Kể từ sau Duy tân Minh Trị, Nhật Bản vươn lên từ một nhà nước phong kiến lạc hậu thành một cường quốc hùng mạnh. Tốc độ công nghiệp hóa mạnh, cùng với việc đất nước nghèo tài nguyên đã thúc đẩy Nhật Bản vươn ra đại dương, đánh chiếm thuộc địa để tranh giành ảnh hưởng với phương Tây. Mục tiêu được nhắm đến chính là Triều Tiên, vốn nằm trong sự bảo hộ của nhà Thanh – lúc này đã bước vào giai đoạn suy yếu.
Chiếm được Triều Tiên, quân Nhật sẽ có bàn đạp tiến vào vùng Mãn Châu, tiến tới nuốt gọn cả Trung Quốc, xưng hùng xưng bá ở châu Á – Thái Bình Dương, sánh vai các cường quốc thế giới.
Tuy nhiên, muốn đánh chiếm Triều Tiên, Hải quân Nhật phải đánh bại được Hải quân nhà Thanh, mà chủ yếu là Hạm đội Bắc Dương – lực lượng hùng mạnh nhất trên biển của nhà Thanh.
Hạm đội hùng mạnh nhất châu Á
Hạm đội Bắc Dương là một trong 4 hạm đội của Hải quân nhà Thanh (ngoài Hạm đội Bắc Dương còn có Hạm đội Nam Dương, Hạm đội Phúc Kiến và Hạm đội Quảng Đông), hạm đội này được đánh giá là có lực lượng mạnh nhất châu Á và là mạnh thứ 8 thế giới. Nó được sự hậu thuẫn rất lớn của quan đại thần Lí Hồng Chương.
Kỳ hạm Định viễn khi còn được đóng tại Đức. |
Hạm đội được trang bị nhiều tàu chiến lớn, hiện đại, được đóng bởi 2 cường quốc quân sự là Anh và Đức. Tổng cộng, hạm đội có 78 tàu với tổng lượng giãn nước lên tới 83.900 tấn, vượt trội hơn nhiều so với Hạm đội Nhật Bản (khoảng 60.000 tấn). Trong số đó có 2 chiến hạm Định Viễn và Trấn Viễn là những tàu mạnh nhất thuộc hạm đội.
Tàu Định Viễn đóng vai trò kỳ hạm của Hạm đội Bắc Dương do Đức đóng năm 1881, bàn giao tháng 11/1885. Con tàu có lượng giãn nước toàn tải 7.355 tấn, dài 94,5m. Con tàu có khả năng vượt 8.300km với tốc độ trung bình 19km/h.
Về sức mạnh hỏa lực, Định Viễn trang bị 4 pháo 305mm có tầm bắn xa 7,8km, 2 pháo 150mm, 2 pháo 57mm, 2 pháo 47mm, 8 pháo 37mm và 4 ống phóng ngư lôi 356mm. Việc vận hành tàu gồm 363 thủy thủ.
Tàu bọc thép Trấn Viễn. |
Chiếc mạnh số 2 trong Hạm đội Bắc Dương là tàu bọc thép Trấn Viễn cũng do Đức đóng năm 1882, bàn giao tháng 3/1885. Con tàu có lượng giãn nước toàn tải tới 7.670 tấn, dài 98,89m, rộng 17,98m. Tàu được trang bị 4 pháo 305mm, 2 pháo 150mm, 6 pháo 37mm và 3 ống phóng ngư lôi.
Trong khi đó, phía Hải quân Nhật Bản chỉ có chiếc tàu tuần dương bảo vệ Matsushima là loại lớn nhất được đóng tại Pháp năm 1886. Con tàu có lượng giãn nước khoảng 4.217 tấn, dài 91,81m, rộng 15,6m. Matsushima trang bị một pháo 320mm, 12 pháo 120mm, 16 pháo 57mm và 4 ống phóng lôi 356mm.
