Nghệ thuật - blog 2009-06-04 02:22:56

Cảnh Sát Giao Thông & Thường Phục ;;)


Tai nạn giao thông có thể gây ra tai họa vô cùng thảm khốc, nhưng nó lại thường xảy ra vì sự bất cẩn nhiều hơn là vì một “âm mưu”. Để hạn chế tai nạn giao thông, không ai sử dụng “trinh sát mật” hay “đặc tình” mà chủ yếu công khai nhắc nhở những người đi đường cẩn thận. Thế nên mới rất ngạc nhiên khi Thông tư 27 của Bộ Công an lại “cho phép lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) được mặc thường phục để tuần tra, kiểm soát”.






Những CSGT “hóa trang” này “khi cần, sẽ bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; có quyền chặn người đi đường”. Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, cục phó Cục CSGT, giải thích rằng: “Nhiều trường hợp xe không mang biển hay lắp biển giả để đi cướp, khi bị phát hiện thì tìm mọi cách chống trả quyết liệt hoặc bỏ chạy… Rất cần một bộ phận mặc thường phục phát hiện, tạm giữ, sau đó phối hợp với lực lượng công khai”.

Những đối tượng đã “mang biển số giả để đi cướp” thì phải được coi là “tội phạm hình sự”, cảnh sát hình sự có đủ lực lượng và khi cần thì phối hợp với CSGT chứ không thể để cho CSGT mặc thường phục “đi theo bọn chúng”. Mặt khác, những “phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ” như camera, máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn… tại sao lại phải sử dụng trong “bí mật”?

Camera, máy bắn tốc độ… thường được chính quyền các nước lắp đặt ở những nơi mà việc vi phạm luật giao thông có thể gây ra nguy hiểm. Thay vì lén lút, bí mật, chính quyền thường đặt các tín hiệu báo trước cho lái xe biết họ sắp chạy qua nơi có máy bắn tốc độ hay camera. Bởi, mục tiêu của cảnh sát là nhằm hạn chế số người vượt ẩu, phóng nhanh, chứ không phải để thu tiền hay trừng trị.

Không như những đồng phục thông thường, bộ sắc phục cảnh sát là biểu tượng quyền lực nhà nước ở nơi công cộng. Khi một người mặc bộ sắc phục ấy, đồng nghĩa với việc người đó bắt đầu chính thức đón nhận sự ủy quyền để hành xử quyền lực công thay vì để đi karaoke hay đám cưới. Chính vì thế mà ở nhiều nước, kể cả Sài Gòn trước năm 1975, cảnh sát được phép mặc thường phục sau khi từ sở làm ra, để anh ta có thể đón con, đón vợ hay uống vài ly bia… bởi cứ mặc bộ cảnh phục ra đường thì nếu người dân cần là ngay lập tức phải thi hành nhiệm vụ.

Ở nơi công cộng, bộ cảnh phục là dấu hiệu để người dân có thể phân biệt giữa một người được ủy quyền thi hành quyền lực công với một người đang dùng quyền ấy bất hợp pháp. Cảnh sát giao thông mặc sắc phục mà vẫn còn có nhiều trường hợp lạm quyền. Thậm chí, nhiều trường hợp tội phạm đã giả dạng cảnh sát để dễ dàng “gây án”. Bắt tội phạm giả dạng trong bộ cảnh phục mà còn không đơn giản; tính mạng của người dân sẽ ra sao khi họ phải dừng xe khi nghe bất cứ ai xưng là cảnh sát, nhất là giữa đêm khuya?

Tình trạng vi phạm luật giao thông rõ ràng là rất cần chấn chỉnh. Nhưng nếu đưa ra những biện pháp bắt đầu từ cảnh sát thì nên phân tích nguồn gốc sâu xa. Sở dĩ, người dân chưa coi những cảnh sát đứng đường như là một hình ảnh duy trì trật tự giao thông, vì: nhiều khi ở nơi kẹt xe, mong mỏi mắt, thì không thấy cảnh sát đâu; ra khỏi chỗ kẹt xe lại thấy họ đang “núp lùm” đâu đó. Cảnh sát lẽ ra phải trở thành chỗ dựa cho lái xe những lúc chạy đường xa thay vì với các lái xe đó lại là một mối bận tâm, lo lắng. Tính biểu tượng của uy lực nhà nước sẽ không còn trọn vẹn khi mà người đi đường, đặc biệt là lái xe vẫn thường phải ra dấu cho nhau báo hiệu “có cảnh sát” mà không phải là để nhắc nhau tôn trọng luật pháp hơn.

Bất cứ một quy định nào được ban hành ra cũng đều có những mục tiêu riêng. Nếu để tăng cường trật tự giao thông thì CSGT không cần phải “cải trang”. Bản thân bộ cảnh phục đã trao cho họ đủ quyền uy. Nếu muốn người dân chấp hành thì hãy giữ cho biểu tượng quyền lực ấy được mọi người tôn trọng.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)