Ăn chơi 2017-03-10 08:51:53

Từ những hàng quán nhỏ ven đường, nhìn ra khác biệt giữa cách kinh doanh Hà Nội - Sài Gòn


Cùng nằm trên một dải đất chữ S, cùng là anh em ruột thịt một nhà, thế nhưng Sài Gòn - Hà Nội lại mang những tính cách vô cùng khác biệt, và những sự khác biệt ấy - nếu chú ý kỹ, có thể dạy cho bạn những bài học kinh doanh riêng mà không trường lớp nào mang lại được.
Hơn 20 năm sống ở Hà Nội và 1 năm mới đây thôi ở Sài Gòn, tôi đang quan sát Sài Gòn dưới con mắt một khách du lịch lạ lẫm và đầy hiếu kỳ. Từ khi đặt chân tới đây, có cả trăm sự so sánh nho nhỏ trong đầu tôi về hai thành phố này, từ ẩm thực tới thời tiết, từ quy hoạch thành phố, tới cả cách người dân nói cảm ơn và xin lỗi. Những sự khác biệt vừa thú vị, vừa mang đặc trưng của từng thành phố. Cùng nằm trên một dải đất chữ S, cùng là anh em ruột thịt một nhà, thế nhưng Sài Gòn - Hà Nội lại mang những tính cách vô cùng khác biệt, và những sự khác biệt ấy - nếu chú ý kỹ, có thể dạy cho bạn những bài học kinh doanh riêng mà không trường lớp nào mang lại được.

Hà Nội khác Sài Gòn từ nếp ăn nếp ở, văn hóa tới phong cách sống giữa người với người. Hôm nay, trong một buổi trưa dễ chịu ngập nắng vàng, ngồi đợi bát miến gà trên vỉa hè con phố Võ Văn Tần, tôi chợt nhận ra những khác biệt rất thú vị trong cả phong cách kinh doanh của những tiểu thương, những người chỉ buôn thúng bán bưng ở hai miền.



Tôi sẽ kể ở đây 4 câu chuyện lượm lặt mà không nhận xét gì nhiều, đơn giản là những quan sát giản dị về cách người ta kinh doanh. Giống như một nếp văn hóa, lối sống từng vùng được phản chiếu lại.

Câu chuyện thứ nhất:

Bát miến gà tôi đang ngồi đợi đây là do một cụ bà rất già bán. Quán nhỏ chỉ có 5-6 cái bàn, kê cùng chục cái ghế trên vỉa hè. Nhìn cụ, tôi đoán cụ chưa bao giờ học qua trường lớp hay đọc bất kỳ cuốn sách dạy làm giàu nào, có chăng chỉ có kinh nghiệm cuộc đời dạy cụ. Nhưng cách thức bán bún của cụ rất hay: mỗi ngày cụ bán 1 món, thứ 2 bán bánh canh, thứ 3 bán bò kho, thứ 4 bán miến gà… Đều là món nước, món nào tôi cũng thấy sạch sẽ, vừa miệng lại tươm tất. Nên chẳng có nhu cầu đổi sang quán khác vì khẩu vị luôn được đổi mới hàng ngày.

Câu chuyện số 2:

Anh bạn tôi tốt nghiệp trường đại học danh tiếng nhất Việt Nam, làm 5 năm ở một công ty lớn quản lý chuỗi nhà hàng tại Hà Nội. Kinh nghiệm có, anh sau đó mở một nhà hàng nhỏ cho gia đình. Đồ ăn không ngon lắm nhưng anh nghĩ vấn đề nằm ở brand thương hiệu và marketing. Anh tập trung làm lại brand cho cửa hàng và chạy các chiến dịch quảng cáo khác nhau trên facebook. Cửa hàng anh trả lại mặt bằng sau gần 1 năm.



Câu chuyện số 3:

Cạnh nhà tôi trong Sài Gòn có quán cơm tấm, đồ ăn khá nhưng đơn điệu. Buổi sáng bán cơm tấm, buổi tối bán lẩu, chưa khi nào tôi thấy quán đông khách. Một tháng nay, cửa hàng tinh ý đổi sang bán cơm gà xối mỡ, tự dưng khách ở đâu đổ về nườm nượp, làm không đủ bán. Anh chủ quán mỗi lần dọn đồ cho tôi hỉ hả cười nói, chắc vì sướng.

Câu chuyện số 4:

Sống lâu năm ở Hà Nội, tôi thấy đa phần mọi cửa hàng chỉ tập trung bán duy nhất 1 món, món sở trường, chứ không thay đổi. Năm năm nay tôi chỉ ăn ếch ở đúng một hàng, vì ngon, menu y hệt sau ngần ấy năm. Mỗi tháng ăn một lần. Khi mới mở, cửa hàng siêu đông nhưng ngày càng vắng, vì không lẽ ăn hoài một món? Vắng khách thế này, chẳng biết lần tới về Hà Nội, cửa hàng có còn mở để tôi lại được ăn ếch ở đây không?



Vậy đấy, kinh doanh kiểu Hà Nội dường như thích chỉ làm một thứ, cho sâu sắc tới mức như thành bảng hiệu gia truyền. Gia truyền xong rồi thì chẳng cần đổi mới gì nữa hết. Quán Giảng - một quán nổi tiếng ở Hà Nội chỉ bán cafe trứng, một trăm lần tới "Đinh" cũng chỉ có cafe hoặc bột sắn quấy - thứ thức uống cực-kỳ-cổ từ thời ông bà bố mẹ tôi còn sót lại trên menu chắc từ những năm 1990. Còn nếu muốn uống sinh tố? Xin mời tìm quán khác. Âu, đó cũng là một triết lý kinh doanh!

Còn người Sài Gòn, chẳng cần bước vào các tiệm fine-dining chuyên nghiệp, chỉ ngồi đếm trên vỉa hè một con phố cũng thấy sự đa dạng và liên tục biến chuyển. Chỗ này, trên xe bán bắp xào, chị gái thử xào bằng hành khô thay vì hành tươi, lần khác chị bỏ thử thêm chút mắm ruốc, nếu khách mua nhiều thì chị bán tiếp, không thì chị lại đổi. Góc kia, chú bán xôi hôm nay thử gấp giấy gói thành các cuộn phễu xinh xinh, trông lạ mắt để hấp dẫn khách hơn.

Thế nên, nếu tận dụng sự linh hoạt là đặc trưng của mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, các tiểu thương có thể tha hồ biến chuyển và làm phong phú thực đơn hay cung cách dịch vụ của mình. Chắc hẳn tỉ lệ khách hàng quay lại sẽ cao hơn, cũng như khách hàng với đa dạng các yêu cầu đều có thể tiếp cận và phục vụ được. Giá như quán ếch yêu thích của tôi ở Hà Nội có một menu đa dạng hơn thì tôi đã không ghé quán mỗi tháng chỉ một lần; và nếu anh bạn trong câu chuyện số 2 nhanh nhẹn hơn trong việc thay đổi giống như quán cơm tấm, có lẽ tiệm của anh đã không đóng cửa sớm thế.



Chỉ cần tinh ý chút xíu, từng tiệm ăn nhỏ ở Hà Nội và Sài Gòn sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện về truyền thống văn hóa rất thú vị, là biểu trưng đại diện cho rất nhiều điều.
Theo Đại Du
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)