Tàu tuần dương bảo vệ Matsushima |
Nhìn chung, Hạm đội Bắc Dương vượt trội hơn so với lưc lượng Nhật Bản về mọi mặt, trang bị hiện đại hơn, nhiều tàu hơn, hỏa lực mạnh hơn rất rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải lực lượng mạnh hơn là sẽ dành chiến thắng. Trước khi bắt đầu bước vào trận chiến Hoàng Hải, lực lượng Hạm đội Bắc Dương đã bị mục ruỗng, thối nát từ bên trong.
Mục ruỗng, thối nát từ bên trong
Tuy Hạm đội Bắc Dương có lực lượng khá mạnh, nhưng binh sĩ nhà Thanh có mức độ sẵn sàng chiến đấu rất kém. Do thiếu luyện tập thường xuyên nên thao tác pháo thủ là rất yếu kém. Nạn thuốc phiện lan tràn cũng làm suy kiệt thể chất và tinh thần của không ít binh lính và sĩ quan.
Cùng với đó là nạn tham nhũng hoành hành, từ cấp thấp lên đến cấp cao. Từ Hi Thái Hậu “bóp chết” Hạm đội Bắc Dương bằng cách rút ngân quĩ hải quân sang xây dựng Di Hòa Viên, khiến cho hạm đội hùng hậu này mất hoàn toàn khả năng sửa chữa các chiến hạm, duy trì hoạt động huấn luyện chiến đấu.
Thủy thủ trên một tàu chiến của Hạm đội Bắc Dương. |
Các quan lại tham nhũng tràn lan, đạn pháo bị nhồi xi măng hay mạt cưa thay cho thuốc súng. Về phần số đạn pháo thực sự thì được sản xuất từ nhiều năm trước, đã rất cũ kĩ do bảo dưỡng kém.
Trên các chiến hạm, đa số cấp chỉ huy sa đà vào ăn chơi thác loạn, đã ghi nhận một trường hợp sĩ quan lấy cặp pháo 254mm đem cầm đồ. Từ sĩ quan đến binh lính đua nhau tham ô biển thủ, cấp bậc càng cao thì tham nhũng càng nhiều.
Ngay cả những thứ nhỏ nhặt nhất như các tay đấm cửa bằng đồng, lan can cầu thang cho đến những lá chắn bảo vệ ụ pháo bằng thép dày đều bị ăn cắp để đem bán. Đây là điều tất yếu, bởi do ngân sách của hạm đội bị cắt giảm, hoạt động đình trệ, thủy thủ đoàn không có tiền lương nuôi bản thân và gia đình, lại “nhàn cư vi bất thiện” mà quên đi bổn phận người lính với Tổ quốc mà sa đà vào ăn chơi.
Có thể nói, Hạm đội Bắc Dương là lực lượng có trang bị mạnh, nhưng đang lung lay từ tận gốc rễ, tệ nạn tham nhũng đã gặm nhấm đến những phần tử nhỏ nhất của con tàu.
Chia rẽ nội bộ sâu sắc
Không chỉ mục ruỗng, thối nát từ bên trong, quan hệ giữa Hạm đội Bắc Dương và Nam Dương còn có những chia rẽ rất sâu sắc. Điều đó làm cho việc khi xảy ra chiến tranh, các hạm đội không ứng cứu lẫn nhau dẫn đến thất bại nặng nề.
Điển hình, trong trường hợp khi Hạm đội Nam Dương phải đối đầu với quân Pháp trong chiến tranh Trung – Pháp, thì Hạm đội Bắc Dương vẫn nằm im trong cảng.
Tháng 2/1885, Hạm đội Bắc Dương miễn cưỡng phái 2 tuần dương hạm Dương Uy và Siêu Dũng đi hỗ trợ Hạm đội Nam Dương, để thành lập một lực lượng xung kích nhằm phá bỏ sự phong tỏa của người Pháp ở Đài Loan.
Hai chiếc tàu này căng buồm đến Thượng Hải – căn cứ chính của Hạm đội Nam Dương, nhưng gần như ngay lập tức chúng bị Quan đại thần Lý Hồng Chương gọi về. Kết quả là Hạm đội Nam Dương đã mất 2 tàu chiến tại trận phá vây này.
