Trang tin Metro ngày 25.1 dẫn nghiên cứu tại Trường đại học Groningen (Hà Lan) cho biết nhai kẹo cao su trong 10 phút sẽ giúp loại bỏ được 100 triệu vi khuẩn trong miệng.
Theo các nhà khoa học nhai kẹo cao su cung cấp lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, và tất nhiên phải là loại kẹo không đường.
Trong đó, nghiên cứu thấy rằng chỉ trong vòng 10 phút nhai kẹo cao su, nó đã giúp lấy đi tới 100 triệu vi khuẩn (tương đương 10%) lượng vi sinh vật trong nước bọt của người nhai ra khỏi đường miệng.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng đặc biệt lưu ý, việc nhai kẹo cao su quá lâu cũng có thể dẫn tới các phản ứng ngược và giải phóng các vi khuẩn trở lại vào khoang miệng. Họ phát hiện ra rằng, kẹo cao su thực sự có hiệu quả nhất trong việc loại bỏ vi khuẩn chỉ trong vòng 30 giây đầu tiên sau khi bắt đầu nhai và dần mất đi hiệu quả sau đó.
Ngoài ra, một điểm cần chú ý là kẹo cao su không đường vẫn là lựa chọn hữu hiệu hơn cả bởi nó không chứa đường - một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng sâu răng và gia tăng lượng vi khuẩn trong khoang miệng.
Được biết, nghiên cứu trên được thực hiện bằng thí nghiệm trên một số người tình nguyện, trong đó họ được cho nhai các mẩu kẹo cao su trong vòng 10 phút. Trong quá trình nhai, các nhà khoa học đã sử dụng kính hiển vi điện tử quét để theo dõi và thấy rằng có khoảng 100 triệu vi khuẩn đã bị kẹo cao su giữ lại với số lượng tiếp tục không ngừng gia tăng theo thời gian.
Video mô tả về thí nghiệm.
Giải thích về phản ứng ngược khi nhai quá lâu, các nhà khoa học cho biết: "Việc tiếp tục nhai có thể làm thay đổi cấu trúc của kẹo cao su, làm giảm độ cứng của kẹo do sự hấp thu các thành phần trong nước bọt và giải phóng các thành phần hòa tan khác trong nước. Điều này làm ảnh hưởng tới độ bám dính của vi khuẩn với kẹo cao su và làm giải phóng những nhóm vi khuẩn có độ bám dính yếu bị giữ lại lúc đầu".
Dựa trên những nghiên cứu mới nhất này, các nhà khoa học hy vọng có thể tạo ra được một loại kẹo cao su đặc biệt trong tương lai có tác dụng hấp thu những loại vi khuẩn có hại gây ra bệnh răng miệng.
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học thuộc trường ĐH Groningen (Hà Lan) gần đây cũng được đăng tải trên tạp chí PLOS ONE - một kênh thông tin hiệu quả của dự án xuất bản các tài liệu khoa học có khả năng truy cập mở PLOS.
Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1082255#ixzz3QPkcNGTu
doc tin tuc www.xaluan.com