Sau 9 năm tù oan sai, nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, cuối cùng Brandley đã được trả tự do. Điều đáng tiếc là ông không nhận được lời xin lỗi cũng như sự đền bù nào cho 9 năm tù oan khuất của mình…
Bị ghép tội vì là người da đen
Vào ngày 23.8.1980, Cheryl Dee Ferguson - một nữ sinh 16 tuổi, học tại trường Trung học Bellville đã bị sát hại. Thi thể của Ferguson được tìm thấy trên gác xép của khán phòng trường. Ngay lập tức, mối nghi ngờ được tập trung vào Brandley và Henry - hai bảo vệ của trường cũng là những người đã tìm thấy thi thể.
Trong buổi thẩm vấn chung của cả hai người, một điều tra viên đã nói với Brandley và Henry rằng “một trong hai người sẽ bị treo cổ vì điều này”. Sau đó, điều tra viên quay sang phía Brandley và nói thêm rằng “vì ngươi là một tên mọi đen”.
Sau đó, mặc dù Brandley đã vượt qua bài kiểm tra nói dối nhưng các điều tra viên vẫn kiên quyết buộc tội ông. Ba người bảo vệ khác là Gary Acreman, Sam Martinez và John Sessum đã khiến cho tình hình trở nên xấu đi khi cung cấp thông tin rằng họ thấy nữ sinh đi về phía nhà vệ sinh của trường học.
Tiếp đó, họ cũng thấy Brandley đi về phía nhà vệ sinh. Ngoài ra, ba người bảo vệ cũng nói thêm rằng đã không nhìn thấy Brandley 45 phút sau đó cho đến khi họ bắt đầu tìm kiếm nữ sinh mất tích. Sau này, Henry - một trong hai người bị tình nghi cùng với Brandley còn bổ sung thêm thông tin là khi biết nữ sinh mất tích, Brandley lập tức bảo tìm trên gác xép.
Clarence Lee Brandley
Chính Brandley là người đã thấy xác chết, bình tĩnh kiểm tra rồi thông báo cho nhà chức trách. Cả bốn người đồng nghiệp của Brandley đều nói chỉ có mình ông là có chìa khóa mở khán phòng nơi thi thể được tìm thấy.
Năm ngày sau khi vụ việc xảy ra, Brandley đối diện với bồi thẩm đoàn hoàn toàn là người da trắng. Lời khai của Brandley có nhiều điểm mâu thuẫn với đồng nghiệp. Brandley thừa nhận mình đã biến mất khoảng 30 phút trong thời gian vụ giết người diễn ra.
Ông lý giải rằng ông đã hút thuốc ở phòng giám sát và nghe nhạc một mình. Brandley còn nêu ra rằng có một số người có thể mở cửa khán phòng. Tuy nhiên, mọi lời khai này của ông đều bị gạt đi. Đến tháng 12 năm 1980, Brandley tiếp tục đối mặt với bồi thẩm đoàn người da trắng. Lúc này, không có bất cứ một chứng cứ nào để có thể kết tội Brandley.
Tinh trùng thu hồi từ cơ thể nạn nhân đã bị phá hủy, không thể kiểm tra xem nó có phải của Brandley hay không. Một mẫu máu thu được trên cổ áo của nạn nhân cũng không phải mẫu máu của cô hay Brandley. Lúc này, giả thuyết về việc Brandley vô tội đã được đặt ra. William Shreck - người bào chữa cho Brandley, liên tục bị quấy rối vì những cuộc gọi đe dọa vô danh.
Đến phiên tòa trong tháng 2.1981, lịch sử tiếp tục lặp lại khi mọi chứng cứ ngoại phạm của Brandley đều bị thẩm phán da trắng gạt đi. Cuối cùng, 11 tháng sau đó, Brandley bị kết tội và kết án tử hình. Luật sư của ông phát hiện ra rằng những bằng chứng biện hộ cho ông đã bị biến mất.
Luật sư của Brandley đã phát hiện ra rất nhiều sự phá hoại cố tình như sự biến mất của mẫu tinh trùng, của các bằng chứng giúp Brandley chứng minh được sự trong sạch của mình. Tuy nhiên, tòa án Texas vẫn tin chắc vào quyết định của mình và không hề đề cập đến những sự biến mất trùng hợp này. Tòa án kết luận rằng không có một giả thuyết nào hợp lý và không có một người nào mắc tội hợp lý hơn Brandley.
