[justify]Tới trung tâm thị trấn Bến Cát, xe rẽ xuống chợ và dừng lại gần vòng xoay. T. móc điện thoại ra gọi cho một ai đó. 30 phút sau, một chiếc ô tô màu đen sẫm bốn chỗ chạy tới. Chúng tôi chuyển sang xe này. Xe lăn bánh hết đường nhựa, đường đá, đường đất như lạc vào mê cung. Cuối cùng xe dừng trước một ngôi nhà gỗ, lọt thỏm giữa rừng cây cao su.
[/justify]
Hình minh họa.
[justify]Hai con chó béc giê đón khách bằng những tiếng sủa hăm dọa. Như được báo trước, cánh cổng hé mở. Vừa bước vào thềm nhà, một người đàn ông lực lưỡng, đầu trọc, người đầy vằn vện bước ra cúi chào. Người này nói giọng trọ trẹ: “Các anh thứ lỗi, cho em kiểm tra theo lệnh”. Theo lời người này, chúng tôi bỏ tất cả ví, điện thoại, bút… vào trong một tủ sắt. Người đàn ông này cầm máy dò quanh người chúng tôi. Phía trên trần nhà có hai camera đang nhấp nháy quay.
Bước vào phòng khách, đập vào mắt chúng tôi là một bình 20 lít, bên trong một con hổ. T. nói nhỏ: “Con này 12kg đây, ngâm làm cảnh thôi”. Không đợi khách uống hết tách trà, gia chủ bước vào hồn hậu nở nụ cười. Gia chủ là B.- một người đàn ông tuổi trung niên, dáng thấp đậm, đầu hơi hói. T. đi thẳng vào vấn đề khi giới thiệu tôi là cán bộ một ngân hàng, cần mua một con hổ khoảng 15kg ngâm rượu để trưởng phòng biếu sếp tổng.
Ông B. cười khà nói: “Thịt hổ, rượu hổ không thiếu. Chú đường sá xa xôi tới đây, anh mời chú uống mấy ly”. Bàn ăn được bày sẵn. Theo giới thiệu của gia chủ các món ăn đều là kỳ đà, chồn hương, thỏ rừng… Người đàn ông lực lưỡng lúc nãy chợt xuất hiện với một bình rượu ngâm một con hổ khoảng 12kg, màu rượu sóng sánh xanh.
Theo T… những người mua hổ chủ yếu chia thành hai đối tượng: doanh nhân uống để giữ sức khỏe và cán bộ Nhà nước mua để biếu sếp. Còn đám giang hồ mua về để giải quyết khâu oai và lấy vía “Ông Ba mươi”. Ông B… tiếp lời: “Khách hàng chủ yếu tại TP. Hồ Chính Minh, có khi gửi ra tận Hà Nội. Tôi lo ngại công an môi trường mới bắt vụ nuôi động vật quý hiếm tại xã Lai Uyên, lỡ bị bắt có sao không”. Ông B… đặt ly rượu xuống, cười khà: “Mấy đứa đó là tép riu, chơi mà lộ quá. Anh mày làm nghề này gần 30 năm rồi mà chưa sứt mẻ lỗ chân lông”.
Quàng vai tôi, ông B. nói với cái giọng ngà ngà say: “Là đồng hương tôi nói thật với chú. Hổ bây giờ toàn đưa từ Lào về nhưng đều là hổ nuôi. Hiếm khi có hổ rừng”. Ướm hỏi nguồn hàng ở đâu, ông B. tỏ vẻ không hài lòng nói: “Chú biết làm chi, đây là bí mật quân sự”. Chúng tôi xin chụp hình bình rượu hổ để làm tin cho sếp.
Nét do dự hiện ra mặt nhưng ông B. gật đầu với điều kiện phải có mặt của người mua. Ông B. dẫn vào một phòng kín. Chỉ tay vào hai bình 20 lít, ông B. khoe: “Đây là hai con hổ 9 kg, đang ngâm cồn thực phẩm, mai mang ra ngâm rượu. Khách đặt là doanh nghiệp tại Sài Gòn để tặng. Theo ông B. hổ mang về phải lấy sạch bộ lòng, ngâm cồn thực phẩm ba ngày. Sau đó mang ra để quạt cho khô mới ngâm rượu nước đầu, rượu ngâm sau một năm mới uống được.
Ngã giá 100 triệu đồng/một con 10kg, ông B. hứa sau một tuần sẽ giao tận nhà. Khi ra về, ông B. bấu chặt bàn tay cứng như thép vào vai tôi nói khẽ: “Mua hay không tùy chú, nếu để lộ nơi này thì chú và T. lên bàn thờ sớm”. Nói xong ông B. cười khà khà như đùa giỡn.
[/justify]
[size=5] [/size]
Hổ về phố
[justify]Những tưởng hổ chỉ ở “rừng” như nơi chúng tôi vừa mục kích sở thị. Nhưng T. quả quyết ở Sài Gòn cũng có hổ. Hành trình đến với hổ ở Sài Gòn cũng ly kỳ như ở trong rừng. Hơn một giờ ngoằn ngoèo qua những con đường sình lầy và mênh mông đồng lúa, chúng tôi đến một ngôi nhà đồ sộ - nằm giáp ranh giữa TP. Hồ Chí Minh và Long An.
