“Tôi nghĩ người họa sĩ có quyền tưởng tượng theo ý nghĩ của họ, có quyền biểu cảm và vẽ như vậy, những tranh vẽ này chỉ là minh họa và ước lệ. Tôi cho những bức tranh minh họa đó không có gì là phản cảm, là xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử…", chủ biên cuốn sách "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” - tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp cho hay.
Bức tranh minh họa về 5 vị Tây Sơn ngũ phụng thư trong cuốn sách "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc". Ảnh: Thanh Hà Ngay sau khi cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Công ty Tân Việt, Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học – Công nghệ (CTCS) đồng chủ biên và phát hành được ra mắt và giới thiệu vào ngày 5.12 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng cuốn sách đã có những tranh minh họa không đúng với những vị tướng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - người chịu trách nhiệm biên tập nội dung cuốn sách. Tiến sĩ Điệp cho hay, toàn bộ tranh minh họa trong cuốn sách có tính ước lệ, là minh họa để làm thư giãn bạn đọc chứ không có giá trị chuyển tải lịch sử. Việc chuyển tải lịch sử là những trang văn chữ. Tiến sĩ Điệp cho biết: “Tôi nghĩ người họa sĩ có quyền tưởng tượng theo ý nghĩ của họ, có quyền biểu cảm và vẽ như vậy, những tranh vẽ này chỉ là minh họa và ước lệ. Tôi cho những bức tranh minh họa đó không có gì là phản cảm, là xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử. Thậm chí có bài báo còn nói hình vị tướng Ngô Quyền giống với hình của nhân vật Triệu Tử Long. Tôi cho đó là cách đánh giá, nhìn nhận thiện cẩn, cách đánh giá chủ quan của người viết”. Về việc những tranh minh họa về 5 vị Tây Sơn ngũ phụng thư bao gồm: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung có tóc nhuộm vàng, lông mi cong vút, khuôn mặt trái xoan và được trang điểm, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, cho đến hôm nay, cũng không ai biết 5 vị tướng nhà Tây Sơn ăn mặc như thế nào, tóc ra làm sao, có quấn khăn hay thả tóc. "Tất cả lâu nay chúng ta toàn làm theo tính ước lệ và người họa sĩ khi sáng tác, vẽ minh họa cũng chỉ với mục đích Tây Sơn ngũ phụng thư kia cũng chỉ là các cô gái, những người phụ nữ liễu yếu đào tơ", tiến sĩ Điệp nói. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp cũng cảm thấy đáng tiếc và công nhận "giá như 5 vị tướng này được vẽ minh họa theo phong cách với mũ, áo, cân đai, giáp trụ oai phong trên mình voi ra trận thì tranh vẽ minh họa sẽ có giá trị hơi". “Khi tôi duyệt trang lần cuối cùng, tôi đã hơi chủ quan bỏ sót vấn đề này. Người duyệt trang đã tự ý trang điểm thêm vào trong tranh vẽ minh họa 5 vị tướng Tây Sơn ngũ phụng thư. Thật sự, chúng tôi không muốn có hình vẽ minh họa này”, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp nói. Chủ biên cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” cũng cho hay, cuốn sách không sắp xếp theo tiêu chí nào. Giá trị của cuốn sách chính là sự xâu chuỗi thông tin về các vị danh tướng thành một hệ thống theo chiều dài lịch sử. Hiện tại theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, cuốn sách vẫn được phát hành và bán bình thường, khi nào cuốn sách được tái bản sẽ lưu ý và sửa một số tranh vẽ minh họa. “Tôi không nghĩ có lý do nào để ngừng phát hành cuốn sách, chúng tôi cũng không nhận được bất cứ công văn, văn bản nào thông báo ngừng phát hành. Bởi cuốn sách không vi phạm luật xuất bản, không vi phạm về chính trị, giá trị khoa học. Nếu như giờ có nhà sử học nào khẳng định đây là cuốn sách xuyên tạc lịch sử, minh họa gây phản cảm thì nhà sử học đó hãy chứng minh, nêu ra lý do cho chúng tôi biết. Tôi nghĩ chúng ta đấu tranh thì hãy đấu tranh đến ngọn nguồn lý lẽ còn đừng vì cảm tính cá nhân rồi dìm chết tác phẩm, bôi nhọ tác giả. Tôi nghĩ là không nên”, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp cho biết. Bìa sau cuốn sách "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc" |