Chuyện lạ 2012-02-18 04:07:12

Thói quen ngủ ngồi của người Đan Lai


Trải qua hàng trăm năm, người Đan Lai (huyện Con Cuông, Nghệ An) vẫn đang tồn tại một thói quen “có một không hai” là… ngủ ngồi.

Để vào được “xứ sở” của người Đan Lai đang sinh sống giữa vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát thuộc xã Môn Sơn, chỉ có một con đường độc đạo là vượt sông Giăng. Từ chân đập Phà Lài, phải đi mất hàng giờ đồng hồ gieo mình trên những đoạn dốc đá, thác ghềnh hiểm trở mới có thể vào được trong bản Cò Phạt. Vốn là con đường duy nhất để người dân Đan Lai có thể giao lưu, buôn bán mỗi lần xuống xuôi. Chính vì vậy, dòng sông Giăng đã có nhiều người phải “hiến” thân cho hà bá.

100 cây nứa vàng và cuộc chạy đuổi ngoạn mục

Từ xưa đến nay, người Đan Lai vẫn sống như một bộ lạc. Mọi sinh hoạt của người dân tồn tại theo kiểu trao đổi hàng hóa, không giao tiếp với xã hội bên ngoài. Chính vì điều này, cuộc sống của người dân quanh năm nghèo khó và thiếu thốn. Trẻ con trong bản lớn lên không được đến trường. Đứa mới nứt mắt ra đã theo bố vào rừng săn bắt, hái lượm. Cái ăn trong ngày được người dân ví như những câu dân ca Đan Lai đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người: “Theo dấu chân nai/ Bỏ vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp/ Cắm vào hạt ngô/ Lang thang đầu suối/ Đìu hiu lưng đèo/ Như dòng suối nhỏ/ Như gió rừng chiều …”.




Già Quyết đang kể về truyền thuyết người Đan Lai


Già làng La Văn Quyết nâng chén rượu uống cái ực, rồi hướng mắt về phía xa xăm nơi hạ nguồn sông Giăng, chậm rãi kể về truyền thuyết ra đời của tộc người Đan Lai. Xưa kia, người Đan Lai sống ở miền Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương của Nghệ An. Ngày ấy, nơi đây từng có một bạo chúa vô cùng độc ác chuyên đi hành hạ mọi người. Một hôm, bạo chúa này mới bắt dòng họ La (tộc người Đan Lai bây giờ) phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng và một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị giết chết cả dòng họ. Thừa biết bạo chúa có ý đồ muốn hãm hại dòng họ mình, không còn cách nào khác cả dòng họ La đành phải trốn mới hi vọng thoát thân.

Trong một đêm vắng, dòng họ La đã rời làng trốn đi thật xa vào trong rừng sâu. Họ không biết phải đi đâu và cứ đi đi mãi cho đến khi nào trời tối mịt đến khi mệt không thể đi được nữa thì tựa vào gốc cây, hang đá nghỉ lưng. Cuối cùng, điểm dừng chân của họ là vườn quốc gia Pù Mát bên dòng sông Giăng hung dữ. Ngày đó nơi đây chỉ toàn thú dữ, chim chóc, không có con người sinh sống. Dòng họ La quyết định “đóng đô” tại đây, với hi vọng không ai biết họ và không để bạo chúa tìm thấy giết hại. Mãi một thời gian dài khi có người tình cờ vào trong rừng thì phát hiện ra có tộc người sinh sống. Khi bị phát hiện, dòng họ La lại tiếp tục lẩn trốn sâu hơn vào vùng lõi vườn quốc gia cho đến bây giờ và từ đó lấy tên người Đan Lai.

Già Quyết cho biết: “Sở dĩ có tên người Đan Lai là vì từ Đan là lấy lại của từ Đan Nhiệm, tên làng của tổ tiên ngày xưa. Từ Lai nghĩa là lai tạp, vì bao thế hệ người Đan Lai sinh sống với các dân tộc khác nên phải che dấu thân phận”.

