Ăn chơi 2012-07-27 13:19:03

Rắn nướng lá lốt trị phong thấp


[size=1]Rắn nướng lá lốt trị phong thấp[/size]
Phong thấp, thấp khớp là bệnh rất phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở người già, ở những người lao động thường ngâm chân trong ao hồ, ruộng nước, thường nằm ngủ nơi ẩm thấp.

Trước đây người ta quan niệm rằng xương sụn là cơ quan trơ, không có mạch máu, do đó theo thời gian và sự vận động nó bị mài mòn. Quan niệm đó nay đã thay đổi: Sụn cấu tạo bởi chondrocyte nằm trong khung sụn. Dịch khớp nuôi dưỡng chondrocyte. Ở mỗi lứa tuổi tốc độ tái tạo chondrocyte thay đổi và giảm dần theo thời gian, theo tuổi tác. Khả năng tái tạo của người già suy giảm tỷ lệ chondrocyte ít hơn, khung sụn thoái hóa làm cho khớp sưng đỏ, dễ nhiễm khuẩn. Khi khớp sưng thì tốc độ thoái hóa càng nhanh. Việc sử dụng thuốc chống viêm hạ nhiệt, giảm đau, kháng sinh đều là trị ngọn…

Đông y quan niệm rằng kinh mạch không thông khí huyết ứ trệ ở khớp, sinh chứng đau buốt tê dại sưng nhức. Phép trị là khu phong tán hàn trừ thấp và kèm thêm thông kinh hoạt lạc, hành khí, hoạt huyết, trấn thống. Sách xưa dạy: “Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt”. Vậy làm cho khí huyết lưu thông thì dịch sụn có đủ chất bổ dưỡng nuôi chondrocyte và có thêm khả năng chống nhiễm khuẩn. Ở đây ta thấy Đông – Tây y có điểm tương đồng. Các hãng thuốc trong nước và trên thế giới đang cố gắng sáng chế các chất kháng viêm không steroid có khả năng thấm qua màng túi dịch khớp, có ái lực với mô sụn nhất là với cơ quan đang sưng. Điều này rất phù hợp với phương pháp bào chế quy kinh của Đông dược. Mặt khác Đông y còn xác định tính thăng giáng của vị thuốc. Ví dụ: Độc hoạt và khương hoạt đều trị thấp khớp. Nhưng khương hoạt có tính đi lên nên dùng để trị bệnh ở phần trên cơ thể như tay vai cổ; Độc hoạt có tính đi xuống (giáng) nên dùng trị thấp khớp ở phần dưới cơ thể. Các thuốc kháng viêm của Tây y hiện nay chưa đạt tới khả năng này.

Sau đây xin giới thiệu món ăn thuốc “rắn nướng lá lốt”

Rắn chặt đầu, bỏ đuôi, lột da, bỏ hết tạng phủ. Róc lấy thịt, băm vụn với rau mùi tàu (ngò gai) và xương xông, vo viên bọc lá lốt, nướng. Rắn ăn làm thuốc, thường là rắn độc như rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia.

Thịt rắn có vị ngọt, hơi mặn, tính ấm, hơi độc, đi vào can kinh. Nó có công năng khử thấp, làm mạch gân cốt trị phong thấp, nhức mỏi tê liệt, chữa các cơn co giật, kinh phong, nhọt độc. Rắn có 2 bộ phận sinh dục riêng biệt. Hai dương vật luân phiên hoạt động nên thời gian giao cấu lâu, tạo khả năng thụ thai tối đa ở rắn cái. Do đó thịt rắn có tính bổ thận làm mạnh và tăng thời gian giao cấu. Các vận động viên bóng đá nước ngoài (Hàn Quốc) thường bồi dưỡng bằng cháo rắn để mạnh gân cốt tăng sức dẻo dai.

Lá lốt có vị cay mùi thơm gắt, tính ấm, đi vào các kinh phế, tỳ và vị. Nó có công năng làm kiện vị, giáng khí, thông khiếu, trị phong thấp.

Xương xông có vị đắng cay, mùi thơm đặc biệt, tính ấm, có công năng tiêu đờm, tiêu thực, khử mùi tanh, chống dị ứng.

Rau ngò gai (mùi tàu) vị cay, ấm, hơi đắng, khí thơm, có công năng sơ phong, thanh nhiệt, hành khí, làm tiêu hóa tốt, tiêu sưng ngừng đau.

Thịt rắn có mùi tanh. Dùng xương xông, ngò gai, lá lốt để khử tanh. Riêng thịt rắn và lá lốt đều có tính trị phong thấp rất tốt. Các rau ngò, xương xông, lá lốt có tính tiêu thực giúp cho thịt rắn được tiêu hóa tốt. Thịt rắn là loại protid lạ dễ gây dị ứng nên có xương xông để chống dị ứng.

Người ta còn tận dụng mật rắn ngâm rượu để trị đau lưng và các chứng phong sưng, đỏ.

Xác rắn sắc uống hay đốt cháy bôi ngoài da để trị kinh phong trẻ em, đau bụng, thối tai và các bệnh ngoài da.

Máu rắn: Nắm đuôi rắn quay tròn cho máu dồn lên đầu rồi chặt đầu, cho máu nhỏ giọt vào ly rượu rồi uống ngay, có tác dụng hoạt huyết trị nhức mỏi, thấp khớp.

Rượu rắn: Tốt nhất là phải đủ bộ 3: rắn ráo, rắn hổ mang, rắn cạp nong. Cho rắn còn sống vào bình, đổ rượu cho ngập, ngâm 24 giờ rồi bỏ rượu này đi vì có chất độc. Đem rắn ra chặt bỏ đầu, mổ bụng bỏ hết tạng phủ để lại mật. Để nguyên da, ngâm rượu, đậy kín 100 ngày thì uống được. 3 con rắn ngâm được 10 lít rượu. Nên ngâm thêm các dược liệu như hà thủ ô, kê huyết đằng, cẩu tích, thiên niên kiện, trần bì… Cần ngâm với rượu có độ cao, rượu rắn hơi tanh, khó uống. Phụ nữ có thai không dùng.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)