Chỉ vì vợ không cho tiền mua rượu, ông Soạn đã trói bà Xuê lại, dùng dao cắt vú trái, xẻo thịt trên người, cắt gân chân trái… khiến Xuê phải cấp cứu ở bệnh viện bắc Quảng Bình. :|
Lão Soạn vung tay tuyên bố: "Vì răng nó không lấy tiền mua rượu cho tui".
Trần Giang Soạn là chồng của bà Phạm Thị Xuê ở thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hai người lấy nhau được 32 năm. Trong ngần ấy năm, Soạn đã ra hàng trăm trận đòn với vợ mình.
Lão Soạn vung tay tuyên bố: "Vì răng nó không lấy tiền mua rượu cho tui? Tệ".
Mới nhất, chỉ với lý do vợ không cho tiền mua rượu, Soạn đã trói bà Xuê lại, đánh đập tàn nhẫn, dùng dao cắt vú trái, xẻo thịt trên người, cắt gân chân trái… khiến bà phải đi cấp cứu ở bệnh viện bắc Quảng Bình.
Thế nhưng, khi chúng tôi đến nhà tìm hiểu sự việc, Soạn chẳng mấy quan tâm đến hành vi hành hạ vợ rất thú vật của mình, lão vẫn xoay xoay chai rượu, khật khừ nhìn, huơ chân múa tay, lớn tiếng kể lại việc mình đánh vợ.
Nghiện rượu, “nghiện” luôn đánh vợ
“Các chú hỏi chi, công an hỏi tui còn không sợ, các chú là cái chi mà hỏi? Tui bảo nó đưa tiền mua rượu, nó không đưa, đập (đánh) thôi. Nó là vợ, lại dám không cho tui tiền uống rượu sao được?! Láo! Ba mươi năm nay, lần mô tui đòi tiền mua rượu mà nó không đưa là tui đập thôi. Nhưng răng tui đập vợ tui hàng trăm lần như rứa mà nó vẫn không chừa? Vẫn không chịu đưa tiền tui uống rượu? Răng?”.
Không diễn tả được cảm xúc của chúng tôi khi đó. Lão Soạn mặc áo may ô, tóc bạc trắng rối tung, thân thể tiều tuỵ không phải do tuổi tác mà do rượu. Biết là nói chuyện với lão rượu này cũng vô nghĩa, chúng tôi quan sát ngôi nhà. Tiếng lão vẫn lè nhè: “Nhà xoá mái tranh nghèo của xã đó. Tui lấy chi tiền mần được nhà. Mà các chú coi, vì răng, tui đánh đập như rứa mà vợ tui vẫn không cho tui tiền mua rượu? Khùng”.
Ngôi nhà trống hoác. Có lẽ mọi thứ đều đổ vào rượu. Hàng ngày bà Xuê kiếm tiền bằng việc bán hàng vặt cho bà con trong xã, đôi lúc bà đi đỡ đẻ hộ. Thu nhập không có gì. Các con họ ở xa, cũng không khấm khá. Vợ chồng bà Xuê ở với nhau nơi vùng quê vốn đã rất nghèo. Lo ngày hai bữa ăn đã khiến bà Xuê kiệt sức, lại còn lo cho chồng mỗi ngày mấy suất rượu. Cho tiền, lão uống về say cũng lôi bà ra đánh. Không cho tiền, lão nổi cơn thèm rượu cũng lôi bà ra đánh.
Lão Soạn vẫn lè nhè: “Các chú đừng trách. Đánh vợ tui đánh cả đời, nhưng chỉ lần này hơi nặng tay thôi”. Chúng tôi tròn mắt nhìn lão. Lão quay mặt lẩm bẩm: “Thì rứa đó, đánh mãi nó cũng không đưa tiền mua rượu, tui điên lên mới lấy dao xẻo tí vú, xẻo tí thịt cho nó sợ phải đưa tiền, mà nó cũng không đưa. Tệ…”.
32 năm ở cùng “thú vật”
Bà Xuê đã vượt qua nguy hiểm tại bệnh viện được mấy ngày. Chúng tôi đến, bà đã cố gắng ngồi dậy được. Trong lần áo bệnh nhân ấy, những vết thương chằng chịt. Bàn chân trái bị chồng cắt gân đang phải băng bó.
Bà Xuê tại bệnh viện sau khi đã qua những ngày cấp cứu.
