Một bức ảnh chụp người cần thể hiện được sắc thái tình cảm người được chụp, và gợi cảm xúc nơi người xem. Sau đây là vài mẹo nhỏ giúp bạn “bắt hình” thành công hơn.
Chọn đối tượng chụp
Sai lầm lớn nhất của nhiều “thợ ảnh” nghiệp dư là tìm cách chụp toàn bộ người, từ đầu đến chân. Trên thực tế, chỉ nên cố gắng chụp nếu quần áo và phông nền xung quanh đáng chú ý (ví dụ như đồng phục nổi bật, cảnh thiên nhiên hữu tình). Cố gắng “bắt” được khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt và miệng- mắt và miệng là nơi thể hiện cảm xúc người rõ rệt nhất.
Ánh sáng
Thông thường, vị trí lý tưởng nhất khi chụp ảnh là mặt trời ở phía sau người chụp, hơi chếch về hai bên một chút. Vị trí này giúp ánh sáng toả đều lên mặt người được chụp, mô tả hình khối khá tốt. Cách tốt hơn là người cần chụp đứng trong bóng râm, phông nền phía sau cũng tối. Không như mắt người, máy ảnh không phân biệt được rõ khu vực sáng-tối, đặc biệt là ánh nắng mặt trời trực tiếp- bóng râm sẽ giúp máy bắt hình tốt hơn. Đó cũng là lý do chụp ảnh chân dung vào ngày râm mát đẹp hơn bình thường. Nếu cần, dùng flash để giúp khuôn mặt người chụp “toả sáng” và tạo bóng đổ. Nhưng nếu cảm thấy có khả năng, bạn có thể chọn hướng ánh sáng sáng tạo một chút, ví dụ như từ bên trái hoặc bên phải. Cần chú ý tránh hiện tượng ngược sáng, nguồn sáng ở phía sau đối tượng chụp.
Ống kính
Nếu có điều kiện, bạn nên sử dụng loại ống kinh 135 mm. Ống kính góc rộng chụp đám đông khá tốt, nhưng lại làm “méo mó” khuôn mặt người cần chụp. Hướng tiêu điểm vào đôi mắt thay vì toàn bộ đầu để “cân bằng” ảnh. Đặc biệt, nhớ ngồi xuống khi chụp ảnh trẻ em, ngang với tầm mắt nhìn của trẻ.
Chuẩn bị chụp
Luôn chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh thay vì bắt mọi người đứng xếp hàng chờ chụp. Vui cười, nói chuyện với họ để đạt sắc thái tự nhiên nhất khi chụp- bức ảnh thành công là bức ảnh tất cả mọi người đều đang cười vui vẻ. Và cuối cùng, tập sử dụng chức năng hẹn giờ để chính bạn cũng được góp vui trong các bức ảnh chụp cả gia đình!