[justify]Tâm sự của “les”[/justify]
[justify]Một nữ đồng tính tại TP.HCM nửa muốn “lộ diện”, nửa còn e ngại - Ảnh: Như Lịch[/justify] |
[justify]“Tại sao Zendz không “come out” hoàn toàn? Bạn ngại điều gì nhất?” - tôi thắc mắc. “Thương ba mẹ quá, mình sợ ba mẹ sẽ buồn khi biết sự thật”. “Ba mẹ có bao giờ hỏi về chuyện người yêu hay giục Zendz lấy chồng?“. ”Ba mẹ cũng tôn trọng cuộc sống riêng của mình. Tuy nhiên, ba mẹ không cùng thế hệ nên khó chia sẻ. Cách đây một năm, mẹ mình nói bâng quơ: Bao giờ mẹ có cháu bồng đây? Mình nghe câu nói đó cũng thấy buồn và bối rối. Thực ra, ba mẹ cũng muốn mình thuộc về số đông, vẫn mong mình lập gia đình, nhưng…”. “Bạn chờ đến khi nào mới thổ lộ bí mật với ba mẹ?”. Zendz: “Mình muốn khi nói ra thì ba mẹ nghĩ đó là quyết định, suy nghĩ chín chắn của mình chứ không phải do ai tác động hay còn bồng bột”.[/justify]
[justify]Một “les” khác có nickname là Farewell - thuộc ban điều hành website bangaivn.net cho biết bản thân rất đồng cảm với nhân vật chính trong bộ phim về “les” là Saving Face (Thể diện). Theo Farewell, giới “les” có mối ràng buộc chặt chẽ với gia đình hơn, kể cả với những người đã tự lập kinh tế, sống riêng. Điều họ sợ nhất là sau khi công khai chính là gia đình, ba mẹ họ bị mất thể diện. “Một nguyên nhân quan trọng khiến một số người đồng tính tự tử chính là không chia sẻ được với gia đình“ - Farewell bộc bạch.[/justify]
[justify]Ivy, một admin của website thegioikhac.com cho biết cô đang hồi hộp sợ bị “lên thớt” vì mới đây cô thổ lộ câu chuyện thực của mình trên một tờ báo. Thực ra, Ivy cũng chỉ mới “bước một chân ra cánh cửa ánh sáng”. Bởi lẽ, cô vẫn giấu tên thật và hình ảnh của mình. Ivy tâm sự, năm 17 tuổi, cô có cảm giác lạ lẫm và khó hiểu khi phát hiện mình thích một nữ sinh cùng trường. Để thử nghiệm bản thân, Ivy cũng từng quen bạn trai. Tuy nhiên, cô không cảm thấy rung động với người khác giới… Được biết, lâu nay Ivy sống với cha mẹ nuôi. Ivy nói: “Cha mẹ ruột đã khó mở lời. Cha mẹ nuôi càng khó nói hơn, vì họ cưu mang mình. Mình thấy áp lực tăng lên gấp bội nếu làm cho họ sốc! Đôi khi mình nghĩ, thà như làm kẻ mồ côi như trước đây thì mình dễ “come out” hơn!”.[/justify]
[justify]Trong khi đó, Hồng - một nữ đồng tính làm DJ (chỉnh nhạc) trong một quán bar luôn giữ bí mật cô là “les” ở nơi làm việc. Lý do Hồng đưa ra là khi lộ diện, công việc của cô sẽ bị ảnh hưởng. Hồng chưa dám nghĩ đến thời điểm cô sẽ nói thật về mình.[/justify]
[justify]Sợ không được chấp nhận[/justify]
[justify]Cuối tháng 5.2009, Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSEE) tại Hà Nội cho công bố kết quả nghiên cứu ban đầu đề tài “Vài nét về những người nữ yêu người nữ”. Phỏng vấn sâu hơn 30 người ở Hà Nội với nghề nghiệp đa dạng, trong độ tuổi 7x và phần lớn là 8x hoặc đầu 9x, những người thực hiện đề tài nhận thấy đa số những người nói trên giữ bí mật với gia đình; chỉ có một số nhỏ chủ động “lộ diện”. Bên ngoài xã hội, số đông những người được phỏng vấn cảm nhận sự kỳ thị đối với xu hướng tính dục của họ. Trong khi đó, những người chưa lộ diện cho biết không phải trải qua sự kỳ thị, phân biệt hướng đến mình. Nếu có, đó là sự kỳ thị gián tiếp như nghe lời bàn tán, xầm xì…[/justify]
[justify]Trên những website dành cho giới “les”, chuyện có nên “come out” hay không luôn nhận được rất nhiều ý kiến tham gia. Trong đó, có những “les” bày tỏ sự e ngại: Come out - Vui thì vui, lo thì lo!; Chẳng biết nói gì ngoài một câu: con xin lỗi; Làm sao để gia đình chấp nhận?… Đặc biệt, từ cuối tháng 4 cho đến giữa tháng 5.2009, website thegioikhac.com còn tổ chức cuộc thi với chủ đề Sống thật. Và đây là một đoạn trong bài viết đoạt giải nhất của bạn Nguyên Nguyên gửi đến ba mẹ mình: “Chợt nhớ đến điều con nói, rằng con sẽ nói những sự thật về con năm 25 tuổi với ba mẹ mà rùng mình. Có thật con sẽ làm điều đó vào mùa xuân này? Hơn vài lần con nghĩ thế, hơn vài lần con quyết định thế, nhưng càng cận ngày về, con càng thấy sợ hãi, càng sợ sự đối diện ấy…”.[/justify]
[justify]Nhận xét về sự bước ra ánh sáng của “les”, SAS - một nam đồng tính (gay), thành viên nhóm ICS nói: “So với giới “gay”, “les” ít dám “come out” hơn. Đó là vì xã hội còn kỳ thị người đồng tính và một phần vì bản tính kín đáo của họ. Theo tôi, nếu có những người “les” đứng ra nói cho cộng đồng sự có mặt của họ trong đời này thì sẽ là tốt hơn là cứ giấu kín”.[/justify]
[justify]
[justify]Nhìn chung, gia đình còn chưa chấp nhận khi biết về sự thật đồng tính của con, em mình. Đau khổ; cấm đoán; thúc ép lấy chồng; thậm chí có trường hợp tự tử… là những dạng phản ứng thường gặp ở gia đình sau khi “les” lộ diện hoặc bị lộ diện (trích kết quả nghiên cứu “Vài nét về những người nữ yêu người nữ” của iSEE).[/justify] |