Một bộ phận sinh viên dù không quá khó khăn nhưng vì thích thể hiện, đua đòi nên đã tham gia bán dâm để có tiền tiêu xài.
"Bắt quả tang sinh viên bán dâm trong khách sạn", "Triệt phá đường dây gái gọi là sinh viên", "Phá ổ gái gọi cao cấp là sinh viên"… đó là những tiêu đề trên báo chí xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua. Điều này cho thấy, sinh viên bán dâm đã không còn là cá biệt mà trở thành hiện tượng đáng báo động, bởi để có tiền tiêu xài, mua những hàng hiệu, điện thoại đắt tiền, nhiều sinh viên đã trở thành gái bán dâm.
Gần đây, những trang web khiêu dâm, một số tài khoản mạng xã hội đăng hình ảnh, số điện thoại kèm lời giới thiệu "Sinh viên cần tiền đóng học phí, sẵn sàng đi khách", "Cam kết chuẩn sinh viên"… Những tài khoản này thậm chí cam kết sẽ cho xem chứng minh thư, thẻ sinh viên trước khi thực hiện bán dâm trong khách sạn, nhà nghỉ.
Dù đa số là trá hình, nhiều gái bán dâm "đeo mác" sinh viên để "nâng giá" với khách làng chơi. Tuy nhiên, hàng loạt vụ việc bắt quả tang, triệt phá đường dây gái mại dâm có sinh viên tham gia ở nhiều địa phương cho thấy một bộ phận sinh viên tham gia bán dâm.
Nhiều sinh viên bị cơ quan chức năng xử lý vì hành vi bán dâm. Ảnh minh họa
Tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp thúc đẩy công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm học 2019 - 2020" vừa được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) thông tin, không chỉ những sinh viên khó khăn, hiện nay nhóm học sinh, sinh viên có điều kiện kinh tế thoải mái, thích thể hiện, đua đòi cũng bất chấp hậu quả để tham gia vào tệ nạn, bán dâm.
Cũng theo ông Linh, không ít sinh viên ngụy biện là vì khó khăn, cần tiền gấp nên mới bán dâm, nhưng thực thực ra là do không thể cưỡng được sức hút của đồng tiền nên dần dần sẽ coi đó như là kế sinh nhai. Các em sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời các em và gia đình sau này..
Kết quả báo cáo của Bộ Công an cho thấy, số lượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mại dâm, lượng học sinh, sinh viên tham gia hoạt động này đã ít đi, chiếm khoảng 0,3% trên tổng số vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Linh, không thể vì tỷ lệ nhỏ mà chủ quan, coi thường việc giáo dục, nâng cao nhận thức.
Còn theo các chuyên gia xã hội học, một trong những nguyên nhân khiến sinh viên sa ngã vào hoạt động mại dâm là bởi lứa tuổi của các em hiện nay đã có hoạt động sinh hoạt tình dục sớm. Nhiều khi các em nhìn nhận chuyện chung đụng thân xác một cách bản năng chứ chưa thật sự hiểu một cách đầy đủ những kiến thức về tình dục.
Việc dễ dãi, bừa bãi cho đến khi nhận được tiền do người khác trả, dần dần trở thành gái bán dâm ngày đi học, tối và đêm "đi khách", không những trực tiếp bán dâm còn lôi kéo, dụ dỗ bạn bè tham gia thành một đường dây.
Mới đây, dự thảo của Bộ GD&ĐT có đề cập đến việc sinh viên mại dâm 3 lần trở lên sẽ bị đuổi học gây nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sinh viên tham gia bán dâm dẫu một lần cũng đáng bị đuổi học, chứ không phải đợi đến lần thứ 3.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, để khắc phục tình trạng sinh viên vướng vào tệ nạn xã hội, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ cộng đồng. Trong đó, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền đối với sinh viên nâng cao nhận thức phòng chống tệ nạn xã hội…