(TT&VH Cuối tuần) - Sự bế tắc trong việc phát hành băng đĩa nhạc kiểu truyền thống tại Việt Nam đã được báo trước, bởi mô hình này trên thế giới đang ngày càng thu hẹp và nhường chỗ cho một kiểu phân phối mới là các “chợ nhạc” trên mạng. Nhưng để chúng ta bắt nhịp được với thế giới, có một thị trường nhạc mạng, thì vẫn là “mơ về nơi xa lắm”!
Đi về đâu các hãng phát hành?
Hiện nay thị trường phát hành băng đĩa kiểu truyền thống, bán CD trong các cửa hàng, tại Việt Nam có khá nhiều đơn vị tham gia, nhưng hiệu quả phát hành thực sự của các hãng băng đĩa này không cao.
Có thể kể ra một vài cái tên lớn như: Dihavina, Hồ Gươm, Thăng Long ở phía Bắc và Phương Nam Film, Viết Tân, Vafaco, Bến Thành, Kim Lợi, Trung tâm băng nhạc Trẻ và Hãng phim Trẻ ở phía Nam…, cũng có truyền thống khá lâu năm, cũng có những thời kỳ cực thịnh nhưng sức ảnh hưởng của họ tới thị trường băng đĩa hiện nay đang đuối dần.
Ca sĩ trẻ Bảo Thy được biết đến nhiều hơn với các bài hát
được tung lên mạng
Nguyên nhân thì cũng có rất nhiều: tại cơ chế quản lý chưa đủ nên băng đĩa lậu ra sức hoành hành, tại ý thức người tiêu dùng còn kém, chưa có ý thức trân trọng các tác phẩm nghệ thuật,… nhưng có lẽ nguyên nhân lớn hơn cả đó là tính cạnh tranh về mặt thị trường của các hãng phát hành còn rất yếu. Mạng lưới phát hành mỏng, cộng vào đó là sự thiếu cạnh tranh về giá khiến hầu hết thị phần trên thị trường này rơi vào tay các đầu nậu sản xuất đĩa lậu.
Ví dụ như với Hồ Gươm Audio, trung bình phí phát hành đĩa của một ca sĩ trẻ chưa có tên tuổi trên thị trường sẽ chiếm khoảng 30 - 50% giá bán được ghi trên đĩa. Với một gương mặt mới thì số đĩa in ra cỡ khoảng 1.000 đĩa chính thức. Số lượng tuy ít thật nhưng cũng không mấy ca sĩ bán hết đĩa. Nếu bán hết đĩa thì ca sĩ cũng phải chịu lỗ một khoản không nhỏ, là tiền phát hành. Do đó với ca sĩ trẻ, bởi bắt buộc phải có album “xịn” thì mới được danh chính ngôn thuận ra mắt thị trường nên họ đành phải tìm tới các hãng phát hành, chứ thực lòng cũng không tin gì vào hiệu quả của việc phát hành của hãng đĩa mà họ ký gửi.
Hơn nữa khi bắt tay với các hãng phát hành, với lượng đĩa phát hành hạn chế như thế thì sức ảnh hưởng của ca sĩ rất nhỏ hẹp, vì chủ yếu mạng lưới phát hành của các hàng lớn chỉ nằm tại Hà Nội và Sài Gòn, các tỉnh khác cũng lác đác một vài điểm bán, nhưng số phát hành không đáng là bao.
Trong khi đó, với đại bộ phận ca sĩ, trừ những tên tuổi đã thực sự có ngôi thứ trên thị trường, hầu hết số còn lại sống dựa vào thu nhập đi hát tỉnh. Bởi thế cho nên hiện nay, một giải pháp đang được rất nhiều ca sĩ trẻ sử dụng là: Bắt tay với các đầu nậu đĩa để làm đĩa lậu. Giải pháp này vừa mang lại thu nhập từ việc phát hành đĩa, vừa tạo được mạng lưới phủ sóng album sâu rộng hơn.
Album Listen of walk của Võ Thiện Thanh phát hành ra nước ngoài
trên hệ thống itune
Lấy một phép thử để so sánh sẽ thấy công nghệ in sang và phát hành đĩa lậu có tính cạnh tranh rất lớn so với kiểu phát hành đĩa truyền thống tại các hãng phát hành chính thống.
Để phát hành một album mới với khoảng 2.000 đĩa, nếu là đĩa lậu, chỉ mất 2.200 đồng/đĩa, bìa đĩa in thô sơ, đơn giản, chỉ mất khoảng 480.000 đồng cho 2.000 đĩa (nếu là bìa “xịn”, giá mỗi bìa đĩa có thể tới hơn 10.000 đồng, tức khoảng 20 triệu đồng/2.000 đĩa). Nếu dùng đĩa kém chất lượng thì giá thành còn giảm hơn nữa. Như vậy, tính sơ tổng số tiền bỏ ra để phát hành album theo kiểu này khoảng dưới 5 triệu đồng. Một album lậu bán ra khoảng 4.000-5000 đồng/đĩa, rẻ hơn ít nhất 8 lần so với giá đĩa xịn nhưng vẫn lời gấp đôi so với tiền thực hiện. Một con số quá “lý tưởng” với nhiều ca sĩ, đặc biệt là những ca sĩ “hạng hai”, “hạng ba”. Với những “ngôi sao” trên thị trường, hoặc đơn giản chỉ là một cái tên được biết tới thì với thị trường lậu, một lô đĩa sẽ được phát hành ít nhất 10.000 đĩa - một con số nằm trong mơ với nhiều ca sĩ có tên tuổi trong làng đĩa “xịn”. Chả thế mà trên thị trường hiện nay, hầu như không có mấy ca sĩ là không có giao tình với các đầu nậu băng đĩa!
