Nhiều người vẫn sống khỏe tại Sài Gòn với nghề rửa xe, chăm sóc sắc đẹp, nhân viên hàng ăn, quán bar… nhờ các khoản phụ thu, dù lương chỉ ở mức khiêm tốn.
Lương cơ bản chỉ ngót 4 triệu đồng một tháng nhưng anh Trương Văn Thuận, (ngụ quận Bình Tân) vẫn bám trụ với nghề rửa xe, vì phụ thu từ công việc này gần gấp đôi lương.
Thuận tiết lộ, nếu hiểu ý khách và chăm sóc bảo trì xe cho họ thật tốt, tiền boa rửa ôtô và xe gắn máy mỗi ngày xấp xỉ 200.000 đồng, thậm chí cao hơn. Anh nhớ lại mình có một khách quen đi toàn ôtô xịn, cứ mỗi lần ghé, phí rửa xe 75.000 đồng nhưng vị đại gia này luôn đưa 500.000 đồng và boa toàn bộ khoản tiền thừa. Thuận bật mí thêm, anh còn tích góp thêm được tiền giữ xe qua đêm cho khách trong những ca trực tối khoảng 250.000 đồng mỗi tuần. Các khoản phụ thu giúp anh kiếm thêm được 7 triệu đồng mỗi tháng.
"Nhờ tiền boa mà tổng thu nhập hàng tháng của tôi đạt 10-11 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống ở Sài Gòn và tích lũy chút đỉnh gửi về quê. Với người chỉ có bằng trung cấp sửa xe như tôi, mức thu nhập này khá ổn", Thuận chia sẻ.
Trong khi đó, anh Mai Hoàng Sơn là nhân viên phục vụ quán bar tại quận I, TP HCM thổ lộ: "Có lẽ nhiều người sẽ kinh ngạc vì nhân viên bưng bê lương 3 triệu đồng mỗi tháng làm sao sống nổi. Thế nhưng tôi vẫn tồn tại được nhờ tiền boa mỗi ngày khoảng 250.000-300.000 đồng, gấp 2,5 lần lương mỗi tháng".
Các việc Sơn thường làm gồm: xác nhận yêu cầu và mang đồ ăn thức uống ra cho khách, châm nước, rót bia, sắp xếp ghế, lên món, dọn bàn, thu dẹp tàn cuộc khi thức ăn đổ tháo và ly tách bị vỡ. "Chúng tôi sẽ bị la mắng vì phục vụ chậm, thiếu tập trung nhưng nhanh nhẹn, tháo vát và chuyên cần thì sẽ được thưởng", anh nói.
Nhân viên ngành dịch vụ có thể kiếm thêm nhờ các khoản thưởng của khách. Ảnh:Hà Thanh |
Sơn kể, nếu làm tốt, may mắn gặp khách sộp (thường thì phải nhớ mặt khách quen), tiền boa mỗi ngày có thể lên đến hơn 300.000 đồng. Cũng có những ngày tiền thưởng ít hơn nhưng mức trung bình không dưới bạc trăm. Mức phụ thu mùa cao điểm đạt 7,5 triệu đồng một tháng, cộng với lương cứng 3 triệu đồng vị chi thu nhập 10,5 triệu đồng. "Mùa thấp điểm thu nhập cũng không dưới 9 triệu đồng một tháng. Tôi không có bằng cấp, chỉ học hết lớp 10 phải ra đời kiếm sống nên không mong gì hơn", Sơn bộc bạch.
Trường hợp của chị Hà Thị Trang là nhân viên chăm sóc móng tay, da mặt, massage cho một tiệm spa dành cho phái nữ tại quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, mức lương cơ bản của chị chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng mỗi tháng và đã theo nghề được 4 năm. "Tất cả nhân viên làm nghề này chủ yếu sống nhờ tiền thưởng và hoa hồng, chỉ cần chăm chỉ tập trung làm việc thì phụ thu trung bình mỗi ngày 150.000-200.000 đồng. Các khoản phụ thu hàng tháng 5-6 triệu đồng nên tiền lương có thể tiết kiệm", Trang cho hay.
Có nhiều năm làm việc trong ngành ăn uống (F&B) và hiện là Tổng giám đốc chuỗi rửa xe thông minh VietWash, ông Phan Bảo Lâm nhận xét: "TP HCM có sự khác biệt rất lớn với các đô thị khác ở chỗ người lao động phổ thông trong các ngành dịch vụ nếu chịu khó phấn đấu vẫn có thể đạt mức thu nhập chục triệu mỗi tháng".
Theo ông Lâm, Sài Gòn đang trở thành miền đất hứa cho các ngành dịch vụ phát triển. Nguyên nhân là người dân ở đô thị này có mặt bằng thu nhập cao, có nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ chất lượng và sẵn sàng trả thêm phụ phí như phép lịch sự thông thường. Không ít người có thói quen để lại tiền thừa hoặc tiền boa cho nhân viên phục vụ khi họ cảm thấy chất lượng dịch vụ tốt.
Chính vì vậy, những người làm việc trong lĩnh vực này dù trình độ và bằng cấp còn khiêm tốn nhưng chỉ cần có tay nghề, quen việc, siêng năng vẫn sống khỏe. Dù lương vài ba triệu đồng, khá nhiều nhân viên ngành dịch vụ vẫn đạt mức thu nhập 8-10 triệu đồng trở lên, tương đương thậm chí cao hơn thu nhập của cử nhân mới ra trường.
Cách tính thu nhập của ngành dịch vụ, theo ông Lâm không phụ thuộc vào một công thức cứng nhắc nào mà chủ yếu dựa trên mức độ hài lòng của người dùng dịch vụ. Tùy đặc tính của từng nghề: rửa xe, nhân viên quán ăn, quán bar, karaoke, chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe ở các spa, làm tóc - chăm sóc móng tay, môi giới bán mỹ phẩm, cò nhà đất… mức phụ thu sẽ khác nhau.
Thông thường, dịch vụ có giá trị cao thì tỷ lệ hoa hồng hoặc tiền boa là 1-2% tổng giá trị hóa hơn, nhưng nếu dịch vụ giá trị thấp tiền boa lại lên đến 15-30%, thậm chí là 50-100%. Ví dụ: hoa hồng của môi giới nhà đất bằng 1,5% giá trị hợp đồng trong khi tiền boa của nhân viên nhà hàng có thể chiếm trung bình 20-30% hóa đơn là bình thường.
"Sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu F&B, ẩm thực, bán lẻ, công nghiệp giải trí, bất động sản tại TP HCM đã nâng cấp ngành dịch vụ từ chỗ bị đánh giá thấp lên thành nghề được đào tạo, có kỹ năng bài bản, có thu nhập khá trở lên", ông Lâm đánh giá
—————————–
Chắc chuyển nghề quá =)) =))