[size=6]Tàu sắt 264 của Trung Quốc rồ ga rồi húc mạnh vào tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi khiến nó nghiêng về một bên. Nước tràn vào khoang, các ngư dân bị va đập vào mạn tàu, kêu la hoảng loạn.
[/size]
Sau khi bị tàu sắt 264 Trung Quốc đâm, mỏ neo tàu cá của ông Quang cắm sâu vào thành tàu.Ảnh: Trí Tín. |
"Linh tính chẳng lành, tôi trấn an anh em, chuẩn bị sẵn phao cứu sinh phòng khi tàu bị tông chìm. Đúng như dự đoán, ba tàu sắt to lớn của Trung Quốc vô cớ tấn công, cản trở không cho tàu chúng tôi về Quảng Ngãi", ông Quang kể.
Theo ông Quang, tàu sắt dẫn đầu sơn màu trắng bạc, số hiệu 32001 có vẽ hình mỏ neo giữa thân tàu với khoảng gần 20 người mặc đồ rằn ri. Tàu có trang bị vũ khí, súng máy, thủy thủ liên tục cầm cờ Trung Quốc ra hiệu xua đuổi. Đi cùng còn có tàu 73 sơn màu trắng và tàu 264 màu da cam giống tàu lai dắt (mỗi tàu có khoảng 10-15 người).
Sau gần 30 phút bao vây, tàu 264 bất ngờ lao đến đâm vào mũi tàu cá Quảng Ngãi khiến nó chao đảo, suýt lật nghiêng. "Tàu sắt 264 lớn gấp bốn lần nên khi bị nó lao vào, tàu của chúng tôi kêu răng rắc, mỏ neo trước mũi bị gãy ghim sâu vào thân tàu. Chúng tôi hò hét tìm nơi ẩn núp dưới khoang", ngư dân Ngô Văn Điệp kể.
Các ngư dân còn chưa dám tin mình còn sống sót trở về với vợ con. Ảnh: Trí Tín. |
Khi tàu cá vẫn trụ được trên sóng, tàu sắt 264 một lần nữa rồ ga, lao vun vút húc vào đuôi tàu. Cú đâm mạnh khiến tàu của ông Quang nghiêng về một bên, nước tràn vào khoang, các ngư dân bị hất văng, va đập vào mạn tàu. "Biết họ cố tình đâm chìm nên tôi tìm cách rồ ga tháo chạy. Vừa giữ tính mạng anh em vừa bảo vệ 7 tấn cá đánh bắt cả tháng qua. Tàu sắt 264 tiếp tục truy đuổi chúng tôi 20 phút nữa mới chịu buông tha", thuyền trưởng Trung kể.
Chạy thoát đoàn tàu Trung Quốc, tàu cá của ông Quang mang nhiều "thương tích" trở về nhà. Trong đó be phải tàu bị gãy dài 17 m; be phía sau gãy 6,8 m; 4 đà ngang, ca bin cũng gãy, ba bóng đèn (mỗi bóng 1.000 W) vỡ toác… Ước tính tổng thiệt hai 100 triệu đồng, chưa kể chi phí nhiên liệu tốn thêm hàng chục triệu đồng vì hành trình trở về cảng mất thêm nửa ngày.
Tàu cá của ông Quang là loại hành nghề lưới rút có công suất 340 CV, công nghệ hiện đại, được trang bị hệ thống thiết bị ánh sáng cao áp, giàn kéo lưới bằng máy, cần cẩu để nhấc giàn chì lưới nặng hàng tấn. Theo ngư dân, nếu tàu công suất nhỏ hơn thì có thể họ đã bỏ xác ở vùng biển Hoàng Sa.
Mạn tàu cá của ông Quang bị nứt thành vệt dài sau những cú đâm của tàu sắt Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín. |
Ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 26/5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động của các tàu Trung Quốc.
"Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển", phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự.