Party hiphop đang diễn ra rất sôi động, đột nhiên một bạn trai ăn mặc theo phong cách emo xông ra la hét ầm ĩ, cầm ghế quăng quật gây náo loạn. Mọi người dạt sang bên chỉ trỏ: “Mấy emo "nửa mùa" đấy. Ghét đám đông mà!!!”…
Hiện tượng emo (hoặc là những teen ăn mặc theo phong cách emo) có những hành động quá khích, phá rối ở các party, buổi offline, những nơi tập trung đông “xì tin” dường như càng ngày càng dễ gặp hơn ở Sài Thành.
Đó là những nhầm lẫn của không ít teen về trào lưu emo. Các bạn cho rằng trở thành một emo thì chỉ cần ảnh hưởng một chút từ hơi hướm thời trang emo của phương Tây, áo xé cổ với những dòng chữ cá tính, quần ôm sát ống màu đen hoặc trắng, make up ấn tượng kiểu kẻ mắt đen, môi tím bầm.
Hết trang phục thì đến gây chú ý bằng những hành động bất ngờ, không kiềm chế, không tính đến hậu quả và các bạn nghiễm nhiên coi đó là sự thể hiện của cảm xúc.
Nhiều teen đang nhầm lẫn giữa việc thể hiện cảm xúc của một emo với việc không kiềm chế được hành động, nổi loạn và phá rối người khác. (Ảnh minh họa)
Trang (trường TV) kể chuyện về một cậu em họ của mình: “Nó theo trào lưu emo, thường xuyên tụ tập bạn bè lại để đi “phá đám” những buổi offline, party mà theo cảm xúc của chúng thì rất ầm ĩ và nhạt nhẽo. Một lần đi cắm trại, trong lúc mọi người đang say sưa chia nhóm ngồi hát thì nó ngồi thu lu một mình, bất chợt ào ra một nhóm bạn rồi la hét, hất tung hết mấy đĩa bánh. Mình thì thông cảm và biết nó là emo nhưng một số người bất bình súyt tát tay nó, có người còn chửi đổng:”Cái đồ tâm thần!”.
Hôm ấy là sinh nhật của một mem trong hội của V (trường MD). Mọi nguời mua bánh kem, đồ ăn rồi tới một quán karaoke làm sinh nhật. Hôm đó khá đông, khoảng hơn 30 người. Đang hứng khởi, bỗng giật mình vì một tiếng hét chói cả tai. B (một anh chàng ăn mặc kiểu emo) nhào đến, hất tung cái bánh sinh nhật rồi bắt đầu màn đập phá, ly tách bị đá văng lung tung.
Mọi người cố gắng kéo cậu ta ra khỏi phòng nhưng không ăn thua. B vùng vằng nhoài ra đập phá và chỉ đến khi có bảo vệ của quán vào, mọi chuyện mới được giải quyết. Ai nhìn vào cũng nghĩ B có thần kinh không bình thường, Nhưng đó không phải là lần đầu tiên B gây chuyện. B vin vào “trào lưu emo” để giải thích cho những hành động của mình.
Buổi party mất vui, nhiều bạn cảm thấy bực tức. Chưa kế tiền phải đền cho quán.
Quay trở lại đêm hip hop party cuối tuần trước ở nhà hát Bến Thành. Mọi người đang say sưa hòa mình theo những điệu hip hop sôi động thì đột nhiên nghe thấy tiếng hét rất thất thanh. Cả hội trường náo loạn.
Một boy ăn mặc kiểu emo (quần ống côn, tóc đen, mắt kẻ đậm viền đen) đang la hét giữa đám đông và cầm ghế quăng quật. Các khan giả teen dạt ra, chỉ trỏ. Party trở nên náo loạn. Dương (một teen 15 tuổi) nói: “Cái này hay gặp lắm. Không biết phải emo hay không. Nhưng ăn mặc thì theo phong cách đó, mà toàn tìm các pary đông đông để la hét, đập phá thôi”.
L bức xúc về sự cố: “Mình không hiểu có cái gì không được nếu mọi người nhảy, chơi nhạc hiphop và đọc rap. Nếu bạn không ưa, bạn đừng đến đó. Không rõ là vì khó chịu hay vì muốn gây chú ý, bạn làm náo loạn cả đêm nhạc, khiến mọi người sợ hãi. Đó không phải là hành động theo cảm xúc. Đó là hành động vô trách nhiệm, là sự phá hoại.”
Q (trường KT) chia sẻ về emo: “Mình không hẳn có ác cảm với những emo vì phong cách ăn mặc cũng như những hành động khác người của họ. Nhưng đôi khi chính việc không kiềm chế được cảm xúc đã khiến các bạn tự đánh mất đi chính mình, làm ảnh hưởng tới những người xung quanh”.