Choáng ngợp với hai cột đá to cao đến nóc nhà ba tầng. Theo lời của T. chủ nhà mua hai cột đá này với giá ba tỉ đồng. Như để gây ấn tượng với khách, một bình rượu ngâm nguyên con hổ bự chảng đặt chễm chệ giữa phòng khách. Ở giữa tủ gỗ là một bình gốm với hàng chục lông công sặc sỡ và hai bên là hai ngà voi cong vút. Phía trên tủ có một con báo đen nhồi bông đang giơ nanh. Xung quanh nhà treo đầy đầu hươu, bò, lợn rừng…
Chủ nhà tên Sáu - ngực phanh cúc áo khoe cái nanh hổ dài 6cm- niềm nở đón khách theo kiểu Tây Nam Bộ. Một chai rượu đế Long An, vài con khô mực là thành tiệc nhậu. Khi chén chú, chén anh thâm tình, ông Sáu đứng dậy mời khách tham quan hầm rượu.
Xuống hầm rượu theo lối cầu thang nhờ nhờ sáng, đứng trước một cánh cửa, ông Sáu nói nhỏ: “Rượu ơi! Ta đã về đây”. Cánh cửa chuyển động sang ngang, hiện lên các vách đá, trên đó có những hốc để đặt từng bình rượu 5-20 lít. Như Đường Tăng lạc vào mê cung của yêu tinh, chúng tôi choáng ngợp bởi gần 100 bình rượu. Ông Sáu giới thiệu từng loại hà nàm gấu, cọp, tay gấu, bào ngư, sâm ngọc linh…
[/justify]
Hình minh họa.
[justify]Theo ông Sáu mỗi bình rượu có giá ít nhất 30 triệu đồng. Chỉ tay vào bình rượu 30 lít, ông Sáu giới thiệu đây là con hổ rừng mua từ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, do thợ săn bắn được. Khi ngâm rượu, lấy ra từ bên nách hổ 4 viên đạn chì. Là hổ rừng nên ông Sáu không bán mà chỉ dành cho riêng mình, ông Sáu cho biết giá con hổ này gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với hà nàm hổ, báo giá bán khá cao vì hàng hiếm, dao động từ 100-200 triệu đồng/ hà nàm. Ông Sáu dẫn chúng tôi ra nhà bếp, mở tủ đông ra, hai con cọp con nằm co quắp trông thảm thương. “Ở đây không làm, chỗ ngâm rượu ở nơi khác, hai con này chỉ để khách chiêm ngưỡng thôi”, ông Sáu nói. Theo ông Sáu nếu không có kỹ thuật ngâm rượu thì hổ sẽ bốc mùi hôi và phải đổ bỏ.
Chúng tôi nói thẳng đang cần một bình rượu hổ biếu sếp. Ông Sáu hét giá 120 triệu, đặt cọc trước 20 triệu đồng, phần còn lại sẽ nhận khi giao hàng. Mọi giao dịch đều theo kiểu “tiền tươi, thóc thật”. Ông Sáu nói chắc nịch, hàng của ông là hàng thiệt, nếu không có tác dụng, ông sẽ bồi thường gấp đôi. “Chú uống vào là nóng hừng hực cả người, nhu cầu tình dục tăng cao, cơ thể cường tráng, khỏe mạnh ”, ông Sáu giới thiệu công dụng. T. vừa cười vừa đế thêm: “Uống vào người liệt dương thành cường dương luôn”.
Trước khi đến nhà ông Sáu, T. dặn dò ông Sáu chủ yếu lấy hàng từ Campuchia qua ngả hai huyện Mộc Hóa, Tân Hưng (Long An). “Hàng của ông Sáu cũng “thượng vàng, hạ cám”. Nếu mua thì phải chứng kiến hổ thật, sơ chế để ngâm cồn”, T. nói. Theo T. thời gian gần đây Trung Quốc đưa hàng qua ngả Campuchia vào Việt Nam nhưng là hổ giả, nhiều người chủ quan chỉ nhìn qua bình rượu là hố hàng. T. cho biết đa số mua hổ để ngâm rượu chứ ít khi ăn thịt hổ, trừ trường hợp nấu cao mới ăn thịt hổ. Hổ ngâm rượu chủ yếu là hổ con từ 10-15kg. Theo ông Sáu, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 10 con hổ, chủ yếu ở các thành phố lớn miền Tây.
Ra về, tôi ngoái lại nhìn bình rượu hổ trên sập gỗ. Đôi mắt hổ trân trối nhìn như muốn cất tiếng kêu tha thiết. Trong đôi mắt ngầu đục đó, tôi cảm nhận được sự khao khát nhớ rừng, nhớ bố mẹ và đồng loại…
[/justify]