“… Tôi 18 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra phải đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tôi đã chấp nhận vùi mình trong những ánh đèn màu mờ ảo, đêm đêm nhảy nhót, hò hét với bia, rượu và khách. Ở đó chẳng ai biết tôi là ai…”.
Tôi đã chấp nhận vùi mình vào một thế giới khác… (Hình chỉ có tính chất minh họa).
Tôi ngỡ ngàng nhận ra em dưới vành mũ nan trong bóng chiều nhạt nắng. Không còn cái dáng điệu đà, chải chuốt của cô gái sành điệu, từ ánh mắt đến vành môi được tô vẽ bằng thứ mỹ phẩm đắt tiền không giấu nổi nét non thơ của cái tuổi 17. Em ngồi trước tôi bây giờ gầy guộc nhưng rắn rỏi trong quầy hoa quả giữa chợ huyện L.T.
Cơ may nào đã khiến em thay đổi nhiều đến thế? Em cười, nụ cười buồn nhưng xa vắng, khác hẳn vẻ bất cần đời khi tôi gặp em trên vũ trường cách đây 3 năm. Hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má hao gầy của cô gái có cái tên mỹ miều, Kiều Hoa. Cô bắt đầu câu chuyện trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Vỏ bọc giả dối
“Tôi là con gái duy nhất của một gia đình giàu có và trí thức. Bố tôi là Giám đốc công ty liên doanh. Mẹ là phó viện trưởng một Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành. Ai cũng nghĩ đó là một gia đình hạnh phúc.
Vì còn quá nhỏ, tôi không kịp hiểu hạnh phúc là gì. Trong tôi chỉ có khái niệm vui và buồn. Tôi thấy mình không được chăm sóc như những đứa trẻ khác. Nhà tôi không có lấy một bữa cơm đông đủ cho dù chỉ có ba người. Người thường xuyên chăm sóc tôi là bà giúp việc đã ngoài 60. Bà thì suốt ngày hì hụi với công việc. Tôi mang cái cảm giác bị bỏ rơi gần như suốt tuổi thơ. Bố mẹ thay nhau đi công tác. Người này về thì người kia lại đi như kiểu họ đang chạy trốn nhau. Ngôi nhà cứ như bị ma ám vậy. Lạnh lẽo và vắng vẻ đến nỗi luẩn quẩn trong ngôi nhà của mình mà tôi cứ có cảm giác rợn tóc gáy. Có một khoảng thời gian rất dài bố mẹ thường xuyên vắng nhà. Bố mẹ tôi là người miền trong ra Hà Nội lập nghiệp nên họ hàng chẳng có ai. Thậm chí, khi tôi dậy thì, người chỉ bảo tôi cũng là bà giúp việc. Tôi cảm thấy tủi thân khi người ở bên cạnh tôi lúc đó không phải là mẹ.
Học lớp 10, tôi bắt đầu nhận thấy sự bất ổn giữa bố mẹ nhưng rất mờ nhạt. Và rồi lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi nghe thấy họ đay nghiến nhau trong phòng ngủ:
- “Vứt cái bằng thạc sĩ dỏm của cô đi xem cô có khác gì một con điếm cao cấp không? Nếu không thì cô có trèo mọt kiếp cũng không lên nổi các ghế phó viện trưởng ấy”.
- “Thế anh nghĩ là anh tự đứng trên đôi chân của mình chắc? Nếu không có tôi thì bây giờ anh vẫn chỉ là một thằng kỹ sư lương ba cọc ba đồng…”.
- “Tôi thật sai lầm khi mang tiếng là chịu ơn những kẻ đê tiện, và sai lầm hơn cả là đã lấy cô và có chung với cô một đứa con, mà chắc gì nó đã phải là con tôi. Dù nó có là con ai đi nữa, tôi chỉ mong sao nó lớn sẽ không nhiễm cái thói đĩ thõa của người đàn bà đã đẻ ra nó”.
Tôi cảm thấy trời đất như sụp đổ dưới chân. Và tôi hiểu lý do vì sao bố mẹ tôi, cứ người này về là người kia lại vội vã bước đi. Thật khủng khiếp!
Những cú trượt để quên mình là ai
Tôi đã học đến lớp 11, sống trong nỗi mặc cảm về một gia đình “không cơ bản”. Tôi không hiểu tôi đã lớn lên như thế nào và bằng những đồng tiền sạch hay bẩn. Chỉ biết sự thất vọng về gia đình cứ ngày càng xâm chiếm tôi. Bố không về nhà nữa. Mẹ cũng không đoái hoài gì đến tôi. Nhiều lần tôi muốn chạy lại ôm lấy bà nhưng khoảng cách giữa chúng tôi quá lớn. Hình ảnh của bà cứ nhạt nhòa dần trong tôi từ đó.