Bà nhìn bộ áo quần bệnh nhân, nhìn tôi: “Lâu lắm tui mới mang được bộ áo quần lành lặn, không vết máu. Chứ hàng ngày, sau mỗi trận đòn của ông ấy, áo quần tui rách đã đành, lại còn thấm đầy máu. Bộ nào cũng thấm máu, không giặt sạch được”.
Tôi hỏi: “Bị ông ấy đánh đập tàn nhẫn thế, sao bà không kêu cứu? Bà con nói, không ai nghe thấy bà kêu cứu?”. Bà Xuê mếu máo cười: “Kêu cứu? Nếu cả đời sống với nhau, ông ấy không bình tĩnh đánh mình một vài lần, còn kêu cứu. Đằng ni, ngày mô cũng đánh, có ngày đánh tui hai ba lần, có đêm ba mươi Tết cũng đánh. Say rượu, ông ấy đánh. Thèm rượu, ông ấy đánh. Kêu làm chi?”.
“Nhưng bà có thể đi ở với con cái, với bà con, tránh những trận đòn vũ phu?” - Nghe tôi đặt giả thiết, bà cúi đầu: “Bỏ ông ấy mà đi, ai nuôi ông ấy?”.
“Tỉnh rượu, ông ấy có ân hận. Có đôi lần ông ấy quỳ gối khóc. Tui biết thừa ông ấy làm vậy cho qua chuyện, rồi đâu lại vào đấy thôi. Nhưng mình đã là phận làm vợ, đàn bà mười hai bến nước, tấp vào bến nước nào, sang hèn, sướng khổ, vinh nhục chi cũng phải chịu. Thấy ông ấy đánh tôi ác rứa, người ta gọi ông ấy là “thú vật”. Nhưng danh chính ngôn thuận, ông ấy vẫn là chồng. Cực rứa đó chú ạ…”, bà trần tình.
Thấy tôi phản ứng trước sự cam chịu đó, bà Xuê khóc, nấc nghẹn. Bất ngờ, bà ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt sáng rực: “Lần này thì tôi ly hôn. Dứt khoát rồi. Tình cảnh vợ chồng thế này, nếu ông ấy không là thú vật thì tôi cũng là thú vật mới cam chịu đòn roi như vậy…”.
Địa phương “vô cảm”
Điều lạ lùng là không một cán bộ địa phương nào lại không biết việc lão Soạn thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn nhưng vẫn để xảy ra những chuyện thương tâm như vậy. Thậm chí, các cán bộ địa phương còn kể cho chúng tôi nghe khá nhiều về những trận đòn vũ phu của lão Soạn.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Quảng Hợp cho biết: Cách nhà bà Xuê ở khoảng trăm mét là nhà ông Đàm Văn Tính, Phó Chủ tịch Mặt trận xã và ông Phạm Văn Thiên, Phó Bí thư Đoàn xã.
Tuy nhiên, cả hai ông cán bộ này không quan tâm đến vụ đánh đập vợ của ông Soạn vì cũng như cách lý giải của người dân, vợ chồng bà Xuê đánh nhau như cơm bữa nên không quan tâm.
Chúng tôi chất vấn ông Quyết về trách nhiệm của địa phương đối với hành vi bạo hành của ông Soạn với vợ, ông Quyết "hồn nhiên" kết luận: Việc ông Soạn đánh bà Xuê là việc của gia đình họ, đã có chi mô mà phải gọi ông Soạn lên răn đe, giáo dục.
Còn Thượng tá Nguyễn Quốc Tường, Trưởng công an huyện Quảng Trạch thì cho biết: “Hiện cơ quan công an đã vào cuộc, lập hồ sơ xem xét xử lý vụ việc theo pháp luật. Đây là một vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng và có thể xử lý hình sự”.
Hơn 30 năm làm vợ chồng, hàng trăm trận đòn roi lão Soạn ập xuống đời bà Xuê, nhưng địa phương chưa một lần quan tâm, hoà giải, giáo dục, răn đe lão Soạn. Đây cũng là lý do khiến lão ngày càng trở nên thú tính. Bằng chứng là ngay cả khi bị ép vào bệnh viện chăm sóc vợ, lão đã giằng co với bà Xuê, móc tiền trong túi vợ để đi uống rượu làm huyên náo cả phòng điều trị.
Bà Xuê nằm viện, thân thể nham nhở vết thương, nhà không tiền, tương lai mù mịt. Cho dù bà quyết định ly hôn chồng thì không biết với thân thể tiều tụy, thương tích ấy, bà sống bằng gì trong những năm cuối đời. Vì 3 đứa con hiện giờ, lại là con riêng của lão Soạn với người vợ khác.
Theo Giadinh.net