Giết bạn học ngay trước cổng trường, nói tục chửi bậy, xả rác bừa bãi, điện thoại chứa thông tin, hình ảnh 'đen' … là thực trạng đáng báo động về đạo đức học sinh nhưng năm gần đây. Đây là những lo ngại về tình trạng suy thoái đạo đức của học sinh Thủ đô được các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo nêu tại buổi hội thảo Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong trường học do Sở GD - ĐT Hà Nội tổ chức ngày 2/10.
Theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD - ĐT Hà Nội), thống kê 5 năm qua trên địa bàn có hàng chục vụ bạo lực học đường, đâm chém nhau giữa các học sinh gây mất an ninh, trật tự trường học. Đáng chú ý, có vụ một nữ sinh THPT Xuân Mai dùng dao nhọn đâm chết bạn ngay tại trường vì… yêu đương. Thương tâm hơn cả là vụ một học sinh trường THCS ở huyện Thường Tín giết chết em chỉ vì thiếu tiền chơi game. Riêng năm 2008, có hai vụ giết người, hai vụ hiếp dâm do học sinh gây ra. "Những sự việc trên đã để lại hậu quả nặng nề, rất phản giáo dục", ông Nhật xót xa.
Những kiểu hành xử vô văn hóa của các nữ sinh… dường như ngày càng nhiều!
Hằng ngày tiếp xúc với học sinh và chia sẻ những vấn đề về đạo đức của các em, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Hiệu phó THPT Việt Đức, lo ngại: khi kiểm tra điện thoại của học sinh, cô giáo phát hiện có nhiều thông tin, hình ảnh gây… 'bất ngờ'. Ngoài ra, cô cũng chứng kiến không ít học sinh nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi ngay dưới sân trường, mà không biết ngượng.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam đưa ra một con số giật mình: có tới 64% học sinh THPT nói dối, trong khi tỷ lệ này ở các em học sinh THCS và Tiểu học thấp hơn.
Hiệu Phó trường THPT chuyên Nguyễn Huệ Lê Minh Hương cho rằng, hiện nhà trường chỉ quan tâm tới dạy chữ cho học sinh, chứ chưa quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống. "Phần lớn các trường chỉ quan tâm tới tỷ lệ học sinh khá, giỏi, đỗ tốt nghiệp và đại học, mà không để ý trong năm học đó có bao nhiêu học sinh ngoan", bà Hương bức xúc.
Lê la quán xá và chửi bậy là thói quen của khá nhiều học sinh.
Từ khía cạnh là đơn vị điều tra, phòng chống tội phạm, ông Nguyễn Văn Tính, Phó phòng Điều tra tội phạm, Công an thành phố Hà Nội cảnh báo: nhiều gia đình chiều chuộng con cái quá mức như sắm xe máy, nữ trang… đắt tiền cho con đến trường, dễ khiến các cháu bị cướp giật và vi phạm luật giao thông. "Ngoài ra, học sinh bây giờ có thể tiếp cận thường xuyên với phim ảnh, internet và tư tưởng bạo lực, lại thiếu sự quản lý của gia đình và nhà trường nên các cháu dễ phạm tội", ông Tính nói.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội nhấn mạnh: yêu cầu lãnh đạo trường cần coi công tác giáo dục đạo đức, lối sống phòng chống tội phậm và các tệ nạn xã hội trong trường học là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong năm học. "Các trường không nên chỉ chăm chú vào dạy văn hóa để chạy đua thành thích, mà cần phải đánh giá thực trạng nguyên nhân của công tác này trong nhà trường để có các biện pháp thực hiện hợp lý", ông Hiếu nói.