Cư dân đang xôn xao về cách phiên âm tên riêng của một số báo. Có những tên riêng nước ngoài khi phiên âm ra tiếng Việt đã tạo ra những cụm từ có ý nghĩa không được đẹp.
Bức ảnh scan đang được cư dân mạng bàn về phiên âm
Cộng đồng mạng đang bàn luận sôi nổi về cách phiên âm tên riêng của báo Nhân Dân: “Nhận lời mời của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Ðoàn đại biểu QH Vương quốc Thái-lan do Ngài Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn, Chủ tịch QH và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Thái-lan dẫn đầu, đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm hữu nghị chính thức Việt Nam”.
Đây vốn là cách phiên âm không chỉ riêng báo Nhân Dân mà còn được nhiều báo sử dụng. Cách phiên âm này không sai nhưng vấn đề đặt ra ở đây chính là khi phiên âm ra tiếng Việt những tên riêng này có những cụm từ ngữ nghĩa không được đẹp, gây cười và mất tính trang trọng.
PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, PGS TS Phạm Văn Tình:
- Theo ông nên để nguyên tên của người nước ngoài? Để tên theo phiên âm quốc tế? Hay vẫn cứ phiên âm ra tiếng Việt? Vì việc này cũng cần phải được bàn đến khi một cái tên nào đó phiên âm ra tiếng Việt rơi vào những không đẹp… thì sẽ làm thế nào?
Hiện tại đang tồn tại mấy cách xử lí tên riêng nước ngoài vào tiếng Việt: 1. Phiên âm (Vd: Paris = Pa-ri, Shakespeare = Sêch-xpia, Wayne Rooney = Uây-nơ Ru-ni…), 2. Dịch nghĩa (Vd: Red Sun = Mặt trời Đỏ, L’Humanité = Nhân đạo…), 3. Nguyên dạng (Vd: Paris, Shakespeare, Bill Clinton…), hoặc chuyển tự (Vd: Moskva, Garry Kasparov, Pravda…). Mỗi giải pháp đều có những mặt được và chưa được. Tuy nhiên, ta phải chọn giải pháp nào hợp lí nhất để sử dụng.
Trong giao tiếp ngôn ngữ, người ta giao tiếp bằng lời (nói/nghe) và bằng tự dạng (viết/đọc). Khi đọc, người ta nhận diện bằng mặt chữ (Rất ít người đọc thành lời, trừ khi cần thiết). Tên riêng cốt để nhận biết và phân biệt, do vậy cần viết đúng theo mặt chữ như nó vốn có.
Những nước theo hệ chữ Latin thì tên riêng được giữ nguyên dạng. Ví dụ: Brazil, Mexico, Liechtenstein, California, A Einstein,… Hầu hết các địa danh trên thế giới đã được viết theo tiếng Pháp và tiếng Anh và trở nên quen thuộc, vì vậy khi giữ đúng cách viết của một quốc gia về tên riêng của họ,
Những nước có hệ chữ không phải Latin, họ phiên tên riêng sang chữ Latin thế nào thì chúng ta theo đúng như vậy. Ví dụ: người Hàn viết Seoul thì ta cũng viết Seoul chứ không gọi là Hán Thành; Người Ấn viết Mumbai (còn gọi là Bombay) thì ta cũng viết vậy. Ta cũng theo người Nhật gọi Tokyo chứ không gọi Đông Kinh nữa.
Tôn trọng những tên gọi truyền thống, quen thuộc – có từ trước 1945 và nay vẫn dùng - nhất là những tên gọi phù hợp với nguyên lí tiết kiệm trong ngôn ngữ. Những tên riêng gốc Hán đã vào tiếng Viết lâu đời thì giữ nguyên: Pháp, Anh, Đức, Nhật, Bỉ, Ý, Áo, Úc, Ấn Độ, Đan Mạch, Hy Lạp, Bắc Kinh, Hồng Kông, Thiên An Môn… Với những tên riêng Trung Quốc không quen thuộc, thì người ta viết thế nào chúng ta viết như vậy. Tên các vận động viên Trung Quốc được viết là Wang Hao, Hao haidong, Xie Jun, Li Tie,… thì chúng ta cũng viết vậy mà không cần truy lại cách đọc Hán Việt (vì nhiều khi khó có cơ sở để tra về tên gốc để đọc theo âm Hán Việt).