Được minh oan mà không một lời xin lỗi
Brenda Medina – một người phụ nữ sống ở Texas xem tin tức về Brandley và thấy nó gợi lại cho cô một câu chuyện. Theo đó, James Dexter Robinson - người hàng xóm của nhà bạn trai Brenda đã nói với cô vào năm 1980, ông đã phạm một tội ác. Medina cho biết lúc đó cô đã không tin lời của Robinson, nhưng bây giờ thì cô thấy nó có thể là sự thật.
Brenda đã đến gặp luật sư Peter Speers III. Lúc đầu, lời nói của Brenda không được tin tưởng. Tuy nhiên, sau khi có tuyên thệ của Medina, luật sư của Brandley kiến nghị lên tòa án Texas phúc thẩm hình sự. Tòa án đã ra lệnh một phiên điều trần mới.
Trước khi Medina làm chứng tại phiên điều trần, các nhà điều tra đã nghi ngờ rằng, Edward Payne - một trong những người làm chứng trong cả hai lần thử nghiệm Brandley, là đồng phạm với Robinson để gây ra tội ác tày trời kia. Payne làm chứng rằng Acreman đã nói với anh ta nơi quần áo của Ferguson bị giấu đi hai ngày trước khi các nhà chức trách tìm thấy chúng.
Sau khi Medina kể lại chi tiết lời thú tội của Robinson thì mọi chuyện bắt đầu đổi khác. Khả năng Brandley bị oan rõ nét hơn bao giờ hết. Thế nhưng, với những bằng chứng mới, thẩm phán Coker vẫn kiên quyết không cho Brandley một cơ hội. Lúc bấy giờ, các nhà hoạt động dân quyền đã liên kết và kêu gọi được 80.000 USD để tài trợ cho công cuộc “giải cứu” Brandley.
Cuối cùng, Robinson thừa nhận mình đã nói với Brenda Medina vào năm 1980 rằng ông đã giết người phụ nữ trẻ trong Conroe. Nhưng Robinson lại tuyên bố ông đã nói vì lo sợ rằng Medina đã gây sức ép cho Robinson khi nói rằng cô mang thai. Robinson bảo hắn muốn Medina không tiếp tục làm phiền hắn.
Thế nhưng, khi xét nghiệm máu thì mẫu máu của Robinson đã trùng với mẫu máu tìm được trên cổ áo của cô nữ sinh trẻ bị sát hại. Lúc này, điều tra viên cũng đã tiết lộ rằng, trước lúc điều tra, ông ta đã chỉ nghĩ rằng Brandley là người có tội và tập trung vào mối nghi ngờ duy nhất của mình.
Khi được hỏi tại sao dù đã thu được mẫu tóc và lông của người da trắng trên cơ thể của nữ sinh kia mà không khai báo, điều tra viên chỉ biết lắp bắp: “Tôi, tôi đã không làm điều đó. Nó không được thực hiện. Và tại sao nó không được thực hiện thì tôi không biết”.
Cuối cùng, vào ngày 09 tháng 10 năm 1987, Thẩm phán Pickett đề nghị tòa phúc thẩm hình sự tuyên bố một kết luận mới về vụ án của Brandley. Cuối cùng, vào tháng 10 năm 1990, Brandley đã được thả tự do sau 9 năm ngồi tù oan uổng. Sau khi ra tù không lâu, Brandley kết hôn.
Vụ việc của Brandley được coi như là một minh chứng rõ nét cho thái độ kì thị, phân biệt chủng tộc của không ít các nhân viên điều tra người da trắng. Chỉ vì sự nghi kị chủng tộc mà họ đã đày đọa con người trong 9 năm tù oan sai. Brandley được thả tự do và xuất hiện như một huyền thoại.
Sau này, ông cũng tích cực tham ra các hoạt động xã hội kêu gọi nhân quyền. Điều đáng tiếc nhất là các cá nhân, đơn vị sai phạm đều không bị xử lý kỷ luật. Họ cũng không có lời xin lỗi Brandley. Các công tố viên vẫn khăng khăng khẳng định mình đã kết án đúng người, đúng tội.