Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ đầu tiên ở TP.HCM được chia làm hai đoạn.
Một đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi nay việc xây dựng đường và vỉa hè đã hoàn thành hơn 99% khối lượng công việc. Chủ đầu tư dự án là Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT) cho biết, dự kiến đến ngày 25-3 sẽ lắp xong 18 vỉ gang ở các gốc cây.
Công trình phố đi bộ đầu tiên của TP.HCM đang được tập trung thi công để đến ngày 15-4 sẽ bắt đầu vận hành thử nghiệm. Ảnh: MP
Cuối tháng 3-2015 sẽ nhập vật tư gói thầu lắp đặt hệ thống chiếu sáng và đến ngày 15-4 sẽ lắp đặt xong hệ thống chiếu sáng. Đây cũng là thời điểm hoàn thành toàn bộ phần dự án đoạn từ Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi.
Với đoạn còn lại từ Lê Lợi đến công viên Bạch Đằng thì phần hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật (điện, nước, viễn thông) dưới lòng đường, trong quảng trường đã hoàn thành song khối lượng công việc của công trình còn khá lớn. Cụ thể, ở quảng trường đi bộ việc lắp đá granite chỉ đạt khoảng 15% và công việc này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3-2015.
Nhưng vướng mắc mà dự án đang gặp phải là nguồn cung đá lát mặt đường hiện đang gặp khó khăn. Trong khi khối lượng đá công trình cần rất lớn nhưng bình quân mỗi ngày đơn vị cung cấp đá là Công ty TNHH Ngọc Thạnh Mỹ chỉ cung cấp được khoảng 500m2 đá các loại.
Dù vậy, khu 1 cho hay việc xây dựng đài phun nước nghệ thuật (tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và trước tòa nhà Sunwah) đang thực hiện đúng tiến độ, dự kiến sẽ lát đá xong vào cuối tháng 3 và đến 15-4 sẽ hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị.
Tương tự, ở hạng mục hệ thống chiếu sáng cũng đang bước vào giai đoạn cuối. Dự kiến cuối tháng 3-2015 thì vật tư được tập trung về công trường và từ ngày 5-4 vật tư nhập khẩu sẽ được chuyển đến nên dự kiến đến ngày 15-4 sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống chiếu sáng vỉa hè, mặt đường, quảng trường, chiếu sáng gốc cây. Riêng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cũng được thi công đạt hơn 70% và sẽ hoàn thành vào giữa tháng 4-2015.
Ở dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ, cơ quan chức năng cũng gắn hệ thống trụ để ngăn xe vào khu vực khi thông xe mặt đường. Theo đó, cả hai hệ thống trụ ngăn xe tự động và bán tự động cũng sẽ hoàn thành cùng ngày 15-4.
Một điểm nhấn quan trọng nữa ở dự án này là mảng xanh với gần 170 cây Giáng Hương và Lộc vừng được trồng trên vỉa hè và quảng trường của đoạn từ Lê Lợi đến bến Bạch Đằng. Hiện đơn vị thi công đã trồng xong cây Giáng Hương trên vỉa hè và đang trồng cây Lộc vừng ở khu vực quảng trường đi bộ với kế hoạch sẽ hoàn thành vào ngày 31-3 và đến ngày 15-4 cũng gắn xong toàn bộ các vỉ gang ở gốc để bảo vệ cây.
Trước đó, TP.HCM đã chọn cây Lộc vừng thay thế cho cây Lim sét, trồng trên hai dãy phân cách trước quảng trường của phố đi bộ, đoạn từ Lê Lợi đến công viên Bạch Đằng. Theo Khu 1, các cây được trồng có dáng thẳng, không sâu bệnh và cao từ 4,5-7,5m, đường kính tán từ 2-3,7m và phân cành không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Hoa Lộc vừng xum xuê, buông xuống như bức mành màu đỏ rất đẹp.
Cây Lộc vừng được cho hội đủ các tiêu chí về cây cảnh đô thị hiện đại, có thể trở thành biểu tượng hiện đại giữa trung tâm thành phố.
Một số quan niệm còn xếp Lộc vừng vào danh sách “tứ quý”, gồm Sanh, Sung, Tùng, Lộc. Trong đó, Lộc vừng là biểu tượng của sự may mắn, sung túc, bởi chữ “Lộc” ứng với Tài lộc, còn chữ “Vừng” ngụ ý là nhỏ nhưng nhiều, thêm vào sự xum xuê buông xuống của hoa như bức mành màu đỏ rất đẹp, mang ý nghĩa về sự thịnh vượng. Đặc biệt, Lộc vừng hoa đỏ sống lâu năm, hoa không có mùi hôi, nở rộ vào sáng sớm và chiều tối, có mùa ra hoa rõ rệt. Hoa nở khoe sắc đem lại nét đẹp lãng mạn, yên bình cho phố thị vốn ồn ào náo nhiệt.
Cũng ở dự án phố đi bộ, trên vỉa hè của đường Nguyễn Huệ đoạn từ Lê Lợi đến công viên Bạch Đằng, TP.HCM cũng quyết định thay thế cây Giáng hương trồng trên vỉa hè thay vì dự định trồng cây Dầu.
Còn ở đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi của phố đi bộ có gần 20 cây Dầu được trồng hai bên vỉa hè đường Nguyễn Huệ; đồng thời xung quanh tượng đài Bác Hồ được trồng các cây Sứ.
Cây Sứ, cây Dầu đã được trồng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi. Ảnh: MP
Theo Sở GTVT, công trình đang được thi công với khối lượng tổng thể đảm bảo tiến độ chung theo yêu cầu và tổng thể công trình sẽ được vận hành thử nghiệm từ ngày 15 đến ngày 20-4. Tuy nhiên, Sở GTVT kiến nghị UBND TP có ý kiến, yêu cầu đơn vị cung cấp đá chậm nhất đến ngày 25-3 phải hoàn thành cung cấp đá toàn bộ phần quảng trường nhằm đảm bảo tiến độ của dự án.
Ngoài ra, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung cũng yêu cầu chủ đầu tư bố trí thêm cán bộ kỹ thuật của chủ đầu tư và nhà thầu để kiểm tra việc thi công, quản lý chất lượng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của công trình, đặc biệt là việc lát đá và các hạng mục, công việc mang tính “bộ mặt” của công trình. “Trong mọi trường hợp để xảy chậm trễ theo thời hạn nêu trên, chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GTVT và lãnh đạo UBND TP” - ông Chung nêu rõ.
———————————————————–
Theo một số nguồn tin mà thớt biết, dự án quảng trường Nguyễn Huệ ko chỉ có nhiêu đây mà nó mở rộng ra rất lớn rộng tới mấy ha trở thành quảng trường lớn nhất VN, là nơi tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa, chính trị lớn nhất nước