Nhiều người thắc mắc vai trò của Cục QLTT ở đâu trong sự hỗn loạn kinh doanh?
Khi bê bối Khaisilk vỡ lở, nhiều ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Quản lý thị trường "nhắm mắt" bỏ qua những sai phạm cho doanh nghiệp.
Chia sẻ trên Báo Lao Động, TS Đoàn Hương nói, những doanh nghiệp "buôn gian bán lận", lợi dụng lòng tin khách hàng, khách hàng hoàn toàn có quyền kiện. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) phải phát huy vai trò của mình hơn nữa, vì quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Tuy nhiên, khi bê bối Khaisilk bị vỡ lở, nhiều ý kiến chia sẻ, vai trò của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục QLTT quá mờ nhạt. Thậm chí không loại trừ khả năng những đơn vị này "nhắm mắt" bỏ qua các sai phạm cho doanh nghiệp.
Theo đó, liên quan đến việc Công an Hà Nội chưa nhận được hồ sơ vụ Khaisilk do Chi cục QLTT gửi, hôm qua (1.11), phát biểu trên Báo Lao Động, ông Chu Xuân Kiên – Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho hay: “Đây là việc của hai bên chúng tôi, báo chí có việc gì thì gửi văn bản lên cơ quan. Trách nhiệm của chúng tôi phải làm ở mức cao nhất, đừng tranh luận về việc này nữa”.
Câu trả lời "cố đấm ăn xôi" của vị Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội khiến nhiều người bức xúc.
Lụa Khaisilk.
Cách đây không lâu, Chi cục QLTT Hà Nội cũng có báo cáo gửi Cục QLTT kết quả kiểm tra cửa hàng KhaiSilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).
Báo cáo nêu rõ do sơ xuất trong quản lý và trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20.10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn "Khaisilk Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.
Độc giả Báo Lao Động cho rằng, báo cáo của Chi cục QLTT Hà Nội không thuyết phục, có dấu hiệu mờ ám, đồng thời thắc mắc tại sao một vụ việc gian dối và kéo dài hàng chục năm mà hội không phát hiện ra. Có cần thiết phải duy trì hội không, bởi rõ ràng đang tồn tại một cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng vẫn bị lừa dối, không được bảo vệ?
“Quản lý thị trường hay thị trường quản lý các ông? Hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu… tràn lan thị trường. Tôi hỏi các vị ở đâu trong sự hỗn loạn về kinh doanh?
“Nên giải tán hội này đi, không làm được cái gì cả, còn quản lý thị trường thì nên cảnh cáo một vài người để họ có bài học, rút kinh nghiệm. Bao nhiêu năm nay các ông ở đâu mà bây giờ mới lên tiếng, để cho người tiêu dùng phát giác rồi mới “câu việc” cho các ông”, là ý kiến của tài khoản Facebook Yến Trang.