Các nhà khoa học hôm qua thông báo họ phát hiện những con cá mập lai đầu tiên ở vùng biển của Australia và cho rằng chúng là kết quả của chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu của cá mập.
[size=1]Một con cá mập vây đen chưa trưởng thành bị các nhà nghiên cứu của Đại học Queensland bắt trong vùng biển phía đông của Australia. Ảnh: AFP.[/size]
Jess Morgan, một nhà nghiên cứu của Đại học Queensland tại Australia, nói rằng ông và các đồng nghiệp phát hiện những con cá mập lai trong một chuyến nghiên cứu ở vùng biển phía đông của Australia. Chúng là hậu duệ của hai loài cá mập vây đen là Carcharhinus limbatus (phân bố khắp toàn cầu) và Carcharhinus tilstoni (chỉ sống tại vùng biển ấm của Australia), AFP đưa tin.
“Phát hiện này khiến chúng tôi ngạc nhiên vì chưa ai thấy cá mập lai bao giờ. Ngay cả những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không nghĩ tới việc sẽ gặp cá mập lai. Đây là một biểu hiện của sự tiến hóa”, Morgan nói.
Theo Colin Simpfendorfer, một nhà nghiên cứu của Đại học James Cook, một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy hiện tượng giao phối chéo giữa giữa cá mập xảy ra ở 57 trong số hơn 300 loài cá mập.
Cá mập vây đen Australia nhỏ hơn một chút so với loài kia và chúng chỉ sống ở các vùng biển nhiệt đới. Song những con cá mập lai xuất hiện ở vùng biển cách bờ tới 2.000 km, nơi mà nhiệt độ của nước khá thấp. Điều đó có nghĩa là hậu duệ cá mập vây đen Australia có thể sống trong môi trường nước lạnh, nhờ đó khả năng thích nghi của chúng tăng lên tương lai, khi các tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiều vùng biển nhiệt đới trở nên lạnh hơn.
Loài người đang đối mặt với một nghịch lý về biến đổi khí hậu. Sự ấm lên và tình trạng suy giảm diện tích băng ở Bắc Cực không làm tăng nhiệt độ ở mọi nơi trên địa cầu, mà lại làm giảm nhiệt độ ở những vùng thuộc vĩ độ thấp, khiến mùa đông ở bán cầu bắc trở nên lạnh hơn.
Trước kia những cơn gió gần cực bắc của trái đất chỉ di chuyển trong phạm vi Bắc Cực. Khi nền nhiệt ở Bắc Cực tăng, quỹ đạo quen thuộc của chúng bị phá vỡ khiến nhiều khối khí lạnh tiến về phía nam. Do tác động của những khối khí đó, nhiều vùng ở bán cầu bắc trở nên lạnh hơn. Hiện tượng này giúp chúng ta giải thích tại sao tuyết phủ kín nhiều vùng của nước Mỹ dù người dân ở những vùng đó chưa từng chứng kiến hiện tượng tương tự trong quá khứ.
“Nếu những con cá mập lai có thể chuyển phạm vi sinh sống tới những vùng biển lạnh thì mục đích của giao phối chéo là mở rộng phạm vi sinh sống. Giao phối chéo cho phép những con cá mập vốn chỉ sống tại vùng biển nhiệt đới có thể sống sót khi tiến vào vùng biển ôn đới”, Morgan nhận xét.