Hành động gọi tàu về của Lý Hồng Chương đã không bị quên lãng và cũng không bao giờ được tha thứ. Và trong trận hải chiến Hoàng Hải, Hạm đội Nam Dương đã có rất ít các cố gắng để cứu viện cho Hạm đội Bắc Dương.
Hình minh họa trận chiến Hoàng Hải, tàu chiến Nhật Bản đánh chìm tàu chiến Hạm đội Bắc Dương. |
Một trường hợp khác, liên quan đến 6 pháo hạm do Anh đóng, có trong biên chế Hạm đội Bắc Dương, lần lượt mang tên: Trấn Bắc, Trấn Nam, Trấn Đông, Trấn Tây, Trấn Trung và Trấn Biên được bàn giao năm 1879.
Bốn chiếc đầu tiên trong số 6 pháo hạm này đáng lẽ phải bàn giao cho Hạm đội Nam Dương, nhưng đã bị Lý Hồng Chương giữ lại để trang bị cho Hạm đội Bắc Dương. Thay vào đó, Hạm đội Nam Dương chỉ nhận được 4 pháo hạm cũ kĩ, đã phục vụ trong Hạm đội Bắc Dương từ năm 1876. Điều này đã gây chia rẽ trong nội bộ Hải quân nhà Thanh.
Rõ ràng, Hạm đội Bắc Dương chỉ là “con hổ giấy”. Tuy bề ngoài được xem là hùng mạnh nhất châu Á nhưng bên trong thì các tàu chiến chủ lực đều bị “mục ruỗng”, nội bộ thì chia rẽ trầm trọng.
Khác với Hạm đội Bắc Dương đang suy tàn, Hạm đội Nhật Bản liên tục được nâng cấp, bổ sung thêm các tàu chiến mới. Ngoài ra, thủy thủ Nhật bản cũng được đào tạo một cách có bài bản, sẵn sàng chiến đấu cao. Rõ ràng, tuy chưa đánh nhưng “hổ giấy” Hạm đội Bắc Dương gần như đã thua.
Chỉ huy kém cỏi, trang bị “đông nhưng không mạnh”, Hạm đội Bắc Dương thất bại đau đớn trước Hạm đội Nhật Bản trong trận chiến Hoàng Hải.
Ngày 17/9/1894, trận hải chiến giữa 2 hạm đội hùng hậu của nhà Thanh và Nhật Bản diễn ra trên biển Hoàng Hải (thực tế là ở gần cửa sông Áp Lục, vì thế trận này còn được gọi là trận sông Áp Lục). Hầu hết các tàu chiến chủ lực của cả hai hạm đội đều được tung vào trận.
Trước khi trận chiến xảy ra, Hạm đội Bắc Dương đã có những nỗ lực cuối cùng để sửa chữa lại các chiến hạm, đảm bảo khả năng chiến đấu cao nhất. Đô đốc Đinh Nhữ Xương được sự cố vấn của một số sĩ quan hải quân nước ngoài giàu kinh nghiệm, đang là giảng viên tại Học viên Hải quân Uy Hải Vệ. Trong khi đó, người Nhật rất tự tin vào khả năng của mình, nên không sử dụng cố vấn nước ngoài.
Lực lượng tham chiến
Phía Trung Quốc, Đô đốc Đinh Nhữ Xương chia hạm đội theo thế trận “nhạn bay hai cánh đơn hành” với 2 hải đội. Trong đó hải đội thứ nhất tập trung chủ yếu những tàu xương sống của Hạm đội Bắc Dương gồm 2 thiết giáp hạm Đinh Viễn và Trấn Viễn nằm ở trung tâm đội hình chiến đấu.
Bên cạnh là sự hiện diện của các tuần dương hạm Dương Uy, Siêu Dũng (có lượng giãn nước 1.355 tấn, có 2 pháo 254mm); Bình Viễn, Tĩnh Viễn (lượng giãn nước 2.355 tấn, có 3 pháo 208mm, 2 pháo 155mm); Lai Viễn, Chí Viễn, … (lượng giãn nước 2.440 tấn, có 2 pháo 203mm và một pháo 152mm). Đây là một lực lượng rất mạnh, tổng cộng có 14 tàu chiến, trong đó có hai tàu phóng lôi cỡ nhỏ.
