Hình minh họa một vùng trên vệ tinh Titan. Ảnh: NASA. |
NASA phóng tàu vũ trụ Cassini lên quỹ đạo sao Thổ để tìm kiếm những hợp chất hydrocarbon trên vệ tinh Titan vào năm 2004. Bề mặt của Titan khá mờ mịt nhưng các tia hồng ngoại vẫn có thể lọt qua. Vì thế Cassini được trang bị máy chụp ảnh hồng ngoại.
Dữ liệu mà tàu vũ trụ Cassini của NASA thu thập cho thấy bề mặt của Titan – một trong những vệ tinh lớn nhất của sao Thổ - có những hóa chất phức tạp.
Telegraph cho biết, hai nghiên cứu mới đây của NASA chỉ ra rằng khí hydro trong bầu khí quyển của Titan biến mất khi chúng bay sát bề mặt. Thậm chí ở ngay trên bề mặt của Titan cũng không có khí hydro. Điều đó cho thấy rất có thể một (hoặc nhiều) dạng sống đã hấp thụ khí hydro.
Một giả thuyết được đặt ra: Rất có thể khí hydro biến mất do tương tác với ánh sáng mặt trời. Nếu ánh sáng mặt trời tương tác với khí hydro, quá trình phản ứng sẽ tạo ra khí acetylene (C2H2).
Nhưng tàu Cassini không phát hiện khí acetylene trong bầu khí quyển của Titan. Như vậy ánh sáng mặt trời không làm khí hydro biến mất.
Chris McKay, một nhà sinh học thiên văn của NASA, nói: “Chúng tôi cho rằng sinh vật sống tiêu thụ hydro vì đó là chất khí dành cho sự sống trên Titan, giống như oxy trên trái đất”.
Theo McKay, nếu một dạng sống nào đó thực sự tồn tại trên Titan thì đây là phát hiện thú vị, bởi nó cho thấy sự sống có thể tồn tại trong môi trường không có nước như ở địa cầu.
Giáo sư John Zarnecki, một giảng viên của Đại học Mở tại Mỹ, nói thêm: “Chúng tôi tin rằng hydro là chất tạo nên sự sống. Nó chỉ cần nhiệt độ để thực hiện quá trình này. Trong 4 tỷ năm nữa, khi mặt trời phồng lên thành một quả cầu đỏ khổng lồ, Titan sẽ trở thành thiên đường của sự sống”.