80% học sinh THPT và 70% sinh viên sợ… vào đời. Con số này làm người ta không khỏi giật mình.
Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam vừa được công bố vào những ngày đầu năm 2009.
Nhà trường = nơi cung cấp mọi hành trang
Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến cho đa số bạn trẻ tránh né việc bước vào đời bằng cách tiếp tục nghiệp đèn sách, học lên thật cao, cao nữa. “Mình nghĩ học ở trường càng nhiều, càng lâu thì mình sẽ tự tin hơn vì được trang bị hành trang đầy đủ. Chính vì vậy, mình đã lập sẵn kế hoạch học lên đến tiến sĩ nếu có thể, bét nhất là thạc sỹ sau khi tốt nghiệp đại học” - M.Tuyên (19 tuổi, SV trường Đại học KT TPHCM) tâm sự khi đang chuẩn bị trở lại giảng đường sau kì nghỉ Tết tại quê nhà (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Anh chàng này cho biết rất nhiều bạn cùng lứa có suy nghĩ như mình vì ngại những va chạm với đồng nghiệp, cấp trên khi ra đời.
Các nhà khoa học Việt Nam đã dẫn chứng, trên thế giới, người ta đã thừa nhận quy luật học 25/75. Điều này có nghĩa rằng, nhà trường chỉ cung cấp khoảng 25% tri thức mà người lao động cần để kiếm sống, còn 75% chỉ có thể học trên đường đời. Không ít bạn trẻ như Tuyên đã đánh mất 75% quyết định ấy bằng nỗi sợ hãi thường trực…
Bằng cấp cao + nhiều bằng = việc làm tốt
Đây chính là “công thức vàng” của thế hệ trẻ ngày nay và muốn hoàn thành được nó chỉ có một cách duy nhất là học và học. Quan niệm này dẫn đến hằng năm, số lượng thí sinh dự thi khối A luôn cao ngất ngưởng vì đó là được xem là “khối thi nhạy bén, nhảy đâu cũng được”. Nhà nhà khuyên thậm chí bắt buộc con thi khối A, để rồi bao nhiêu bạn được “vinh quy bái tổ”? Các nhà giáo dục đã thống kê giúp ta là khoảng 30% số học sinh tốt nghiệp THPT làm được điều ấy.
“Đại học là con đường duy nhất” là suy nghĩ đã ăn sâu vào đại đa số học sinh. Nhưng họ quên mất rằng, nếu bằng cấp thật cao, thật nhiều nhưng lại không có những kĩ năng cơ bản như thuyết trình, hoạt động nhóm… thì liệu họ có vận dụng được những tấm bằng ấy vào công việc của mình hay không?
“Rất nhiều anh chị là học trò của ba mẹ mình, khi học hết cấp III, học theo học cao đẳng, trung cấp giờ việc làm rất ổn định, gia đình êm ấm. Cũng có những người, thi đại học 2, 3 thậm chí 4 năm nhưng vẫn trượt. Bây giờ vẫn chưa đâu vào đâu!” - T.Ly (12, TCV) nói.
Hãy dũng cảm bước đi
Đó chỉ là hai trong số vô số nguyên nhân mà bạn trẻ sợ vào đời được thống kê. Nhìn chung, nguyên nhân chính vẫn do thói quen tư duy của chính chúng ta - những học sinh, sinh viên, trụ cột tương lai của đất nước. Hãy từ bỏ chúng mà dũng cảm bước đi, mạnh dạn hơn, táo bạo hơn trên những bước đi vào đời. Hãy thuộc lòng công thức 25/75 và nhớ rằng: Cuộc đời cũng là một trường học…