Tranh vẽ trận Hoàng Hải 1894. |
Về phía Nhật Bản, hạm đội này áp dụng đội hình dòng phía sau với kỳ hạm là tàu tuần dương Matsushima (Đô đốc Sukeyuki Ito chỉ huy Hạm đội Nhật Bản ở trên tàu này). Tàu Matsushima được 2 chiến hạm cỡ nhỏ Sei-kyo do thuyền trưởng người Anh John Wilson chỉ huy và pháo hạm Akagi hộ tống. Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Kabayama Sukenori có mặt trên chiếc Sei-kyo. Lực lượng này tiến lên ở cánh trái đội hình.
Lực lượng chính của Hạm đội Nhật Bản bao gồm: tuần dương hạm Chiyoda (lượng giãn nước 2.450 tấn, trang bị 10 pháo 120mm); Hashidate, Itsukushima (lượng giãn nước 4.227 tấn, trang bị một pháo 320mm và 11 pháo 120mm); Fuso (lượng giãn nước 3.718 tấn, có 4 pháo 240mm và 2 pháo 152mm) và Hiei (2.200 tấn, có 9 pháo 152mm) đi chậm hơn, lùi xuống ở trung tâm đội hình.
Một hải đội xung kích có tốc độ cao, bao gồm các tuần dương hạm Yoshino (lượng giãn nước 4.150 tấn, trang bị 4 pháo 152mm và 8 pháo 120mm), Akitsushima (lượng giãn nước 3.150 tấn, trang bị 4 pháo 152mm và 6 pháo 120mm), Takachiho và Naniwa (lượng giãn nước 3.650 tấn, trang bị 2 pháo 260mm và 6 pháo 120mm) dẫn đầu đội hình tiến công của Nhật Bản ở cánh phải.
Đây là những tàu có hỏa lực mạnh và sức cơ động cao, là lực lượng then chốt quyết định trận đánh. Đội hình Hạm đội Nhật Bản như một chữ U lớn, hướng về phía Hạm đội Bắc Dương.
Hạm đội hùng mạnh nhất nhà Thanh “tan tác”
Do không thể đấu tay đôi với các thiết giáp hạm “khủng” của nhà Thanh, nên người Nhật chọn cách sử dụng ưu thế tốc độ cao, đánh các tàu chiến nhỏ hơn của Hạm đội Bắc Dương, áp sát phát huy tối đa sức mạnh hỏa lực để giải quyết trận đánh.
Nhờ áp dụng đội hình dòng phía sau, nên các thiết giáp hạm Đinh Viễn và Trấn Viễn của Hạm đội Bắc Dương rất khó bắn trúng các tàu chiến Nhật Bản, vì có những tàu nhỏ hơn chắn giữa họ với đối phương. Trong khi đó, từ cánh phải, hải đội xung kích của Nhật Bản đã bắt đầu khai hỏa, bắn các tàu chiến nhỏ hơn của địch thủ.
Đội hình dòng phía sau tiếp tục phát huy tác dụng, khi mà hải đội chính tiến vào đánh vỗ mặt Hạm đội Bắc Dương, thì hải đội xung kích cơ động liên tục, đánh tạt sườn, buộc đối thủ phải chống đỡ trên cả hai mặt. Sau đó, khi đã áp sát ở cự li đủ để phát huy tối đa hỏa lực hạm tàu, các tàu chiến Nhật Bản liên tục di chuyển theo vòng tròn, quây Hạm đội Bắc Dương vào giữa để tiêu diệt. Hạm đội Bắc Dương đã rơi vào cái bẫy của người Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo đánh giá sau này thì chiếc bẫy này không hẳn là không có cách phá vỡ. Nếu như Hạm đội Bắc Dương có chiến thuật đứng đắn để triển khai đội hình, đưa các thiết giáp hạm Đinh Viễn và Trấn Viễn lên tuyến đầu để khai hỏa trực tiếp vào hải đội xung kích của Nhật Bản, sử dụng ưu thế tầm bắn để ra đòn phủ đầu thì họ đã có thể giành được ưu thế, không đánh mất hoàn toàn quyền chủ động vào tay người Nhật Bản.
