[size=1]
[/size] [size=2] Mục đích của động thái này không gì khác là “dằn mặt” các đối thủ sản xuất ultrabook đang đe dọa đến ngôi vương của Air trong phân khúc laptop siêu di động.[/size]
Hôm qua (26/4), Apple đã chính thức đệ đơn lên Cục Bản quyền và Thương hiệu Mỹ, đề nghị được đăng ký bản quyền thương hiệu MacBook Air và thiết kế của nó. Được miêu tả như là một “thiết bị siêu di động”, Apple khẳng định rằng thiết kế sản phẩm của họ đã mang lại cho người dùng một “cảm quan” mới về khái niệm notebook.
Điều này không có gì là quá bất ngờ, bởi Apple vốn có truyền thống bảo vệ rất kỹ những gì được coi là “tinh túy” của mình. Thậm chí, hãng này từng nuôi ý định đăng ký bản quyền thiết kế các cửa hàng Apple Store.
Cũng nhờ việc đặt nặng vấn đề bản quyền, hãng này luôn là người chiếm thế thượng phong trong các cuộc chiến pháp lý mà “nạn nhân” mới nhất chính là Samsung, công ty được cho là vi phạm bản quyền thiết kế của dòng iPhone và iPad trên dòng Galaxy của mình.
Các chuyên gia cũng nhận định rằng, xuất phát từ việc Apple khơi mào cuộc chiến bản quyền với Samsung, Google mới phải vội vàng bỏ ra núi tiền 12 tỉ USD để mua lại Motorola Mobility với đích ngắm là 17.000 bằng sáng chế mà hãng này nắm giữ để trang bị “lá chắn” cho mình và các đối tác trước Apple.
Nếu việc đăng ký của Apple sớm được hoàn tất, rất có thể các hãng sản xuất ultrabook sẽ phải dè chừng, bởi trên thị trường hiện tại, khá nhiều model được đánh giá là có thiết kế không mấy khác biệt so với MacBook Air. Cùng thời điểm này, hãng sản xuất có trụ sở tại Cupertino cũng đệ đơn xin đăng ký bản quyền ứng dụng điều chỉnh độ sáng của màn hình OLED.
Giới quan sát đặt ra khá nhiều câu hỏi xung quanh động thái này của Apple bởi hiện tại, hãng này không sản xuất bất cứ thiết bị nào sử dụng màn hình OLED. iPhone, iPad hay MacBook đều sử dụng màn hình LCD với đèn nền.
Rất có thể, trong tương lai không xa, người dùng sẽ được chứng kiến sự ra mắt của một thiết bị mới, sử dụng màn hình OLED - loại màn hình mỏng, cho hình ảnh sắc nét, không cần đèn nền và tiêu tốn ít điện năng hơn hẳn so với màn hình LCD, LED hay Plasma.