Các vòng thi tương tự những cuộc thi sắc đẹp với: trình diễn áo dài, trang phục thể thao, trang phục dạ hội, ứng xử; tiền thưởng cao ngất ngưởng, hơn cả giải của hoa hậu…, các cuộc chơi dành cho tuổi teen hiện nay có thật sự teen?
“Già” hơn tuổi
Chưa lúc nào các sân chơi, cuộc thi dành cho tuổi mới lớn - từ ca hát, nhảy múa đến sắc đẹp lại rầm rộ như hiện nay: HotVteen, H2teen, Bước nhảy xì tin, K4teen, Miss Teen - Ngôi sao tuổi teen, Sứ giả học đường (trước đó còn gọi Mr & Miss Teen), Vietnam Super Star Contest 2009…
Trong số đó, không phải sân chơi nào cũng thuần chất teen, trong sáng và đúng với lứa tuổi học trò.
Thực tế cho thấy, trên một số trang web của cuộc thi lẫn thông cáo báo chí mà nhà tổ chức công bố, không chỉ nội dung cuộc thi “quá cỡ” so với lứa tuổi, thời gian kéo dài ảnh hưởng đến việc học mà giải thưởng cũng quá… tầm (sử dụng) của các bạn (trên 100 triệu). Riêng các thí sinh thì đa số đều “diện”, từ cách trang điểm đến trang phục, cách thể hiện mình đều… già hơn tuổi.
Mặt khác, tuy những ngày thi đều diễn ra vào cuối tuần, nhưng việc tập trung cũng như về lại địa phương, rồi tập luyện, chuẩn bị cho cuộc thi (lẫn một năm làm đại sứ cho chương trình đối với thí sinh đoạt giải cao nhất, như cuộc thi Sứ giả học đường)… không thể không ảnh hưởng đến việc học.
Như vậy teen có nổi tiếng, “siêu sao” cỡ nào mà “thiếu điểm” trong việc học - nhiệm vụ quan trọng nhất của các bạn - liệu có được các bậc phụ huynh hoan nghênh, có “ghi điểm” trong mắt người hâm mộ? Chưa kể, nếu đoạt giải và nếu “được các công ty thời trang để ý hay bạn sẽ trở thành một diễn viên hay người dẫn chương trình nổi tiếng” (như trang web Miss Teen giới thiệu sức hấp dẫn cuộc thi), thì càng ít có thời gian học hành. Teen hay hoa hậu tranh tài?
ICON 2009 do báo Hoa Học Trò tổ chức là một trong số ít cuộc thi dành riêng cho teen và đượcđón nhận nhiệt thành, trong sáng
Ở cuộc thi Sứ giả học đường (Báo Màn ảnh Sân khấu - Thế giới Nghệ sĩ, Công ty cổ phần giải trí Thiên Thần, Công ty TNHH Thỏ Xinh phối hợp tổ chức), tuy vẫn có phần thi kiến thức phổ thông, nhưng khi vào chung kết (tháng 10, 11.2009), các thí sinh sẽ tham gia hoạt động ngoài trời, giao lưu, sinh hoạt và sống cùng các hộ dân (diễn ra tại Vũng Tàu); rồi tham gia công tác sứ giả, cùng BTC thăm các mái ấm, trại trẻ mồ côi, người già neo đơn… (diễn ra ở TP.HCM); trải qua những phần thi y như hoa hậu: trình diễn trang phục thể thao, trang phục truyền thống, trang phục dạ hội, thi tài năng, ứng xử.
Tương tự, với Miss Teen – Ngôi sao tuổi teen (do Đài truyền hình kỹ thuật số cùng VTC Game đồng tổ chức), Ban tổ chức đã giới thiệu ngay sức hấp dẫn của giải thưởng trên trang web: các chuyến du lịch, học bổng, tiền mặt, các khóa đào tạo, gương mặt đại diện, tài trợ trang phục, tài trợ mỹ phẩm - trang điểm, gương mặt của tạp chí, báo, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nghệ thuật, các cuộc thi quốc tế về sắc đẹp.
Không chỉ vậy, tham gia cuộc thi, ngoài việc khám phá bản thân, thí sinh có cơ hội “trở thành ngôi sao” và “cho thế giới biết mình là ai”. Nếu chỉ là sân chơi dành cho lứa tuổi học đường, thì có cần phải quảng bá với những thu hút kiểu “người lớn” như thế?
Chưa kể, 20 thí sinh xuất sắc sẽ tham gia tuần lễ chung kết (khoảng tháng 10.2009), với nhiều hoạt động không khác mấy so với các cuộc thi sắc đẹp: tập trung luyện tập biểu diễn, giao lưu văn hóa, đêm hội thời trang, đêm hội tài năng, hoạt động bình chọn…
Sáng tạo và đầu tư cho những sân chơi tuổi teen, cho các bạn có nhiều cơ hội thể hiện mình, đó là việc làm đáng ghi nhận của nhà tổ chức.
Nhưng với những gì đang và sắp diễn ra dành cho lứa tuổi này (lẫn “kết quả” từ những sân chơi ấy, với những gương mặt hot girl, hot boy… đang tạo cho dư luận cái nhìn chẳng mấy thiện cảm), thiết nghĩ những người tổ chức cần cân nhắc (trước khi thực hiện) và điều chỉnh sao cho hợp lý hơn (trong quá trình diễn ra) để hình ảnh các thí sinh thực sự là vẻ đẹp đại diện cho lứa tuổi này.
Nguồn: Thanh Niên