Hiện, số người Đan Lai có khoảng 3.000 người sống tập trung chủ yếu ở 3 bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng thuộc của xã Môn Sơn huyện Con Cuông. Những năm qua người Đan Lai được nhà nước quan tâm giúp đỡ, tuy nhiên nhận thức của người Đan Lai vẫn chưa thay đổi nhiều. Họ quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên người Đan Lai sống phóng khoáng như núi rừng, cỏ cây. Họ chỉ biết săn bắt, hái lượm, làm bữa nào ăn bữa nấy.




Người Đan Lai sống chủ yếu vào săn bắt, và đào củ mài, củ sắn


Chỉ ngủ ngồi

Người Đan Lai từ lâu đã quen với việc ngủ ngồi, do từ xưa đến nay họ sống độc lập, tách biệt với thế giới bên ngoài và việc phải phụ thuộc vào thiên nhiên để tồn tại. Già Quyết cho biết, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc trốn chạy của bạo chúa trước đây. Khi đó, người Đan Lai vào trong rừng trú ngụ, nơi toàn cọp beo rình rập. Để tồn tại được đến ngày hôm nay, người Đan Lai phải nhờ vào việc ngủ ngồi.

Từ khi mới vào rừng để ở, người Đan Lai không có nhà, chỉ lấy cành cây dựng lên thành cái lều. Mỗi buổi tối đi ngủ, họ chỉ dám ngồi quây quần bên đống lửa để canh chừng thú dữ tấn công. Thời gian lâu thành thói quen, ngồi cả đêm như vậy ai cũng mệt nhoài, chỉ dám tranh thủ chợp mắt để khi có thú đến còn có đà chạy vào rừng sâu lẩn trốn. Cho đến bây giờ, ngủ ngồi đã thành một thói quen của người Đan Lai. Trẻ con lớn lên chỉ cần biết ngồi vững là cũng ngủ ngồi.

Cũng chính vì tục ngủ ngồi mà nhà của người Đai Lai cũng đặc biệt so với nhà của người dân tộc khác. Nhà không phải cao to rộng rãi, nhà sàn như túp lều dựng tạm, xơ xác. Đặc điểm dựng nhà của tộc người Đan Lai phải nằm ở lưng chừng đồi, điều tối kỵ không được dựng nhà ở thung lũng. Trong nhà không có giường chiếu, chăn màn. Khi nào ngủ là cả nhà quây quần ngủ ngồi bên đống lửa suốt đêm.

Ngủ ngồi cũng có nhiều kiểu, ngồi đưa hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán, hoặc hai tay nắm lại, khuỷu tay tì xuống đùi đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi…. Thông thường, người Đan Lai vẫn chọn cách ngủ bằng gậy đỡ dưới vùng cổ, chỉ có cách này mới không làm cho người bị mỏi. Trong trường hợp ngủ chợp mắt, thì không cần phải dùng gậy. Thay vào đó, chỉ cần hai tay nắm lại kê vào trán là ngủ ngon lành.

Người Đan Lai còn có thể ngủ trên cây mỗi khi đi săn bắt, hái lượm. Theo già Quyết, cứ mỗi lần người dân trong bản đi săn ít nhất cũng vài ngày. Mỗi lần như vậy người đi săn thường phải trèo lên cây cao để ngủ tránh thú dữ. Chỉ cần vài ba đoạn cây buộc vào làm điểm tựa là họ ngủ ngồi suốt cả đêm. “Tục ngủ ngồi đã được truyền qua bao đời nay nên người dân trong bản không quen nằm giường. Cả bản Cò Phạt có hơn 70 nóc nhà, nhưng chẳng nhà nào mua sắm giường chiếu. Mới đây, cũng có nhà trong bản sắm giường, nhưng nằm thấy khó chịu, đau lưng lại quay sang ngủ ngồi”, già Quyết nói.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)