Chán chường, tôi tụ tập với một nhóm bạn xấu. Chúng rủ tôi tham gia vào những chuyến “dạt nhà” vì tôi thường xuyên có nhiều tiền. Hai tuần đi như thế tôi có cảm giác nhớ nhà vô cùng. Tôi thấy tôi không hề giống chúng nó - những kẻ giang hồ. Tôi muốn về nhà. Tôi muốn bắt gặp gương mặt lo âu của bố, ánh mắt mong mỏi của mẹ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Mọi thứ không có gì thay đổi trong ngôi nhà “ma ám” ấy ngoài tiền tiêu vặt mẹ để trong ngăn tủ thì cứ nhiều thêm. Sự thất vọng kinh khủng hơn trước đó rất nhiều. Nhưng sao tôi không thể khóc mà điều đầu tiên là tôi vơ hết số tiền trong ngăn kéo rồi đến tìm bọn nó. Chúng cười khoái trá khi thấy tôi đến.
Tôi chính thức bị đuổi học từ cuối năm lớp 11 và những trò quậy phá của chúng bắt đầu hấp dẫn tôi. Từ một đứa con gái ngoan hiền tôi trở thành một đứa bụi đời và tiếp tục những chuyến “dạt nhà” vô thời hạn. Tôi bước hẳn vào một thế giới khác. Thế giới của những gì người ta gọi là nhơ bẩn và bắt đầu những bước trượt dài vào quãng đời đen tối. Tôi nhận lời tham gia vào một đường dây “gái gọi” cao cấp. Tôi 18 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra phải đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tôi đã chấp nhận vùi mình trong những ánh đèn mầu mờ ảo, đêm đêm nhảy nhót, hò hét với bia, rượu và khách. Ở đó chẳng ai biết tôi là ai.
Tôi “cặp” với những ông đầu hói, mắt cận, đáng tuổi bố mình… Họ tưới bia và rượu, nhét tiền vào người tôi. “Công việc” vỡ vạc dần sau những lần “đi” khách. Tôi không cần tiền nhưng vẫn đưa tay nhận nó một cách thản nhiên. Tôi vẫn như con thiêu thân lao vào hầu hết cuộc chơi này đến cuộc chơi khác, bất kể tối ngày. Tôi phải dùng rượu để quên mình là ai và để lả lơi “chiều” khách. Tôi hiểu trong tôi vẫn đau đáu về một điều gì đó mà chưa thể gọi tên, chẳng biết mình phải làm gì và bắt đầu từ đâu.
Có lần tôi hỏi con Thanh “sứt” : “Mày ước điều gì trong cuộc sống này?”. Nó trả lời: “Muốn tiền, muốn thuốc” rồi ngửa đầu cười ngặt nghẽo sau đó lại gục xuống khóc rưng rức. Trong lòng nó cũng đau đớn lắm. Thế giới của tôi và nó là thế giới của những kẻ nhơ nhớp và đê tiện. Dân giang hồ trả thù nhau như cơm bữa. Tôi bị hai trận “thừa sống thiếu chết”. Nhưng có điều lạ khi bản thân cận kề với cái chết lại không có cảm giác đau đớn hay sợ như khi chứng kiến người bên cạnh mình cận kề với cái chết. Con Thanh bị “sốc” thuốc, chết rồi, chết ngay trên tay tôi, chỉ kịp gọi “Mẹ ơi” nhưng không hết câu. Nhìn nó nằm giãy giụa, mắt trợn lên… Nghĩ lại mà đau. Nhưng nó chết sẽ đỡ khổ hơn vì nó nghiện nặng quá.
Lối về…
Sau cái chết của nó, tôi thấy sợ hãi khi nghĩ rồi một ngày tôi cũng sẽ chết giống như nó. Nhưng liệu có ai ở bên cạnh tôi như tôi đã ở bên cạnh nó? Rồi một lần “đi” khách về khuya, tôi bàng hoàng bắt gặp một đứa bé bị quấn chặt trong đống tã ướt mèm, nằm trên bệ đá ven đường. Tôi lại gần, bế đứa bé lên và nghĩ ngay đến một người mẹ trẻ bất hạnh nào đó đã bỏ rơi nó để tìm lối thoát cho riêng mình. Tôi bật ra lời nguyền rủa cô ta. Tôi cảm thấy nó có vẻ yếu vì da mặt nó hơi lạnh và quyết định mang nó tới bệnh viện. Ngộ nhỡ điều gì xảy ra thì thật tội cho cả nó lẫn tôi. Quả là nó yếu thật. Trong tâm trạng lo lắng và bối rối tôi đã nhận là mẹ đứa bé. Bác sĩ mắng tôi là người mẹ bất cẩn. Sau lời nói ấy tôi thấy mình có trách nhiệm với nó. Rồi nó cũng khỏe trở lại. Tôi bế nó chạy băng bằng ra khỏi cổng bệnh viện, rồi chững lại phân vân, không biết phải làm gì với nó. Tôi không thể đưa nó vào trại trẻ mồ côi cũng không thể để nó lại ngoài đường như mẹ nó, để rồi ai đó lại nhặt được, lại đưa nó vào bệnh viện. Mà có thể nó cũng sẽ chẳng gặp được ai… Ôm nó trong tay tôi cảm nhận được hơi thở của nó trong cơn ngủ im lìm. Một số phận, một con người thật đang nằm trên tay tôi đấy chứ. Tôi bật khóc và nghĩ rằng cuộc đời nó cũng chẳng khác cuộc đời tôi là mấy. Tôi nghĩ tại sao tôi không thể nuôi nó dù biết chắc chắn sẽ rất vất vả với một đứa con gái chưa tròn 20 tuổi và chưa một lần làm mẹ như tôi.
