Chỉ 4 ngày sau khi tung lên mạng video clip "Bụi bay vào mắt", hai cô bạn có nick là Tina và Guess đã nhận được hơn…200 comment. Số comment vẫn tăng lên đều đặn trong những ngày sau đó cho dù ai cũng biết là cả hai chỉ diễn chứ còn giọng hát thì của ca sĩ "xịn". Những đoạn clip video như vậy xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành một trào lưu gây xôn xao cộng đồng teen Sài Gòn.
* Có 1001 kiểu… nhép
Vào Google Việt Nam, gõ từ khóa “clip hát nhép”, trong vòng chưa đầy 20 giây, bạn sẽ nhận được đến hơn 300.000 kết quả. Còn khi dạo một vòng các trang web chia sẻ video clip nổi tiếng YouTube, Clip.vn, NhạcVietplus…thì thấy các “nhép-per” (cách gọi dành cho những bạn…nhép miệng theo một bài hát nào đó) tuổi teen chiếm đa số. Các bạn uốn miệng, diễn tả cử chỉ, điệu bộ, y chang ca sĩ trình bày ca khúc mình "nhép" (thường là những bài hát đang "hot"). Có bạn còn cải biên lời ca khúc và biểu diễn theo một style khác. Có bạn thì “tối tạo” bằng cách đặt song song với clip của mình biểu diễn với clip "gốc" của ca sĩ để cư dân mạng dễ…bề so sánh. Có bạn còn đầu tư khá công phu và kỹ lưỡng như chọn trang phục, phụ kiện, nhân vật múa minh họa…Thậm chí, có teen còn vô tư đến mức như H, đang học lớp 12 trường Marie Curie (Q.3) lên kế hoạch nhép lại nguyên một CD của một ca sĩ mà H. thích để tặng cho bạn bè dịp…20/11. H. bật mí bạn bè anh chàng ở nhiều trường cấp 3 trong Tp.HCM cũng tung lên mạng nhiều clip hát nhép vui vui như thế.
* Vui nhưng coi chừng… bản quyền đấy!
Mục đích ra đời của những "video clip" này chủ yếu là để…vui. Và thực tế, teen tìm xem các video clip đó cũng vì lí như vậy. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó thì đây là một hành vi có thể bị xem là vi phạm bản quyền. Bởi theo lời của Luật sư Phương Hảo, giám đốc công ty bản quyền luật quốc tế CIS thì dù Việt Nam chưa có quy định về chuyện có cho phép nhái lại một lại một tác phẩm nghệ thuật thành một tác phẩm phát sinh nhằm mục đích châm biếm, chế giễu để cho các tác phẩm gốc tốt hơn hay không thì nguy cơ bị kiện rất dễ xảy ra với những nhép-per. "Khi bạn hát nhép lại một ca khúc do một ca sĩ trình bày và tung lên mạng, bạn đang vi phạm đến rất nhiều điều luật. Cụ thể nhất là vi phạm quyền tác giả, quyền ca sĩ trình bày ca khúc và quyền của cơ quan xuất bản ghi âm ca khúc đó. Chưa kể, khi bạn phóng tác cử chỉ, hành vi như ca sĩ trình bày, bạn còn vi phạm các qui định cấm sao chép, trích ghép những hành vi của người khác…Những đơn vị có liên quan như ca sĩ, nhà sản xuất…hoàn toàn có quyền kiện bạn. Và tùy theo mức độ xuyên tạc mà bạn có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ vài trăm, vài triệu đồng đến bị phạt tù nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự của ca sĩ, cơ quan xuất bản…", luật sư Phương Hảo nhận định. Và điều lớn hơn nữa, hát nhép nghĩa là bạn đang không biết tôn trọng thành quả lao động và sự sáng tạo của người khác và qua đó là thiếu tôn trọng chính mình đấy.
Trào lưu "hát nhép" các ca khúc do ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng trình bày xuất hiện cách đây 3 năm, khi 2 sinh viên Trung Quốc đã tung lên mạng video clip hát nhép theo ca khúc "I want it that way" quay bằng webcam chất lượng thấp. Clip này đã thu hút tạo thành hiện tượng khi thu hút đến 7 triệu lượt người xem. Ở Việt Nam thì hiện tượng này xuất hiện cách đây khoảng nửa năm.