Ảnh minh họa |
Trở lại tháng 7/2008, Vương Triệu, một nhân viên văn phòng 28 tuổi ở Thượng Hải nói, anh đã chi 2.000 yuan (khi ấy là gần 290 USD) chỉ trong một ngày cho giày dép, quần áo và vật dụng.
Nhưng tháng trước khi công ty cắt giảm nửa số lương, Vương đã buộc phải hạn chế bớt nhu cầu xa xỉ phẩm và chuyển từ ăn tại nhà hàng sang trọng thành các bữa trưa mang từ nhà.
"Thu nhập hàng tháng của tôi bị giảm bớt 50%. Tôi phải cắt bớt các chi phí sinh hoạt, mặc dù tôi vẫn có thể ăn rất tốt".
Các blog và diễn đàn internet phổ biến những câu chuyện và lời khuyên từ giới trẻ tính đến việc tiết kiệm tiền, làm thêm kiếm tiền. Điều này dường như đang đi ngược lại nỗ lực của chính phủ Trung Quốc khi đưa ra gói kích cầu 568 triệu USD để duy trì phát triển kinh tế.
"Nhóm tằn tiện"
Những người tiết kiệm tiền trẻ tuổi, hay còn gọi là "kou kou zu" ("nhóm tằn tiện"), xuất phát từ thế hệ sinh ra quanh thập niên 80, hiện ở độ tuổi từ 20-30, những người bị coi là không quan tâm và thiếu nhận thức về tài chính.
Ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, giới lao động trí óc trẻ tuổi nổi tiếng về sức tiêu bạt mạng. Một cuộc khảo sát mới đây của chính phủ Thượng Hải tiết lộ rằng, các nhân viên văn phòng ở thành phố tiêu trung bình 2.500 yuan mỗi tháng - khoản chi vượt hơn nhiều thu nhập trung bình của hầu hết người dân Trung Quốc.
Ngược lại, nhóm kou kou zu lại tránh các nhà hàng và chỉ vào căng tin ở công ty và trường học, đổi taxi và phương tiện giao thông công cộng sang xe đạp, và thay cho các shop lớn họ vào các cửa hàng trực tuyến.
Theo Trương Yên, thành viên "kou kou" tỉnh Phúc Kiến, việc học cách tiêu tiền sáng suốt tạo ra phản ứng tốt hơn với tình trạng suy thoái toàn cầu.
Giới trẻ Trung Quốc từng là "tín đồ" của hàng xa xỉ phẩm. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, xu thế này đã thay đổi (Ảnh GettyImages). |
Cô nói: "Đây không chỉ là phản ứng với cơn khủng hoảng - nó còn giúp ích cho cả cuộc đời bạn. Thêm vào đó, nó còn là yếu tố tạo nên sự thân thiện về phương diện môi trường và tượng trưng cho quan điểm sống tích cực và lành mạnh". Năm 2006, Trương đã xây dựng một hệ thống thanh toán trực tuyến giúp những người khác giống cô tự cân bằng ngân quỹ.
Hơn là một hệ thống thanh toán, website cho phép người dùng thảo luận về các vấn đề liên quan tới tiền bạc, bình luận về các món ăn tự nấu giảm chi phí và nhắc nhở nhau ghi chép chi tiêu. Các website khác thúc đẩy các chiến dịch tiết kiệm tiền ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc.
Vương Hạo, một phóng viên ảnh tại Bắc Kinh 24 tuổi, mới đây post trên blog của anh về cách thức sống thế nào với 100 yuan một tuần. Blog của anh đã nhận được khoảng 187.500 hit.
“Vắt cổ chày ra nước"
Một số nhà phân tích lập luận, các biện pháp trên cho thấy dấu hiệu mất niềm tin của người tiêu dùng, rút cục có thể làm gia tăng trầm trọng các vấn đề ảnh hưởng tới nền kinh tế của Trung Quốc vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Các dự đoán của Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ở mức 7,5% năm nay, so với gần 9% chỉ ít tháng trước, trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.
Vương Triệu nhấn mạnh, bất chấp triển vọng u ám, anh vẫn cảm thấy mình may mắn. "Thậm chí dù kiếm được ít hơn năm ngoái, tôi vẫn vui vì còn việc làm. Tôi lo rằng sẽ là khó khăn thực sự năm tới khi quá nhiều người khó có thể tìm nổi việc".
Khi càng cảm thấy "vắt cổ chày ra nước", thì càng dễ nhận ra rằng thời gian “dễ chịu” với giới trẻ Trung Quốc có lẽ không duy trì được vĩnh viễn. Một số người hưởng ứng bằng việc gia nhập nhóm kou kou zu và hạn chế chi tiêu - giữ tiền tại ngân hàng cho lúc thiếu thốn.
Le&Le (Theo BBC)