Công việc thật vất vả. Tôi không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào bởi những người xung quanh tôi họ ở một thế giới khác. Tôi trách mình thật nhiều và nghĩ thật tội cho con bé. Nhưng rồi tiếng khóc của nó đã giúp tôi hòa nhập vào với cuộc sống của những người ở đó. Họ không hỏi tôi vì sao mà giúp tôi trông nom hay dỗ con bé mỗi khi nó khóc. Nó không được ăn sữa mẹ. Mọi thứ thay đổi từ khi tôi mang con bé về. Tôi quyết định rời bỏ công việc đốn mạt ấy, tạm sống và chăm sóc cho nó bằng số tiền ít ỏi còn lại. Tôi cảm ơn con bé thật nhiều và bắt đầu mong muốn một cuộc sống bình thường như bao người khác.
Những tưởng muốn dứt ra là được. Trước khi rời khỏi cái thế giới ma quỷ đó để trở về, tôi phải nếm một đòn nhừ tử của đám bảo kê trong đường dây “gái gọi” trên vũ trường. Sau nhiều lần từ chối “đi khách” và trốn không gặp, bọn chúng cũng đã mò thấy tôi. Tối đó, tôi đi mua thuốc cho con bé, lúc về thì… Tôi quằn quại hứng chịu trận đòn của bọn đê tiện ấy. Toàn thân đau nhức mà trong đầu tôi chỉ vang lên tiếng khóc của con bé. Tôi đã nghĩ rằng hôm đó tôi sẽ chết nhưng còn con bé, ai nuôi nó? Tôi quỳ xuống lạy chúng nó tha cho. Cho đến bây giờ nghĩ lại, nếu như hôm đó tôi không quỳ xuống thì chắc tôi đã không có cơ hội để đứng lên như hôm nay.
Sau đó tôi quyết định đưa con bé đến một nơi khác để được thực sự yên ổn. Tôi bồng con bế về đây với hy vọng tìm được một người quen mà có lần mẹ tôi nhắc đến để xin nương tựa một thời gian. Nhưng gia đình họ đã chuyển đi đâu không rõ. Trời nắng nóng. Con bé khóc thét lên. Một bà hàng xóm thương tình bảo tôi về nhà bà nghỉ ngơi đã rồi đi đâu hãy đi. Rồi thì tôi kể cho bà nghe về cuộc đời tôi và về thân phận của đứa bé. Bà đã khóc rồi ôm chặt lấy tôi và cháu : “Cả đời mẹ cô quạnh, bất hạnh, nay lại gặp con. Hay con và cháu ở lại với mẹ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Nếu con chê thì mẹ đành chịu vậy!”. Tôi không nghĩ rằng điều đó lại có thể xảy ra khi chúng tôi gần như ở bước đường cùng. Vậy là cuộc đời vẫn còn ngã rẽ cho tôi…”.
Vừa kể đến đây thì cụ già vẻ mặt phúc hậu một tay dắt bé gái kháu khỉnh, một tay che nón bước vào: “Trả con cún cho mẹ mày này, bà sang xin ông Tứ nắm lá trầu về tắm cho cún rồi về nấu cơm mời chị đây ăn cùng cho vui”.
Đưa tay đón con bé, nét mặt của Hoa giãn hẳn ra. Dẫu những giọt nước mắt vẫn chảy dài trên má nhưng tôi hiểu đó là những giọt nước mắt của niềm tin và hy vọng vào cuộc sống của một con người đã từng trải qua bất hạnh.
Thấy con bé tròn xoe đôi mắt nhìn mẹ, tôi không hỏi thêm gì về gia đình em ở Hà Nội nữa. Vậy là ba cuộc đời bất hạnh đã tìm đến nương tựa vào nhau. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ ấy đã râm ran tiếng nói cười.