(2!ĐẸP)-Teen hoá không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Một ví dụ rõ ràng nhất là xu hướng Kawaii của Nhật Bản. Không đất nước nào trên thế giới mà già trẻ, nam nữ đồng lòng cuồng mộ sự dễ thương – kawaii như Nhật Bản.
Dễ thương hóa cuộc sống không phải là một mốt nhất thời của người Nhật, hay một trò giải trí mang tính quốc gia. Kawaii đã trở thành đặc điểm văn hóa của nước Nhật và người Nhật hiện đại. Điều này bắt nguồn từ suy nghĩ và cách sống hòa nhã của Nhật Bản: Dễ thương hóa bản thân và môi trường xung quanh giúp con người xích lại gần nhau hơn.
Nước Nhật được bao phủ bởi kawaii. Kawaii không chỉ để giảm stress, làm đất nước lạ trong mắt người ngoài, vì lối sống hòa nhã…. Người Nhật có những lý lẽ khác để kawaii, kawaii …
Hình ảnh đại diện cho Sở Cảnh Sát Tokyo là
Pi-Po Chan, một chú chuột hoạt hình to lớn trong bộ cảnh phục. Nước ngoài nhìn vào Pi-Po Chan có thể cho rằng cảnh sát Tokyo không nghiêm túc trong hình ảnh của mình. Nhưng người Nhật lại nghĩ Pi-Po Chan giúp họ gần với các anh cảnh sát nghiêm nghị hơn. Cảnh sát đâu phải để đe dân, họ là người giữ an bình, hòa đồng xã hội và củng cố trật tự. Họ nên gần gũi và đáng yêu trong mắt người dân.
Mở tài khoản trong một ngân hàng Nhật Bản, khách sẽ được mời lựa chọn những mẫu credit card và sổ ngân hàng in hoạt hình rất độc đáo, từ Hello Kitty, Doraemon đến Pokemon. Cùng với design thẻ mới chọn, khách sẽ được tặng một chiếc khăn lông to bự hay một giỏ đi chơi rất cute mang cùng hình nhân vật trên thẻ để sưu tập.
Design kawaii đã biến những chiếc thẻ ngân hàng thành món sưu tập đầy mê mẩn. Không ít du khách nước ngoài tuy chỉ lưu lại Nhật vài ngày cũng ráng mở tài khoản để đem thẻ về làm kỷ niệm. Ngân hàng thế là hốt bạc.
Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản cho sơn hình Pikachu cười toe toét, màu vàng chói lọi trên thân những chiếc máy bay Boeing 747. Đây là cách họ tách biệt mình ra khỏi những biểu tượng cao sang nhưng dễ nhầm lẫn của các hãng hàng không khác. Nhìn Pikachu bay bay, ai cũng biết ngay đó là máy bay từ Nhật Bản. Nhưng nhìn một chú chim trên thân máy bay thì khó đoán, vì ít nhất cũng có vài hãng mang biểu tượng này.
Một Xã Hội Già Cỗi “Dễ Thương”!Kawaii được cổ vũ không chỉ vì nó giúp nước Nhật xuất khẩu văn hóa, mà còn vì nó là cần câu cơm hiệu quả của các nhà kinh doanh.
Những người mê kawaii nhất là teen và giới trẻ. Và họ cũng thuộc thành phần thoải mái chi tiêu nhất. Họ có thể đang gặp rắc rối tài chính, nhưng vẫn không ngần ngại “vung tay quá trán” cho các món hàng kawaii để nuông chiều bản thân. Họ buộc mọi thứ quanh mình phải kawaii. Thậm chí những cửa hàng trong khu phố mua sắm nổi tiếng Tokyo là Shibuya và Harajuku mà không bán những món kawaii, trưng bày, trang trí cửa hàng theo lối kawaii thì chắc chắn sẽ ế chỏng gọng.
Mê kawaii, có thể lý giải rằng người Nhật có tâm hồn tươi trẻ. Nhưng kawaii không phải chỉ đại diện cho những phát triển tích cực của xã hội Nhật. Mà cả tiêu cực. Việc những người trẻ say mê các món dễ thương có thể lý giải rằng họ vẫn còn sót lại nét nhí nhảnh đáng yêu của thời ấu thơ. Nhưng những người lớn chững chạc, thậm chí tóc bạc, da mồi cũng cuồng bái Kitty, Doraemon, Pokemon thì lại khiến những nhà tâm lý học phải nhíu mày vì những lý giải đằng sau nó.
NGỌC BÍCH