Theo các nhà khoa học tại Đại học California (Mỹ), Trái đất từng có tới 2 Mặt trăng. Mặt trăng nhỏ hơn chỉ tồn tại một vài triệu năm. Sau đó, nó va chạm với Mặt trăng còn lại và hình thành nên Mặt trăng ngày nay.
Trái đất và Mặt trăng. Ảnh: Alamy.
Kết luận kể trên là của giáo sư Erik Asphaug (Đại học California) sau khi ông tiến hành công trình nghiên cứu đặc biệt về Mặt trăng-vệ tinh của Trái đất.
Giáo sư Asphaug cho biết: "Mặt trăng thứ hai có kích thước bằng 1/3 Mặt trăng ngày nay. Nó chỉ tồn tại trong một vài triệu năm. Hai Mặt trăng bay vòng quanh Trái đất với tốc độ và khoảng cách tương tự nhau và từ từ hút nhau cho đến khi va chạm xảy ra và sau đó hợp nhất."
Ông Asphaug tin rằng những dãy núi trên Mặt trăng ngày nay là dấu tích của vụ va chạm trong quá khứ.
Các nhà khoa học cho biết, Trái đất và Mặt trăng của nó hình thành từ 30 triệu đến 130 triệu năm sau khi hệ Mặt trời xuất hiện khoảng 4,6 tỷ năm trước.
Năm ngoái, các nhà khoa học từ Đại học Harvard (Mỹ) đưa ra giả thuyết, Mặt trăng từng là một phần của Trái đất. Nó bị tách ra sau khi một thiên thể đụng vào Trái đất. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Science.
Tháng trước, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra ba hành tinh, tương tự như Trái Đất, quay quanh một ngôi sao có thể hỗ trợ sự sống. Các nhà nghiên cứu ước tính có thể có tới 100 tỷ hành tinh tương tự như Trái đất trong dải Ngân hà của chúng ta.
Nghiên cứu này của giáo sư Erik Asphaug sẽ được trình bày chi tiết tại Hội nghị về Mặt trăng được Hội khoa học của Hoàng gia Anh tổ chức vào tháng 9 tới.