Nếu phiên âm, sẽ gặp nhiều rắc rối khi muốn tra về nguyên gốc, vì sự khác biệt của người phiên Saddam Hussein có thể phiên là : Xat-đam Hut-xanh/ Hu-xanh, Hu-xê-in; Ronan Reagan có thể phiên là: Rô-nan Ri-gân/ Rê-gân/Rê-gơn/Ri-gơn… Trong một loạt trận bóng đá Cup C1 chẳng hạn, nếu phiên âm thì chỉ sau một đêm, tên các cầu thủ tham gia sẽ được đọc mỗi cầu thủ một kiểu. Nếu muốn truy tìm thì đúng là “đánh đố” người đọc.
Phiên âm sẽ gặp những trường hợp khó xử. Vd: Upradit có thể phiên đọc thành: U-pra-đít/U-pra-***, Aidit có thể phiên đọc thành Ai-đít/ Ai-*** (theo cách đọc thành hai loại thanh điệu của miền Bắc và miền Nam: các-bin/ cạc-bin, cạc-vi-dit/ các-vi-dít, rì-dọt/ri-dọt…
Thiết tưởng, trong bối cảnh hoà nhập chung với quốc tế về mọi mặt, trong đó có hoà nhập ngôn ngữ, chúng ta không thể cố giữ quan điểm “dân tộc chủ nghĩa” bằng cách cố tình làm khác thế giới. Có thể nói, càng ngày xu hướng phiên âm càng không nhận được sự ủng hộ chung từ phía cộng đồng. Nhiều người bênh vực cho quan điểm này vì cho rằng phải trên quan điểm “quần chúng hoá”, với lập luận: “Nếu để nguyên dạng thì không phục vụ cho đông đảo bạn đọc (!)”. Tuy nhiên, bạn đọc nói chung (chiếm số đông) hiện nay không xa lạ gì với những tên riêng nguyên dạng Latin. Mỗi năm chúng ta có trên 26 triệu người ở bậc học phổ thông đến đại học. Họ sẽ là những người đại diện chung cho người đọc tương lai. Ngay cả những người đọc hiện tại thì trình độ cũng đã khác. Đa số quần chúng (nếu cần đọc thành lời) đều đọc và phát âm khá chính xác các từ như: Niels Borr, Honda, Future, Panasonic, Dream, SEA Games, World Cup, Rooney, Ronaldo, Fernandes, Fabregas… mà không khó khăn gì.
- Hiện nay báo chí đang rất "hỗn loạn" trong việc phiên âm, mỗi báo tự định cho mình một quy chuẩn riêng. Là một chuyên gia ngôn ngữ ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Viết nguyên dạng vừa thể hiện sự tôn trọng tự dạng nguyên ngữ vừa tạo điều kiện thuận lợi khi tra cứu, tìm hiểu. Theo dõi thị trường sách báo những năm gần đây, ta thấy số báo còn giữ quan điểm phiên âm còn rất ít. Chính cuộc sống ngôn ngữ là căn cứ để ta phải thay đổi sao cho phù hợp. Trước đây, đa số các báo theo xu hướng phiên âm (như các báo quen thuộc: Nhân Dân, Lao Động, Hà Nội mới, Sài Gòn Giải phóng,…). Bây giờ, hầu hết các báo phát hành ở các tỉnh phía Nam và gần hết báo các tỉnh phía Bắc đều chuyển quan điểm là giữ nguyên dạng. Ngay một số báo lớn (như Quân đội Nhân dân, Hà Nội mới, Tạp chí Cộng sản…) vốn kiên trì việc phiên chuyển thì hiện tại đã ngả về hướng để nguyên dạng tên riêng nước ngoài. Đó là một xu hướng đang chiếm ưu thế bởi tính ưu việt, tiện lợi của nó. Vấn đề này, chính cuộc sống đã tìm ra câu trả lời.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Trích:
Vòng 10 giải Ngoại hạng Anh M.U thắng Ê-vơ-tơn 1-0, A-xê-nan thắng Chen-xi 5-3 trên sân khách Ðương kim vô địch M.U có trận thắng quan trọng trước đội chủ nhà Ê-vơ-tơn. Dù chỉ là trận thắng tối thiểu 1-0, nhưng cũng đủ để thầy trò HLV Phơ-gu-xơn lấy lại niềm tin trên con đường bảo vệ danh hiệu của mình. Cầu thủ hai đội nhập cuộc rất quyết tâm. Ngay phút thứ 2, đội khách M.U đã có cú sút cận thành của cầu thủ Héc-nan-đéc, nhưng thủ môn T.Hô-uốt của Ê-vơ-tơn phản xạ nhanh, bắt gọn. Các cầu thủ chủ nhà đáp trả bằng pha đánh đầu chính xác của Phe-la-ni nhưng không hiểm. Cầu thủ hai đội theo sát nhau ở khu vực giữa sân. Tiền đạo W. Ru-ni cũng lùi sâu về tranh cướp bóng. Dần dần ưu thế nghiêng về đội khách. Phút 19, các cầu thủ M.U tổ chức tiến công thoáng bên cánh trái, P.Ê-vra câu bóng vào cho Héc-nan-đéc đệm bóng cận thành, ghi bàn cho M.U. Các hậu vệ Ê-vơ-tơn bỏ lỏng tiền đạo nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn của M.U. Nửa cuối hiệp một, các cầu thủ Ê-vơ-tơn dồn lên tìm bàn gỡ và liên tiếp có các pha dứt điểm của Ô-xman, Rốt-đoen ở phút 36. Phút 41, L. Bê-nơ sút phạt hàng rào rất đẹp mắt và hiểm hóc, nhưng bóng lại trúng xà ngang khung thành của M.U, bỏ lỡ cơ hội gỡ hòa cho Ê-vơ-tơn. Sau đó, L.Xa-ha có hai cú sút liên tiếp ở phút 45 nhưng thủ môn của M.U Ðờ Gê-a bắt gọn. Hiệp hai, đội chủ nhà gia tăng sức ép lên hàng phòng ngự của M.U. Phút 53, tiền đạo trẻ Rốt-đoen có pha xử lý bóng kỹ thuật và sút rất căng nhưng thủ môn Ðờ Gê-a bay người đấm bóng ra. M.U chủ động chơi phòng ngự phản công. Phút 62, từ pha phản công nhanh, Oen-bếch sút bóng mạnh, thủ môn T.Hô-uốt chặn được. Hàng phòng ngự của M.U trận này chơi tốt, hầu như không để các cầu thủ Ê-vơ-tơn xâm nhập vào vòng cấm đội nhà. Các pha dứt điểm của đội Ê-vơ-tơn đều thực hiện bên ngoài vòng cấm, ít gây nguy hiểm cho thủ môn Ðờ Gê-a. Những phút cuối trận đấu, đội chủ nhà dù rất nỗ lực nhưng không thể phá vỡ được hàng phòng ngự M.U có sự trở lại của trung vệ đội trưởng N.Vi-đích, đành thấp nhận thua 0-1. * Trận đấu giữa hai đội Chen-xi và A-xê-nan diễn ra hấp dẫn với những pha bóng tiến công nhanh của cả hai bên. Có cơ hội ghi bàn trước, nhưng đội khách A-xê-nan lại nhận bàn thua sớm. Cầu thủ mở tỷ số cho Chen-xi là F.Lam-pát ở phút 14. Màn rượt đuổi tỷ số sau đó rất hấp dẫn và kịch tính. Phút 36, Van Pơ-xi gỡ hòa 1-1 cho A-xê-nan. J.Te-ry giúp Chen-xi dẫn 2-1 bằng bàn thắng ở phút 45. A. Xan-tốt gỡ hòa 2-2 cho A-xê-nan ở phút 49. T. Oan-cốt chơi rất hay từ đầu trận và chính anh nâng tỷ số lên 3-2 cho A-xê-nan ở phút 55. Phút 80, J. Ma-ta với cú sút như "đại bác" gỡ hòa 3-3 cho Chen-xi. Phút 85, J.Te-ry vấp ngã, "biếu" cho Van Pơ-xi cơ hội đối diện với thủ môn P.Chếch và cầu thủ người Hà Lan này dễ dàng nâng tỷ số lên 4-3 cho "pháo thủ" A-xê-nan. Phút 90 +2, từ đợt phản công nhanh, Van Pơ-xi sút mạnh tung lưới thủ môn P.Chếch, ấn định chiến thắng 5-3 cho A-xê-nan và ghi bàn thứ ba của riêng mình. Kết quả các trận khác: - Man-che-xtơ Xi-ti - Uôn-vơ-hăm-tơn: 3 - 1; - Noóc-uých - Blách-bơn Rô-vơ: 3 - 3; - Xân-đơ-len - A-xtôn Vi-la: 2 -2; - Xoan-xi - Bôn-tơn: 3 - 1; - Uy-gân - Phun-ham: 0 - 2. |