[size=2]Xiao Lu là một nam sinh nhưng thường đội tóc dài, dán lông mi giả, mặc quần bó đủ màu, thậm chí còn mượn trang phục và mỹ phẩm của bạn gái để trang điểm. Cậu là một trong những "tín đồ" của trào lưu cross-dressing.[/size] Theo tờ Chinadaily, trào lưu thời trang cross-dressing (mặc trang phục ngược với giới tính của mình), một lối ăn mặc phổ biến của loại hình kịch nghệ truyền thống Trung Hoa, đang trở thành xu hướng thời trang mới của sinh viên đại học Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Người khởi xướng trào lưu này chính là Xiao Lu.
Là một nam sinh nhưng Xiao Lu xuất hiện với mái tóc giả óng mượt dài như con gái. Cậu cũng thường diện quần bó màu sắc sặc sỡ và không quên dán cặp lông mi giả thật điệu. Nhiều lúc nam sinh này còn mượn trang phục và mỹ phẩm của bạn gái mình để trang điểm. Nhiều người nghi ngờ Xiao Lu là một người đồng tính hoặc "lưỡng tính".
Xiao Lu cho biết cái tên này thực ra là biệt danh mà bạn bè gán cho chứ bản thân cũng không thích được gọi như thế. Ở ngôi trường đang theo học, Xiao Lu cũng là thành viên sáng lập câu lạc bộ Alice Nisemusume. Nhóm này tập hợp những nam sinh có cùng sở thích hóa trang giống như nhân vật Shihodani Yujiro trong truyện tranh Nhật Bản (truyện tên là Princess Princess kể về 3 chàng trai ăn mặc giống như con gái và theo học tại một trường nam sinh).
Xiao Lu đang học tại Đại học Zhongnan. Cậu cho biết bắt đầu cross-dressing từ 3 năm về trước khi cùng với một số bạn bè tình nguyện hóa trang vào vai nhân vật nữ trong một buổi biểu diễn hoạt hình. Sau thành công của chương trình, có rất nhiều bạn bày tỏ mong muốn tham gia nhóm của Xiao Lu. Và họ quyết định thành lập Câu lạc bộ mang tên Alice Nisemusume, một câu lạc bộ gồm các nam sinh hóa trang thành nhân vật hoạt hình nữ.
“Tôi chỉ muốn mang đến cái nhìn mới mẻ và sự sống cho các nhân vật hoạt hình trong truyện tranh Nhật Bản,” Xiao Lu (20 tuổi) phát biểu trên Dailychilli. Đến nay câu lạc bộ này đã trở thành một trong những hiệp hội phổ biến nhất tại trường đại học Vũ Hán, thu hút nhiều sinh viên hâm mộ truyện tranh Nhật Bản tham gia.
Câu lạc bộ có hơn 300 thành viên tham gia đến từ nhiều trường đại học khác nhau trong thành phố, bao gồm trường đại học Central China Normal, Hubei Radio và TV, Khoa học và Công nghệ Hoa Trung. Trong thời gian qua, câu lạc bộ cũng được mời tham gia nhiều cuộc triển lãm hoạt hình và các hội thảo ở Trung Quốc. Với mỗi sự kiện, mỗi thành viên được trả thù lao khoảng 165.000 đồng Việt Nam.
Trong khi Xiao Lu đang chìm ngập trong sự thành công từ sở thích lạ thường của mình, thì các thành viên câu lạc bộ lại cảm thấy khó chịu.
Liu Peng (21 tuổi) là một trong những thành viên tham gia câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập. Anh cho biết sự nổi tiếng của nhóm mang đến những điều tiếng không mong muốn. Người ta tò mò, dèm pha và dị nghị về câu lạc bộ xoay quanh các vấn đề về giới tính. Mẹ của Liu Peng cũng là một trong số đó.
Bà nói: “Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi con trai tôi ăn mặc như một đứa con gái. Những hành vi của nó sẽ dẫn đến những sự hiểu sai lầm về giá trị nhân phẩm và giới tính. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu nó ra khỏi nhóm”.
Phát biểu quan điểm về vấn đề này, ông Sun Yunxiao, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu về trẻ em và thanh niên quốc gia Trung Quốc cho rằng, văn hóa ăn mặc theo kiểu trào lưu nisemusume này đã mang đến cách hiểu lệch lạc về giới tính cho giới trẻ.
“Con trai thì nên thể hiện nam tính, mạnh mẽ và sống có trách nhiệm. Cách ăn mặc này truyền tải nhiều thông điệp trái với chuẩn mực xã hội, cũng giống như thông điệp từ các nhân vật hoạt hình và các cuộc thi văn nghệ Nhật Bản”, Ông Sun nói.
Vào năm 2010, Liu Zhu, một thành viên 19 tuổi tham dự cuộc thi cross-dressing. Nam sinh này đã được nhiều người biết đến sau khi tham gia chương trình Human TV’s Happy Boys (một cuộc thi tìm kiếm tài năng hát). Cuộc thi đã dấy lên làn sóng phản đối trong dự luận với hầu hết các ý kiến đánh giá tiêu cực về trào lưu cross-dressing.
Những phản ứng trên đã gây ảnh hưởng lớn đến các thành viên của câu lạc bộ Alice Nisemusume. Những thành viên không thể chịu được búa rìu dư luận quyết định rút tên ra khỏi câu lạc bộ.
Đến mùa thu năm 2010, câu lạc bộ chỉ còn vỏn vẹn 4 thành viên. Cuối năm đó chủ nhiệm câu lạc bộ lúc ấy là Liu Peng đã tuyên bố giải thể nhóm. Tuy nhiên vì tiếc nuối, nhiều bạn bè và fan hâm mộ cross-dressing đã động viên cậu tiếp tục duy trì câu lạc bộ, rồi cậu cũng đồng ý.
“Tôi nắm bắt cơ hội để lôi cuốn thêm nhiều thành viên hơn nữa. Nhưng đồng thời cũng khuyến cáo họ về những kỳ thị cả xã hội mà họ sẽ phải đối mặt”, Liu Peng cho biết.
Đứng trên phương diện khác, bà Li Yinhe, nhà xã hội học nổi tiếng của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng không phải tất cả mọi người đều lên án cross-dressing. Theo bà trào lưu ăn mặc mới này chính là một hình thái độc đáo của nghệ thuật trình diễn.
Bà so sánh những học sinh theo xu hướng này với Li Yugang, một nam ca sĩ nổi tiếng nhờ vào vai diễn một người phụ nữ.
“Trào lưu ăn mặc mới này cho thấy sự sống động của nghệ thuật trình diễn. Những bạn trẻ ưa thích dòng phim hoạt hình được chuyển thể của Nhật Bản, yêu mến những nhân vật nữ, và họ bày tỏ quan điểm của mình thông qua các buổi trình diễn. Không có gì là sai trái vì cách ăn mặc sẽ không làm thay đổi giới tính của ai cả”, Li Yinhe nói.
Ủng hộ quan điểm của bà Li, Xiao Lu bày tỏ: “Chúng tôi không thành lập câu lạc bộ vì mục đích lợi nhuận. Chúng tôi là một nhóm với những con người bình thường yêu mến hoạt hình Nhật Bản và dĩ nhiên chúng tôi có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Chúng tôi sẽ chấm dứt lối ăn mặc này sau khi tốt nghiệp".