(Zing) – Sau tiếng “dzô” đầy khí thế là lời hát chế: “Uống rượu cho say quên sầu đi… Uống rượu cho say quên người đi…", một câu hát cất lên là 3-4 tiếng “ô ố” cùng hò theo cổ vũ.
(Ảnh minh họa) |
Sau những tiếng “dzô” đầy khí thế là mấy lời hát cải biên: “Uống rượu cho say quên sầu đi…Uống rượu cho say quên người đi…Lào (nào) ta cùng uống…”. Một câu hát cất lên là ba bốn tiếng “ô ố” cùng hò theo cổ vũ.
Từ phô bày chuyện riêng tư…
Ngạc nhiên hơn khi đó không phải là tiếng của các nam sinh viên như thường thấy ở các chiếu nhậu mà đó là tiếng của các nữ sinh. Cặp kính cận thời trang và bộ quần áo ngủ rất chi là sinh viên đủ để nói lên điều đó. Trên chiếu nhậu lúc này chỉ có bốn người. Hình như các nữ sinh đã bắt đầu phiêu với hơi men cay nên có vẻ như ai cũng nói năng to hơn, nói mà như quát vào mặt người khác khiến cho chủ quán phải nhiều phen chạy lại nhắc nhở vì sợ đội tuần tra an ninh đến phạt. Họ chỉ gật đầu chiếu lệ trước mặt chủ quán để khi bà vừa đi khỏi là “ngựa quen đường cũ”.
Gọi mấy cốc trà nóng, giả vờ lấy đó làm sự lạ để bắt đầu câu chuyện, tôi được chủ quán cho hay: “Chúng nó là sinh viên trọ trong làng Nhân Mỹ. Không biết học trường nào nhưng mà cũng không bao giờ thấy chúng nó ra đây uống nước đâu. Hình như cái con bé mặc áo hoa màu nâu, xinh nhất trong đám bốn đứa ấy bị người yêu bỏ thì phải nên mới tức chí hận tình ra đây uống rượu…”
Đang dở dang câu chuyện với chủ quán, chúng tôi phải dừng lại và hướng sự chú ý đến chiếu nhậu của mấy nữ sinh kia. Một trong bốn nữ sinh có lẽ không hoặc chưa bao giờ phải đụng đến thứ nước cay nên khi uống cùng các bạn đã bị nôn thốc nôn tháo. Ba cô còn lại cũng đã ngà ngà say nên khi bưng nước cho bạn lại không đút vào miệng mà hoặc chệch lên mũi, hoặc sang bên mép khiến cô bạn ấy phải khó khăn lắm mới nhấp được một ngụm nước. Người say cứ nằm, ai chưa say vẫn uống để chia sẻ với bạn nỗi đau bị thất tình. Cô gái có mái tóc duỗi, mặc bộ quần áo màu hồng, bên ngoài khoác chiếc áo len màu trắng lên tiếng:
- Mày không việc gì phải buồn cả Noan (Loan) ạ!
- Thằng Long là thằng năng (lăng) nhăng nên trước sau gì rồi ló cũng bỏ mày thôi. Tao biết ló (nó) khi ló bắt đầu tán mày cơ mà tao không dám lói vì tao biết mày rất yêu ló. Chỉ tiếc nà mày dại quá, sao mày cho ló “nàm” sớm thế khi ló (nó) mới quen mày được có mấy tháng?
Cạnh giọng nói đậm chất “bản địa” là vẻ ngà ngà của những nữ sinh lần đầu uống rượu khiến cho bà chủ quán lẫn tôi không khỏi buồn cười. Cô bạn áo hồng chưa kịp nói xong thì một cô bạn gái khác tên Duyên ngồi đối diện nói chen vào.
- Mày nói nghe chán quá!
- Yêu nhau thì mới cho chứ không yêu thì đời nào cái Loan nó cho. Nhưng mà cái thằng Long khốn nạn ấy nó đểu cáng nên “xơi” được con người ta rồi là nó quất ngựa truy phong. Cái ngữ ấy chắc trước khi đến với cái Loan cũng phải “xơi” đến mấy chục đứa con gái rồi chứ chả phải ít. Thôi không nói nữa, uống tiếp đi chúng mày.
Chỉ tội cho Loan, khổ chủ đang có nỗi muộn phiền thất tình, không thể nói được câu nào. Những chuyện tế nhị, vốn chẳng ai hay thì nay trong chiếu nhậu bị các bạn vô tình hét toáng lên như “bố cáo” cho bàn dân thiên hạ xung quanh biết để chia sẻ với bạn mình vậy.
(Ảnh minh họa) |
Lúc đầu Loan khóc nhỏ nhưng càng lúc càng khóc to hơn khiến cho đám bạn đang ngà ngà cũng trở nên phát hoảng. Đang khóc Loan lăn đùng ra nôn thóc nôn tháo, mặt mày xanh rớt khiến cả chủ quán lẫn tôi không khỏi hoảng hốt.
Lấy vội lọ dầu thoa hai bên thái dương rồi bà chủ quán bảo tôi bế cô bé nằm ngửa lên chiếu sau đó bà dùng dầu bôi vào lòng bàn chân của Loan và miệng không quên cằn nhằn, trách móc: “Trời ơi làm gì mà phải khổ sở thế này. Chúng mày sướng mà cũng không biết đường mà sướng. Bố mẹ cho ăn học, không lo ăn học cứ yêu đương vớ vẩn để bây giờ ra nông nổi thế này đây. Nó bỏ thì đi yêu thằng khác, thiếu cha gì con trai mà cứ phải sầu khổ làm gì. Đã không uống được rượu thì thôi đừng uống…”.
Bà chạy đi rót một cốc nước trà nóng rồi đút cho cô bé uống bằng được. Uống được nửa cốc, Loan lại nôn tiếp một lần nữa. Mấy cô bạn dù không mấy tỉnh táo nhưng thấy bạn như thế thì trán cũng đẫm mồ hôi.
Loan như tỉnh hơn được một chút nhưng lại ôm chầm lấy bà chủ quán vì tưởng là bạn mình rồi khóc lóc, kể lể: “Mày ơi, không có anh ấy tao không sống nổi” hay “tao chẳng thiết sống nữa, mày gọi điện bảo với anh ấy là tao chẳng thiết sống nữa!”
Bà chủ quán thấy thế cũng không nhịn được cười, vội giục mấy cô bạn đứng dậy trả tiền rồi đưa bạn về kẻo trúng gió. Cô bạn áo hồng móc tiền ra trả rồi cả đám bước thấp bước cao đi vào trong bóng tối.
Nhìn theo đám nữ sinh, tôi thấy Loan nhiều lần không chịu để cho đám bạn dìu về mà còn buông tay rồi nằm xoài ra giữa đường, miệng lảm nhảm những gì không ai hiểu khiến mấy cô bạn kia phải khó nhọc lắm mới dìu đi được.
Bà chủ quán quay lại nói với tôi: “Lạ cho bọn con gái bây giờ, cứ cái gì cũng có thế mượn rượu để giải quyết được. Mấy hôm trước cũng có một đám bốn năm đứa thất tình như con bé này đến quán tôi uống rượu. Uống nhiều quá đến lúc người tím tái lại, nôn không nôn được khiến tôi sợ điếng cả người. May làm sao có một cô đi cùng còn tỉnh, bắt gió cho rồi thuê taxi chở về…”
Tôi ra về khi đồng hồ đã chỉ 23h30. Trời dày sương và lạnh hơn.
Hà Tùng Long