Nhưng không rõ vì lí do gì mà những mệnh lệnh này đã không được đưa ra, dù cho các sĩ quan nước ngoài cố vấn cho Hạm đội Bắc Dương có mặt trong trận chiến cũng đã sớm nhận ra điều này. Có những ý kiến cho rằng thuyền trưởng tàu Đinh Viễn đã hèn nhát, chống lại thượng lệnh của Đô đốc Đinh Nhữ Xương.
Ngoài ra, nguyên nhân thất bại của Hạm đội Bắc Dương chủ yếu nằm ở trang bị quá tồi tệ, bị nạn tham nhũng “rút ruột”. Nhiều chiến hạm của Nhật đã trúng đạn, thậm chí bị bắn trúng nhiều hơn tàu Trung Quốc. Nhưng những viên đạn pháo nhồi xi măng thay cho thuốc súng hầu như chẳng gây thiệt hại gì cho quân Nhật.
Tranh vẽ kỳ hạm Matsushima tấn công tàu chiến Hạm đội Bắc Dương. |
Theo các tài liệu lịch sử, tuần dương hạm Bình Viễn đã bắn nhiều phát trúng vào tàu Matsushima của Nhật Bản, nhưng hầu như các quả đạn đã bị “rút ruột” nên không gây thiệt hại.
Những khẩu pháo 305mm và 208mm bất lực trước hạm đội Nhật Bản, khiến các tàu Nhật thoải mái cơ động, chờ cho các tàu Trung Quốc bắn hết đạn để tiến vào áp sát ở cự li 2.700m, khai hỏa đáp trả. Mục tiêu đầu tiên là 2 tuần dương hạm loại nhỏ Dương Uy và Siêu Dũng của Hạm đội Bắc Dương. Cả hai chiếc đều bốc cháy dữ dội ngay sau loạt đạn đầu.
Các tàu Nhật Bản cơ động liên tục, bắn gãy cột cờ tín hiệu của chiến hạm Đinh Viễn, khiến Hạm đội Bắc Dương mất khả năng chỉ huy thống nhất. Để đối phó lại, hạm đội Trung Quốc cũng chia thành ba cặp đôi tàu, để chiến đấu độc lập, chi viện cho nhau.
Trận chiến kéo dài suốt cả ngày, và kết thúc với phần thắng thuộc về người Nhật Bản. Hạm đội Bắc Dương bị bắn chìm 5 tàu, bị thương 3 tàu, 850 thủy thủ thiệt mạng, 500 người bị thương. Trong khi đó, Hạm đội Nhật Bản chỉ bị hỏng 4 tàu, 190 thủy thủ thiệt mạng, 200 người bị thương.
Trận Hải chiến Hoàng Hải đã mở đường cho sự vươn lên của Hạm đội Nhật Bản, sánh vai cùng hải quân các cường quốc châu Âu cũng như khẳng định vị trí siêu cường của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Về phần Hạm đội Bắc Dương, sau trận Hoàng Hải, lực lượng này còn đọ sức với Nhật Bản một lần nữa trong trận Uy Hải Vệ tháng 2/1985 và một lần nữa bị diệt gọn.
Lực lượng tàu phóng lôi của Nhật Bản đã đánh chìm kỳ hạm Đinh Viễn cùng 3 tàu lớn khác của Hạm đội Bắc Dương. Số còn lại gồm 13 tàu phóng lôi cố chạy đến Yên Đài thì 6 chiếc bị tiêu diệt và 7 chiếc bị bắt giữ.
Ngày 12/2/1895, Đô đốc Đinh Nhữ Xương và các tàu còn lại thuộc Hạm đội Bắc Dương đã đầu hàng vô điều kiện. Sau chiến tranh, hạm đội này nỗ lực cố gắng khôi phục sức mạnh nhưng nó không còn được coi trọng như trước.