trái với ý muốn. Ông Ishihara tuyên bố: “Dựa vào báo cáo của nhóm điều tra, chúng tôi, chính phủ Nhật Bản, kết luận rằng đã có sự cưỡng ép.”[/size][/justify]
[justify][size=medium]Cuộc điều tra của chính phủ Nhật Bản còn cho thấy nhiều nạn nhân người Hà Lan được lựa chọn từ các trại tập trung và bị ép tới các nhà thổ, trong khi những phụ nữ ở Philippines và Indonesia bị cưỡng hiếp ngay trên chiến trường, bị bắt cóc và bị bắt ép “mua vui” cho binh lính trong điều kiện bị giam hãm.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều người Nhật hiện nay mà tiêu biểu là thị trưởng Osaka Hashimoto, việc những người phụ nữ này bị lừa gạt hoặc cưỡng ép vào các nhà thổ không có nghĩa là chính phủ Nhật Bản thời Thế chiến 2 đã ép buộc các cô gái bán dâm một cách có hệ thống. Hashimoto cho rằng các hồ sơ lịch sử đều không ghi chép rõ ràng về việc này, và cách nhìn này cũng tương tự như quan điểm của Thủ tướng Abe rằng không hề có chứng cứ chứng tỏ chính phủ Nhật thời đó đã ra lệnh cưỡng ép các cô gái làm nô lệ tình dục.[/size][/justify]
[justify][size=medium]Nhà sử học Yoshiaki Yoshimi đến từ Đại học Chuo đồng thời là một trong những chuyên gia đáng kính trọng nhất của Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ giải khuây” đã chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Nhật Bản vì đã áp dụng cách diễn giải cực kỳ hẹp hòi đối với định nghĩa ép buộc. Chuyên gia này chỉ ra rằng đa số các “phụ nữ giải khuây” đến từ Nhật Bản đều là các gái làng chơi chuyên nghiệp, số ít còn lại là những cô gái bị chính gia đình mình bán cho các nhà thổ vì họ quá nghèo. Tuy nhiên, ở các quốc gia châu Á bị Nhật Bản xâm lược, những phụ nữ giải khuây này không hề biết đến khái niệm “quyền của thiểu số” hay “quyền được từ bỏ”, đây chính là những gì tạo nên sự ép buộc theo các tiêu chuẩn quốc tế.[/size][/justify]
[justify][size=medium] [/size][/justify]
[justify][size=medium][/size][/justify]
[justify][size=medium] [/size]
Nhà sử học Yoshiaki Yoshimi
[/justify]
[justify] [/justify]
[justify][size=medium]Chuyên gia này nhận định: “Cả Thủ tướng Abe lẫn Thị trưởng Hashimoto đều không hề tìm cách nhìn nhận những cô gái và những phụ nữ trẻ này đã bị ngược đãi ra sao. Cách nhìn của họ hoàn toàn khác với cách nhìn của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.”[/size][/justify]
[justify][size=medium]Những nô lệ tình dục này đã bị ngược đãi ra sao, sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản không hề đề cập tới. Kim Bok-dong đã bị lính Nhật đưa đi lưu lạc khắp nơi, từ Hong Kong tới Singapore và Indonesia cho tới lúc cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1945. Bà đã được tự do ở Singapore rồi tìm đường trở về nhà vào năm 1946. Sau đó bà kết hôn, nhưng cũng giống như các nô lệ tình dục khác, bà không bao giờ có thể tiết lộ quá khứ của mình với bất cứ ai ngoại trừ mẹ đẻ.[/size][/justify]
[justify] [/justify]
[justify][size=medium][/size][/justify]
[justify][size=medium] [/size]
Biểu tình đòi chính phủ Nhật Bản xin lỗi các nạn nhân nô lệ tình dục
[/justify]
[justify]
[size=medium] [/size]
[/justify]
[justify][size=medium]“Ngay cả khi trở về quê hương, tôi vẫn không bao giờ có được tự do thật sự. Làm sao tôi có thể kể với ai về những gì đã diễn ra với mình trong chiến tranh? Những ký ức đó như một tảng đá đè nặng trên ngực tôi.”[/size][/justify]
[justify][size=medium]Mãi đến năm 1981, vài năm sau khi chồng bà qua đời, bà Kim mới đủ dũng khí để phá vỡ sự im lặng. Sau đó bà tham gia vào một nhóm phụ nữ đấu tranh để được chính thức công nhận là nạn nhân nô lệ tình dục của Nhật Bản và đi nhiều nơi trên thế giới để kể với mọi người về câu chuyện của mình. “Chúng tôi không còn sống được bao lâu nữa. Nhưng chúng tôi phải kể cho mọi người về câu chuyện của mình bởi chúng tôi không muốn lỗi lầm tương tự xảy ra một lần nữa.”[/size][/justify]