“Tôi không hét giá triệu đô”
Đến đầu xã Lâm Xa, hỏi gia đình ông Ngọc ai cũng biết. Bởi vì thời gian gần đây dư luận trong và ngoài xã Lâm Xa rộ lên tin đồn cây cảnh hóa thạch của nhà ông có giá trên một triệu đô. Có người dân tò mò còn hỏi: "Một triệu đô là bằng bao nhiêu tiền Việt mình hả chú? Nhẩm ra cũng 20 tỷ đồng đấy nhỉ! Phen này nhà ông Ngọc để đâu cho hết tiền!". Nói rồi người này hí hửng dẫn chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Ngọc.
Căn nhà của ông Ngọc rất đơn sơ, nằm lọt thỏm giữa ngôi làng Tráng yên bình. Xung quanh nhà có rất nhiều cây cảnh đẹp, theo chúng tôi đoán giá mỗi cây cũng phải từ vài chục cho đến trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có "thú vui" nuôi chim trĩ. Vợ ông nói: "Ông Ngọc nhà tôi chơi cây cảnh đã hơn hai mươi năm nay, bao nhiêu tiền bạc và thời gian ông ấy đổ hết vào cái thú chơi cây cảnh. Tìm được cây cảnh triệu đô kia cũng là do cái duyên chơi cây cảnh đó mà ra".
Một chiếc lá thạch mộc vẫn còn vẹn nguyên gân lá
Ông Ngọc kể lại: Ông tậu được cây cảnh thạch mộc từ năm 1997 trong một lần lang thang đến vùng đồi núi ở xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa. Ông đem về để đó làm cảnh. Đến năm 2001, có một nhóm thương lái tự xưng là người Lạng Sơn đến hỏi mua. Ban đầu họ thuyết phục ông bán, nhưng ông không đồng ý. Sau đó cũng nhóm người này nói với ông rằng: "Bao nhiêu tiền cứ nói, ông nói bao nhiêu chúng tôi trả tiền ông bấy nhiêu".
Tuy nhiên, ông Ngọc vẫn không bị đồng tiền làm mềm lòng. "Ngay lập tức nhóm người này ngã giá với tôi là một triệu rưỡi đô - la, chứ tôi đâu có tự "hét" giá là triệu rưỡi đô".
Sau khi biết thạch mộc cảnh của mình rất giá trị, ông Ngọc sợ tin này đồn lan ra kẻ xấu sẽ vào nhà đánh cắp nên đã đem thạch mộc đi cất giấu ở một nơi bí mật.
Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã lôi một phần nằm trong gia tài triệu đô của mình ra để đem đến tặng bảo tàng Thăng Long. "Tôi mới trưng bày ở đây có hai ngày đã có người đến hỏi thăm. Sau đó là có mấy giáo sư nói là cần nghiên cứu, rồi tôi tặng luôn bảo tàng một phần thạch mộc cảnh của mình để mọi người cùng xem. Thạch mộc được trưng bày hầu như còn rất nguyên vẹn. Từng chiếc lá vẫn còn bám nguyên vẹn trên cây, trên những chiếc lá còn thấy từng gân lá…", ông Ngọc cho biết.
Ông Hoàng Văn Ngọc bên cây thạch mộc triệu đô la
Chỉ là may mắn
Men theo con đường nhỏ chạy dọc sông Luồng nước đỏ au, ông Ngọc dẫn chúng tôi đến địa phận xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa. Quãng đường dài tới 35km quanh co trúc trắc khiến chúng tôi hình dung ra việc vận chuyển thạch mộc chắc sẽ rất vất vả, nặng nề lắm. Nhất là những năm 1996 - 1997, con đường nhỏ dẫn đến hang còn chưa làm.
Chúng tôi mò mẫm theo ông Ngọc đến xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa đã quá trưa. Ông Ngọc dẫn chúng tôi băng qua một con đường nhỏ đầy cỏ gai xuống sông Luồng. Nhìn quanh chỉ thấy dòng nước đục ngầu.
Ông Ngọc vẻ đã mệt mỏi, giờ chỉ còn biết lắc đầu: "Mấy hôm nay trời mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về ngập cả cửa hang nên không thể dẫn mấy anh vào được. Giờ chỉ còn thấy phần nóc của cửa hang thôi. Trong hang hiện đang ngập nước có thể chứa được cả trăm người. Không ai biết tên cái hang đó là gì, cũng không ai đặt tên cho nó. Chúng tôi và mọi người chỉ biết đến địa điểm này thì có một cái hang, rồi cứ thế mà vào".
Theo ông Ngọc thì mùa khô năm 1997 nước sông Luồng rất cạn, ông và con trai là Hoàng Văn Mạnh lang thang trên các đỉnh núi ở Nam Xuân tìm cây cảnh và tình cờ chui vào hang. Ông đem theo một chiếc đèn pin để soi đường, người con trai chui sâu vào hang và phát hiện ra có một nhũ đá nhô lên, trên đó rong rêu phủ kín hết. Ông và con trai mình lấy chiếc gậy vạch rêu ra thì thấy một cụm cây đã hóa thạch nom vẫn còn rất nguyên vẹn. Ngay sau khi phát hiện thạch mộc, ông về nhà thuê ngay bốn người khác đến đào. Sau đó, ông kết bè đưa thạch mộc qua sông Luồng rồi chở về nhà bằng xe máy.
Cả cụm thạch mộc được ông chở rậm rịch mãi rồi cũng đến nhà. Hiện ở nhà ông còn giữ lại một cây cao 1,3m, thân, lá và cành hầu như còn nguyên vẹn. Cây có màu trắng bạc, trên mỗi chiếc lá, thân cây có một lớp nham thạch rất mỏng. Một số lá nhỏ bị vỡ lộ ra lớp ruột rỗng bên trong có màu mỡ gà.
Cửa hang nơi phát hiện thạch mộc đã bị ngập nước
Theo ông Ngọc thì tại thời điểm năm 1997 phong trào chơi cây cảnh đã nở rộ, hàng chục cánh thợ săn cây cảnh đến đây. Họ mò lên tận trên đỉnh núi cao chót vót, rồi dùng dây đu mình xuống lưng chừng vách núi. Họ đào những cây cảnh như si, đa có thế và dáng đẹp.
Khi những nhóm thợ săn cây cảnh ra đi thì cũng là lúc nhóm thợ tìm đá cảnh đến. Họ cũng cố liều mạng đu mình xuống lưng chừng dãy núi ngay phía trên miệng hang để cưa nhũ đá. Cưa xong họ dùng dây thả xuống một chiếc bè dựng sẵn ở dưới dòng sông Luồng. Tuy nhiên, có một điều lạ là tại thời điểm này, các nhóm thợ săn cây và đá cảnh chưa ai vào hang tìm kiếm. Vì thế, với ông việc gặp được thạch mộc triệu đô đó là sự may mắn.