Bắc Kinh đang nỗ lực đóng cửa những nơi giam giữ trái phép người khiếu kiện của các công ty bảo vệ cấu kết với chính quyền địa phương.
Nhiều người dân Trung Quốc không tin tưởng những văn phòng khiếu nại tại quê nhà nên thường lặn lội đến Bắc Kinh để nộp đơn khiếu kiện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vừa đặt chân đến thủ đô là họ bị bắt cóc rồi giam giữ trong điều kiện tồi tệ một thời gian dài. Truyền thông Trung Quốc gọi đây là những “nhà tù đen” do các công ty bảo vệ được các chính quyền địa phương thuê dựng lên để ngăn cản người khiếu kiện.
Tháng 8.2011, tờ Thời báo Bắc Kinh đưa tin bà Hoắc Tiểu Lệ, 53 tuổi, vừa tố cáo lên Sở Công an Bắc Kinh về việc bà bị giam giữ trái phép trong 10 ngày hồi năm ngoái. Theo đó, ngày 7.9.2010, bà Hoắc từ Thiểm Tây đến Bắc Kinh để tố cáo tiêu cực. Vừa rời khỏi cơ quan chức năng, bà bị bắt cóc và đưa thẳng tới một phòng giam tồi tàn, hôi thối khoảng 40m2 ở quận Triều Dương. Tại đây, bà Hoắc bị giam cùng hơn 40 người đàn ông và dù rất cảnh giác, bà vẫn không thoát khỏi bị cưỡng bức. Sau khi được thả, bà Hoắc nhiều lần tố cáo lên cơ quan hữu trách nhưng không được phản hồi.
Bị theo dõi?
Vấn đề “nhà tù đen” gây chấn động dư luận sau khi nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin về vụ chính quyền tại một tỉnh trả tiền cho nhiều công ty bảo vệ để giam giữ người khiếu kiện. Theo báo China Daily, hồi tháng 9.2010, Sở Công an Bắc Kinh bắt giữ Chủ tịch Trương Quân và quản lý Trương Kiệt của Công ty bảo vệ An Nguyên Đỉnh với cáo buộc bắt giam người và kinh doanh trái phép, đồng thời đóng cửa công ty. Công ty này hoạt động từ năm 2004 và đến năm 2008 bắt đầu được thuê ngăn chặn người dân nộp đơn kiện ở Bắc Kinh. BBC dẫn một số báo cáo cho hay công ty này thu của các chính quyền địa phương 300 nhân dân tệ (990.000 đồng)/người khiếu kiện.
Trong một vụ khác, từ ngày 1-12.7.2011, ít nhất 50 người từ các tỉnh đến Bắc Kinh tìm công lý đã bị bắt vào một “nhà tù đen” ở quận Xương Bình, theo báo Beijing News. Nhiều người sau khi được thả nói họ đã bị theo dõi bởi giới chức ở quê nhà. Ông Tôn Hoài Viễn, một người khiếu kiện từ tỉnh Cam Túc, kể ông đã nộp đơn khiếu nại tại một trung tâm nhận đơn ở quận Phong Đài, Bắc Kinh vào ngày 30.6 và quá trình này rất suôn sẻ. Ông còn gặp một người đồng hương tại đây. Tuy nhiên, vừa ra khỏi phòng khiếu nại, ông Tôn bị nhiều người đàn ông xăm mình ép lên xe rồi chở đến giam trong “nhà tù đen” gần 40 ngày. Những người bị giam khác kể họ cũng đã gặp hoặc liên lạc với người từ quê nhà tại Bắc Kinh trước khi bị bắt. Nhiều người được thả cho hay họ nhận lại điện thoại và giấy tờ tùy thân tại các văn phòng khiếu nại địa phương.
Chiến dịch triệt phá
Ngày 30.11, Sở Công an Bắc Kinh khởi động chiến dịch kéo dài 6 tháng nhằm triệt phá các công ty bảo vệ chui chuyên bắt người vào “nhà tù đen”, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu. Phó giám đốc sở Trương Binh cho hay Bắc Kinh có hơn 130 công ty bảo vệ với 300.000 nhân viên, hơn phân nửa không có giấy phép. “Nhiều công ty hoạt động ngoài luật và thậm chí một số cho phép nhân viên can dự vào công việc của chính quyền địa phương, bắt giam người và lập nhà tù đen”, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Binh nói. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không đề cập liệu nhà chức trách có xử lý chính quyền địa phương câu kết với công ty bảo vệ lập “nhà tù đen” hay không. Đỗ Minh Vinh, một người khiếu kiện từ tỉnh Cát Lâm, tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của chiến dịch. “Mỗi ngày tôi vẫn thấy còn nhiều xe không biển số đậu bên ngoài tòa án tối cao”, báo South China Morning Post dẫn lời người này cho hay.
Trên Thời báo Hoàn Cầu, giáo sư Vu Kiến Vinh tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định những trường hợp bắt người trái phép được phát hiện chỉ là bề nổi. Ông lý giải: “Có một đường dây lợi ích đằng sau việc kiểm soát người khiếu kiện. Công ty bảo vệ muốn kiếm tiền trong khi chính quyền địa phương cần hỗ trợ để giữ bộ mặt ổn định và che giấu sai trái”. Ông Vu cho rằng một chiến dịch ngắn không thể chấm dứt được vấn nạn này mà chính quyền địa phương cũng phải nghiêm túc tiếp nhận và giải quyết bức xúc cho người dân.
Văn Khoa