[/size]Vietnam's Next Top Model 2011 đi hơn nửa chặng đường và tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận như mùa giải đầu tiên. Gần đây nhất là vụ Hoàng Oanh phát biểu trên trang blog cá nhân rằng cô không hài lòng về cách đánh giá của chương trình, và nhận chỉ trích từ vài giám khảo. Thậm chí, ban tổ chức còn cân nhắc kiện nữ người mẫu cùng vài thí sinh khác vì đã vi phạm hợp đồng.
Những hình ảnh hậu trường trong Vietnam's Next Top Model 2011. Ảnh: X.V. |
Nói lên quan điểm của bản thân là một cách để bày tỏ cá tính. Cá tính cũng là yếu tố mà giám khảo và chương trình đặt ra từ những vòng sơ tuyển đầu tiên. Thế thì, khi Hoàng Oanh dám nói, dám nêu ý kiến của bản thân, tại sao giám khảo lại phản ứng như vậy?
Xuyên suốt chương trình, "bộ tứ" giám khảo luôn khẳng định, những tình huống khó khăn được đưa ra nhằm rèn luyện cá tính và ý chí của người mẫu. Tuy nhiên, những lời nói và tình huống đó thường gây tranh cãi.
Khán giả không quên những lời nói sốc của Xuân Lan, kiểu như: "Giả sử chị tát em một phát không cần biết lý do, chỉ vì chị nhìn em thấy ghét". Họ đem ra so sánh với mức độ "cá tính" của thí sinh Hoàng Oanh để kết luận rằng, cô gái 24 tuổi có làm gì cũng chưa bì được với vị nữ giám khảo. Stylist Tuấn Trần đưa ra quan điểm: "Không nhất thiết phải dồn người ta vào thế bí để mà thể hiện cá tính. Cá tính phải tồn tại sẵn bên trong người mẫu. Cái đó gọi là tố chất".
Bộ tứ giám khảo của Vietnam's Next Top Model 2011. Ảnh: X.V. |
Đạo diễn thời trang Nguyễn Ngọc Thụy bày tỏ thẳng thắn quan điểm trên trang mạng cá nhân: "Next's Top Model sao giống chuyện bà tám vậy… Nghề người mẫu đã bị người ta nhìn bằng nửa con mắt rồi, coi cái này xong chắc người ta khỏi nhìn luôn… Nên tập trung phần chuyên môn đi…".
Nickname nangxanh@ cho biết không thích tính kịch thêu dệt trong các câu chuyện hàng ngày ở ngôi nhà chung của các cô gái. "Chương trình lạm dụng việc phô bày hình ảnh ăn ở, sinh hoạt nơi hậu trường quá mức", blogger này nói.
Ngay cả phần thử thách về chuyên môn cũng bị đàm tiếu. "Phần thi cảm nhận âm nhạc sao giống gái nhảy quá" là lời than thở của đạo diễn Ngọc Thụy. Người mẫu Hà Anh và Đức Hải lên Facebook đặt câu hỏi về sự cần thiết của yêu cầu thí sinh đi cầu tre để giữ thăng bằng.
Từ những nhận xét, góp ý của ban giám khảo cùng các tình huống đưa ra trong chương trình, đọng lại cho khán giả là những hình ảnh không hề cá tính.
Lê Thị Thúy hay khóc lóc, khi không tìm được chỗ ở, bị trật chân, rồi mếu máo, lúng túng trong phần chụp ảnh "Underwater". Vẻ yếu đuối, run sợ thường trực của cô khá mâu thuẫn với nghề vận động viên bóng chuyền mà cô theo đuổi. Hay cô gái có chồng Lê Thị Phương tỏ ra chanh chua trong cách ứng xử, bộc lộ gu thẩm mỹ kém.
Chính vì thế, hai phần ba chặng đường đã qua, cuộc tìm kiếm người mẫu Việt dường như đã đi chệch hướng. Điểm mấu chốt là tìm ra gương mặt người mẫu tương lai nổi trội, nhưng những gì thể hiện trong chương trình chỉ làm bật lên ban giám khảo với cá tính rõ rệt của 4 gương mặt nổi tiếng: người mẫu Xuân Lan, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, chuyên gia trang điểm Nam Trung và nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam.
"4 giám khảo quá thể hiện cái tôi mà quên mất nhiệm vụ của mình là giúp các cô gái bộc lộ tính cách. Nhắc đến chương trình, tôi thấy mọi người chỉ bàn tán về giám khảo" là ý kiến của nhà báo Thanh Hương, người tổ chức nhiều chương trình thời trang trong nước như Siêu mẫu VN, Fashion Men Show…
Thí sinh trình diễn chụp ảnh. Ảnh: X.V. |
Năm thứ hai diễn ra, Vietnam's Next Top Model tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới làm nghề thời trang cũng như khán giả yêu mến lĩnh vực này. "Một chương trình tạo được dư luận là tốt. Vấn đề là người ta bàn tán về cái gì. Hãy để những nhân tố chính của một cuộc chơi làm tâm điểm thu hút, chứ đừng vì những tranh cãi, kiện tụng… mà làm hoang mang thêm dư luận", nhà báo Thanh Hương nói.