“Tụi em đi kiếm tiền phụ giúp gia đình, còn dư chút ít thì dành chơi điện tử”, An vừa nói vừa cúi người rút thanh sắt ra khỏi đống bê tông đã đập nát, tóc em đẫm mồ hôi dưới cái nắng Sài Gòn.
Con đường An đi là lối mòn mà nhiều người cho rằng đó là nơi “hành nghề” của đám nhóc tì nghiện game thuộc khu xóm nghèo sâu trong đường lộ chính thuộc Quận 9, TP.HCM.
Nhọc nhằn sinh nhai
Cái nhìn đầu tiên khi đến nơi là có đến gần 6 đứa trẻ đang hì hục đào bới đống rác, tìm kiếm cho mình thứ có thể đổi ra được tiền. Hết đống này đến đống khác, lũ trẻ như những tay hành nghề “ve chai” chuyên nghiệp trước cái tuổi đời non choẹt lẽ ra giờ phải được cắp sách đến trường học lớp 3, lớp 4.
Mới 11 tuổi, An dường như đã là “đại ca” của lũ trẻ. “May mắn lắm thì có ngày tụi em kiếm được khoảng 2 chục ngàn, còn bình thường thì chỉ được 10 đến 15 ngàn, có hôm được mỗi 5 ngàn”, An nói, ánh mắt vẫn dõi theo đôi tay trước đống gạch vụn lởm chởm sắt vụn kia.
Cả đám trẻ này đều không phải người miền Nam, hầu hết là dân tứ xứ theo gia đình dọn vào trong TP.HCM kiếm sống. Các em mới chỉ được học hết lớp 1, lớp 2, biết đọc vài câu ê a đã phải vội nghỉ học vì điều kiện gia đình không cho phép.
Ban ngày ở nhà không biết làm gì, bọn trẻ thường rủ rê nhau ra các quán game cạnh đó ngồi xem, cứ thế chúng đâm ra “nghiện game” tự bao giờ chả hay. Nghe đám đàn anh, đàn chị lớn hơn có vài tuổi chỉ cho cái nghề nhặt rác đổi ra tiền, thế là chúng tập tành làm theo. Với cái bao bố hay bịch nylon to tướng vác sau lưng, cứ thế sáng đến lũ trẻ kéo nhau lên đường hành nghề.
Trong những ngày nắng hè oi bức, đám trẻ vẫn miệt mài làm công việc không phải dành cho mình. Dần dần, cái bao đằng sau lưng ngày càng nặng, che hết thân hình gầy còm, ốm nhác của các em. Lết thết trên con đường đổ nhựa nóng bỏng với đôi chân trần, người ta chợt thấy nụ cười sung sướng của các em trên khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi hột. Có lẽ ngày hôm nay các em đã kiếm được kha khá thứ phế thải, có thể đổi ra được vài chục ngàn cũng nên.
Đến nơi thu mua phế liệu, các em vồ vập túm tụm vào nhau để giành đưa bịch của mình lên cân trước và hồi hộp đợi chủ mua phán giá. Nhận được tiền, không ai bảo ai, cả nhóm một mạch chạy đến quán nước mía bên kia đường, gọi ngay cho mình một bịch, có đứa đói quá thì chạy đi mua thêm nửa ổ bánh mì thịt gọi là “tẩm bổ”. Nghỉ ngơi chừng 5 phút, bọn trẻ liền kéo đến quán Net Đức Hạnh gần đó để vào chơi game.
Thỏa mãn đam mê
Tuy cùng xóm với nhau, cùng đi kiếm tiền, thế nhưng trò chơi mà các em tham gia lại hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn như An thì chơi Võ lâm truyền kỳ, còn đám trẻ còn lại đứa thì Đột kích đứa thì cày MU online, nói chung mỗi đứa mỗi kiểu. Nhưng cùng lắm các em cũng chỉ chơi vài tiếng đồng hồ là “nhiều lắm rồi”, một mặt vì số tiền hạn hẹp, mặt khác các em muốn mang về cho ba, mẹ mình ít tiền.
Xa quê, An buồn lắm vì phải chia tay mấy thằng bạn cùng làng. Vào đến TP.HCM rồi thì cũng chẳng có đất mà nô đùa ngoài căn phòng trọ nhỏ hẹp. Còn ba, mẹ em phải đi làm phụ hồ từ sáng đến tối, dằn dụm lắm mới đủ nuôi cả nhà.
An tâm sự: “Nhìn đám con nhà giàu chơi game xả láng mà thèm, thú thật tụi em cũng thích chơi game lắm, do không có tiền nên tự tạo điều kiện để mình được chơi game thôi. Nhiều cô, chú nhìn vào lại bảo tụi em nghiện nặng. Thích thì thích thế thôi nhưng tụi em không phải là đứa hư hỏng.”
Ngoài việc tự mình kiếm tiền chơi game thì ít nhiều An cũng biết dành dụm tiền phụ giúp ba, mẹ của mình. Game đối với em như một sân chơi ảo thay thế cho những trò nghịch ngợm, đánh đáo, đuổi bắt ở thôn quê.
Nhưng không hẳn đứa trẻ nào cũng được như An. Nam, bạn của em, đã được anh chủ quán Đức Hạnh đặt biệt hiệu là “Quân Sư Game”.
“Khách quanh vùng này hầu hết là sinh viên lẫn đám trẻ trong xóm trọ là chính. Khổ nỗi nhiều đứa nhỏ muốn chơi lắm nhưng không có tiền thế là chúng đành trở thành 'khán giả' ngồi ngoài xem và hưởng ứng một cách nhiệt tình”, anh chủ quán nói. “Thằng Nam mới 12 tuổi thôi nhưng coi bộ rành game lắm. Thằng này có tiền là chơi suốt, hết tiền thì ngồi chỉ, tham gia tranh luận với mấy tay chơi khác. Có khi nó còn sẵn sàng "chơi dùm" (canh dùm) cho ai đó nếu như người đó có việc bận đột xuất phải đi một lát”.
Nghe nhắc đến Nam, cậu bé An ngán ngẩm nói nhỏ: “Nó chuyên gia ăn trộm tiền của mẹ nó để chơi game đó. Có hôm em còn thấy nó ăn trộm xoong, chảo của nhà hàng xóm để đi bán nữa cơ”.
Bạn muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống của những em bé trong bài viết, có thể tham gia bình luận tại đây.