Liệu rằng nuốt kẹo cao su sẽ bị dính ruột, ăn kim loại bị chảy máu dạ dày?
Chúng ta sẽ ra sao nếu đồ ăn hàng ngày là kẹo cao su, nilon và kim loại? Hãy cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi ấy ngay sau đây:
1. Kẹo cao su
Kẹo cao su có lẽ thứ đồ vặt nổi tiếng gắn liền với tuổi thơ của bất cứ đứa trẻ nào. Và câu dọa “nếu ăn kẹo cao su mà nuốt thì sẽ bị dính vào ruột” của người lớn cũng không mấy xa lạ gì. Thế nhưng sự thật có phải như vậy không?
Mang tiếng là cao su nhưng thực chất trong thành phần loại kẹo này chỉ gồm có đường, gôm, chất tạo màu và mùi. Gôm lại được tạo ra từ chất đàn hồi, nhựa thông, chất béo, sữa nhũ hóa và sáp ong. Đó chính là thành phần tạo nên cảm giác dai như cao su mà chúng ta đã biết.
Khi ăn kẹo cao su, chúng ta không thể nhai nát như cơm hay các thức ăn thông thường. Khi nuốt vào, bạn có cảm giác hơi khó chịu bởi kích thước viên kẹo. Khi vào tới dạ dày, hệ tiêu hóa dễ dàng phân hủy đường, chỉ còn lại phần gôm.
Đối với hỗn hợp này, hệ tiêu hóa xử lý theo cách khác. Ruột co bóp liên tục, tống phần gôm đi khỏi hệ tiêu hóa và di cư ra ngoài trong vòng 2 ngày. Vì thế, chuyện vô tình nuốt kẹo cao su sẽ bị dính ruột là không chính xác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu nuốt một số lượng lớn kẹo cao su trong thời gian ngắn thì nguy cơ bị tắc ruột gây táo bón là rất cao. Điều này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ vì đường kính ống tiêu hóa các em còn nhỏ, chưa đủ lớn.
2. Kim loại
Cơ thể con người không thể thiếu được những khoáng chất vi lượng, các nguyên tố kim loại như sắt, magie, canxi… Thế nhưng nếu để thành miếng liệu chúng ta có thể ăn được chúng hay không?
Đối với các kim loại có tính kiềm như canxi, natri, kali thì đương nhiên là không. Đó là vì khi gặp nước trong miệng, các kim loại này hoặc bốc cháy hoặc phát nổ.
Còn đối với các kim loại khác, về cơ bản nếu chúng được cắt thành những mẩu đủ nhỏ thì con người hoàn toàn có thể nhai và nuốt chúng vào.
Thậm chí theo các nhà khoa học, chúng ta có thể cảm nhận được vị tanh đặc trưng của kim loại nhờ vào tính dẫn điện của chúng.
Khi nuốt vào tới hệ tiêu hóa, chúng cũng sẽ có số phận tương tự như kẹo cao su, bị dạ dày và ruột co bóp, đào thải ra bên ngoài. Thời gian phụ thuộc vào số lượng kim loại bạn ăn.
Tuy nhiên nếu kích thước kim loại quá lớn hoặc có cạnh sắc thì cực kỳ nguy hiểm bởi nó rất dễ bị mắc lại trong cơ thể, dẫn đến chảy máu trong, nhiễm trùng.
Đặc biệt, từ thời xa xưa, các tầng lớp quý tộc đã từng quan niệm ăn vàng - kim loại quý sẽ tốt cho sức khỏe và vẻ đẹp. Họ trộn vàng trong thức ăn, ngâm vàng trong rượu để uống.
Tuy nhiên, vàng là kim loại trơ nên khi ăn, nó không có vị gì và cũng bị đào thải ra ngoài bởi cơ chế nêu trên. Thậm chí nếu ăn vàng dưới dạng muối natri clorua vàng thì còn gây ra đau bụng, dị ứng và tiêu chảy nữa…
3. Nylon
Sự nguy hiểm của túi nylon và polymer nói chung đối với toàn nhân loại là không phải bàn cãi. Được làm từ hóa chất tổng hợp, trung bình phải mất 500 - 1.000 năm chúng mới phân hủy được.
Thêm vào đó, cấu trúc tạo nên nylon lại là các chất hữu cơ cực kỳ độc đối với cơ thể con người. Điển hình nhất là stiren là ethyl benzene gây ảnh hưởng tới gan, hệ thần kinh của con người. Phản ứng của cơ thể gần như là ngay lập tức đối với các chất kể trên.
Chúng không có vị nên nhiều người không thể nhận ra. Thế nhưng, khi vào hệ tiêu hóa, chúng nhanh chóng gây nên ung thư tuyến tụy và dạ dày.
Đó là chưa kể trong các túi nylon còn chứa nhiều các kim loại nặng độc như chì, thủy ngân… Trung bình mỗi năm, có 100.000 động vật biển chết vì nuốt phải túi nylon.