Thực ra, người đàn ông có phải là đàn ông không, chẳng phải do anh ta tự nhận mà do người vợ nhìn anh ta như thế nào. Nếu vợ coi chồng là người đàn ông đích thực thì anh ta là đàn ông. Trái lại nếu coi chồng là đàn bà thì anh ta là đàn bà. Thậm chí coi là trẻ con thì anh ta là trẻ con.
Có chuyện đó không? Có đấy. Vô khối đàn ông thành đạt ngoài xã hội, ra đường được mọi người nể phục nhưng về nhà vẫn là trẻ con. Vì bị vợ coi họ là trẻ con. Đặc điểm của trẻ con là gì? Đó là ngây thơ, vụng dại, không có khả năng tự phục vụ bản thân. Ăn chẳng biết ăn; vắng vợ, quần áo để đâu cũng không biết lấy mà mặc… Có những người vợ quá quan tâm tới chồng nên lo cho chồng từng li từng tí. Chồng ra khỏi nhà một quãng còn chạy theo đưa áo mưa, đưa khăn quàng cổ. Chồng ăn cũng phải gắp cho, chỉ dẫn thức này phải chấm vào đĩa này. Chồng mặc cũng phải bảo thay áo này, quần này, mặc áo kia quần kia … Như thế người chồng có thích không? Tin chắc chẳng ông nào thích.
Có ông chồng đèo vợ đi xe máy, vợ ngồi đằng sau cứ luôn miệng điều khiển: “Đi từ từ thôi, sát vào mé đường, đằng sau có xe to đấy! Còi lên! Phanh lại. Đâm vào người ta giờ!”. Cứ thế bảo sao đàn ông không thích đèo vợ? Có anh không chịu nổi, nhảy phắt xuống đường, bảo vợ lái đi! Hay là người phụ nữ ấy vốn là sếp, quen tác phong chỉ huy? Không đúng, lắm chị chẳng chỉ huy được ai, ngoài chồng. Nếu đi nhờ xe đàn ông khác, họ lại không làm thế. Có khi còn tấm tắc “tay lái lụa”.
Vậy phụ nữ ngồi sau tay lái của chồng nên làm gì? Hãy tin vào tay lái của anh ta, miễn sao đến được nơi cần đến. Còn anh ta muốn đi kiểu gì, đi đường nào, bạn không cần can thiệp. Anh ta không phải trẻ con và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khi bạn làm như vậy là bạn đã để cho chồng được làm đàn ông. Đến nơi anh ta sẽ phanh két: “Đến rồi em!”. Bạn sẽ thấy chồng mình cũng… oai phong lẫm liệt. Còn nếu bạn cứ điều khiển từng tí là vô tình biến chồng thành trẻ con. Đến nơi, trông anh ta cúm rúm như cò bợ phải trời mưa, nhìn phát chán.
Trong gia đình cũng vậy. Nếu chồng chuẩn bị tắm, hỏi: “Cái quần đùi của anh đâu ấy nhỉ?”. Bạn đừng tất tả tìm đưa cho chồng. Chỉ cần nói: “Anh thử tìm xem, chắc ở đâu đấy!”. Thế là anh ta sẽ tìm và lần sau không hỏi nữa. Không những thế, anh ta còn biết cất vào đâu cho dễ tìm. Có một ông chồng ngày mai đi công tác xa nhưng buổi tối cứ ngồi xem bóng đá, chẳng lo thu xếp hành trang gì cả, vì anh ta tin là có vợ lo rồi. Lần ấy người vợ để mặc anh ta. Quả nhiên sáng hôm sau, ông chồng vơ vội vài bộ quần áo cho vào túi du lịch, quên cả vé máy bay. Xe chạy được một quãng, vợ mới gọi điện nhắc chồng, anh ta cuống cuồng quay trở lại tìm vé, nhưng vợ đã chờ sẵn ở cửa đưa cho. Sau lần ấy, trước khi đi công tác, anh ta đều chuẩn bị chu đáo. Có người bảo rất khó thay đổi vì “anh ấy đã quen sống như thế từ nhỏ rồi”.
Nhưng nhà tâm lý học người Nga, Natalia Sinica cho rằng, bất kể đàn ông hay phụ nữ đều có thể huấn luyện để thay đổi.
Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng cô này may quá vớ được anh chồng tuyệt vời, biết cả nấu cơm, rửa bát, lau nhà. Cô kia tốt số tìm được anh chồng luôn tặng hoa cho vợ vào những ngày kỷ niệm. Không phải họ gặp may hay tốt số đâu. Họ biết cách huấn luyện đấy. Khi bạn cưới một ông chồng, đó mới là “nguyên liệu thô” thôi, còn “chế tác” anh ta thành cái gì là do bạn. Nhưng muốn như thế trước hết bạn đừng coi chồng là trẻ con mà phải luôn nhớ anh ta là đàn ông và bạn hãy bằng mọi cách khẳng định chồng mình là đàn ông đích thực. Điều đó không chỉ có lợi cho bạn mà cũng là điều anh ấy thích nhất đấy.
(Theo Phunuonline)