Xưa nay hầu hết các ca sĩ đều xác định không kiếm tiền từ việc bán đĩa, vì thế, xét về mặt hiệu quả quảng bá thì rõ ràng việc “bắt tay với đầu nậu đĩa” là đáng giá hơn bắt tay với các hãng đĩa (dù như thế là phạm luật).
Và nói đến đây thì đủ thấy tương lai của các hãng phát hành băng đĩa của chúng ta bi đát đến mức nào. Chết thì không chết hẳn nhưng các hãng này sẽ khó mà mơ về một thời hoàng kim như trong quá khứ ở một tương lai gần.
Thị trường nhạc mạng: Mơ về nơi xa lắm!
Sự khó khăn trong việc phát hành băng đĩa nhạc kiểu truyền thống tại Việt Nam như đã nói ở trên đã được báo trước bởi mô hình này trên thế giới đang ngày càng thu hẹp và nhường chỗ cho một kiểu phân phối mới: chợ nhạc trên mạng.
Hiện nay, có thể nói, thị trường nhạc mạng, với những chợ nhạc trên mạng đang hoạt động sôi nổi ngày đêm, là kênh phân phối lớn nhất mà không kênh nào từ chính thống đến phân phối lậu có thể địch được. Bởi nó là một kênh phân phối miễn phí… hàng chất lượng cao, cho download (tải về) thoải mái không mất đồng nào tất cả các bản nhạc và album với chất lượng âm thanh cao.
Bao giờ việc mua bán sản phẩm âm nhạc ở cửa hàng sẽ thành…
cảnh hiếm? Ảnh: Vân Anh
Đáng nói hơn cả là dù các bản nhạc này đã được một số wesite lớn trả tác quyền, thông qua hiệp hội công nghiệp ghi âm (RIVA) hay Trung tâm bản quyền thuộc Hội nhạc sĩ hay trả cho chính nghệ sĩ thì lối phân phối của các trang như: nghenhac, zing, socbay, nhaccuatui, yeuamnhac, nhacvui,… cho download và nghe nhạc miễn phí, sẽ làm cho thị trường băng đĩa nhạc mau tới chỗ chết hơn và cũng không giúp hình thành được một thị trường phát hành nhạc online.
Hiện nay chúng ta không có mãi lực trên thị trường nhạc mạng, tức là không có người mua và người bán nhạc qua mạng, từ bán CD đến bán bài hát bằng cách cho download trả phí thì sẽ không có doanh thu cho nhà chủ các website. Dù rằng họ vẫn sống được nhờ các dịch vụ gia tăng khác trên site như tiền thu từ quảng cáo trên site, nhưng kiểu kinh doanh này chỉ giúp họ cầm cự được một thời gian chứ về lâu dài là không ổn.
Hơn nữa kiểu kinh doanh trên không mang lại lợi nhuận cho các nghệ sĩ và hãng đĩa. Không chóng thì trầy, sự mâu thuẫn lợi ích giữa các hãng ghi âm cũng như các nghệ sĩ có tác phẩm với nhà kinh doanh nhạc sẽ xảy ra. Vì chắc chẳng ai muốn sản phẩm nghệ thuật của mình làm ra… bị cho không trên mạng. Tiền cả, ai cũng sẽ xót! Đến hồi đó thì sự sống của chính bản thân các trang nhạc này cũng không ai dám chắc.
Đơn vị duy nhất tại Việt Nam đang có hơi hướng làm nhà phân phối nhạc trên mạng là FPT Music, đại diện của nhacso.net. Đơn vị này kinh doanh bằng cách ký hợp đồng bán trọn gói nhạc Việt cho các nhà kinh doanh nước ngoài có nhu cầu sử dụng và tới đây định sẽ đàm phán để trở thành đối tác phân phối nhạc Việt Nam cho một hãng bán lẻ đĩa nhạc uy tín nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc bán nhạc cho người dùng cuối, con đường chính thống để hình thành nên thị trường nhạc mạng thì vẫn còn đang là một vấn đề chưa có lời giải.
Cuộc chuyển đổi kênh phát hành băng đĩa, từ cửa hàng lên mạng internet, trên thế giới đã diễn ra hơn chục năm nay, nhưng đó là chuyện của thế giới. Còn tại Việt Nam, để có một thị trường nhạc mạng vẫn là “mơ về nơi xa lắm”!
Bài 2: Quốc Bảo: Ra "chợ quốc tế" đừng nói đến chuyện kinh tế
Việt Tú