Không nhằm mục đích trau dồi kiến thức, một số bạn Teen lại chọn cho mình những cách học đáng trách như: học cách "cưa cẩm", học cách nhảy nhót ở vũ trường, hoặc học chỉ để đánh bóng tên tuổi…
Xã hội ngày càng tiến bộ nên việc teen đi học thêm những kiến thức đời sống, những bộ môn xã hội để trau dồi bản thân không còn là điều quá xa lạ. Thế nhưng một bộ phận teen lại đi học nhằm một mục đích duy nhất là đánh bóng tên tuổi của mình trong mắt bạn bè, để chứng tỏ mình là một người không những đi học ở trường mà còn thích đi tìm tòi khám phá những điều mới. Tất nhiên đó chỉ là cái danh ảo do các bạn tạo nên chứ thật chất các bạn không góp nhặt được bất kỳ kiến thức nào cho hành trang của mình cả.
Đây là một trong những kiểu học tiêu cực rất nguy hiểm của một bộ phận teen khi các bạn phung phí tiền của và công sức của mình để vun đắp cho cái danh ảo.
Học để khoe:
Biểu hiện rõ nhất của những teen học để khoe là các bạn í thích được mọi người chú ý, thích được người khác trầm trồ khen ngợi thành quả của mình, nên mục đích của các bạn khi đi học ngoại khóa là chỉ để người khác phải lắng nghe mình thể hiện khả năng tiếp thu kiến thức, sự thông hiểu rộng trong một lĩnh vực mà “ít có học sinh nào có được” ở các bạn. Một số ví dụ như các bạn học bartender chỉ để khoe rằng mình “sành” rượu, học nhảy, guitar hay ca hát chỉ để làm màu trước đám đông hay cưa gái…và còn nhiều trường hợp khác nữa.
Q.T (18 tuổi), một anh chàng tiếng Việt còn viết sai chính tả, tiếng Anh thì chưa biết chia thì, thời gian để làm việc nhà còn chưa có vậy mà A. lại dám đi đăng ký học một ngôn ngữ hiếm là tiếng Ý. Điều đáng nói là A. không phải học vì muốn nâng cao kiến thức hay chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai mà là do trong nhóm của bạn, ai cũng biết về một hoặc hai lĩnh vực nào, như đứa thì chuyên về tin học đồ họa, đứa thì là cây toán của lớp, có bạn còn là huyền đai nhị đẳng karatedo… Do đó A. đi học thêm tiếng Ý cũng chỉ là một chiêu “quảng cáo” cho mình trong những lần nói chuyện với bạn bè.
B.N (16 tuổi) là một tiểu thư con nhà giàu, nhận thấy những trò khoe di động đời mới, xe tay ga đắt tiền vừa lạc hậu cổ lỗ mà còn dễ bị dị nghị nên cô nàng tìm cách sao cho không những toát lên được “sự giàu” của mình mà còn thể hiện được mình là một con người có học có kiến thức. Vì thế, tuy trong người không có năng khiếu cũng chẳng có đam mê, vậy mà B. vẫn đi đăng ký một lớp vẽ luyện thi với lý do “chỉ để biết mùi sau còn về kể lại với bạn bè”. Sau một thời gian học vẽ một cách hời hợt, B. thường xuyên khoe kho dụng cụ vẽ “tốn khối tiền đầu tư”, còn tác phẩm của mình thì không thấy đâu…
Tác hại: Học để khoe những kiến thức hời hợt, không vững vàng thì một lúc nào đó các bạn cũng sẽ bị lật tẩy, lúc đó thì bạn bè sẽ càng không xem trọng bạn và bạn bỗng nhiên trở thành một cây “lòe” trong lớp. Như với B.N, mọi chuyện có lẽ sẽ còn tiếp diễn với lối diễn tài tình của cô nàng nếu không nhờ một lần một chị cựu học sinh về trường vô tình đi ngang, ngỡ cô nàng cũng muốn thi kiến trúc nên hỏi thăm và vô tình làm sáng tỏ mọi chuyện khi B.N đang oang oang ở sảnh trường về tài năng của mình. Khỏi phải nói B.N đỏ mặt và ngượng ngùng như thế nào.
Các bạn hãy nhớ rằng: Học hành phải đi kèm với đam mê….
Một số bạn vào vũ trường để "học" thói sành điệu. (Ảnh minh họa)
Học để chứng tỏ:
Để chứng tỏ mình sành điệu, mình thời thượng và mình rảnh…chuyện, không ít teen đã dấn thân vào những “trường học” được xem là không phù hợp với teen như vũ trường, quán bar…với học phí mỗi đêm có thể lên đến hàng chục chai.
N. một cô gái sống trong một gia đình hoàn toàn bình thường nhưng bỗng nhiên phất lên nhanh chóng nhờ cha mẹ cô chơi cổ phiếu và buôn bán bất động sản, vì thế N. cũng nhanh chóng chễm chệ trở thành cô tiểu thư được yêu thương chiều chuộng nhất nhà. Không thể mang tiếng tiểu thư nhà quê, N. gia nhập nhóm “Những cô nàng ngổ ngáo” - tập hợp những cô nàng ăn chơi sành điệu nhất trường, để được chỉ bảo tận tình cách đi đứng, ăn mặc, nói chuyện và cả cưa "boy" sao cho hợp thời nhất.
Sau một tháng tầm sư học đạo, N. nhận xét việc học của cô “thật xứng đáng”. Xứng đáng ở đây của N. liệu có phải là xứng đáng với số tiền mà cô bỏ ra “đóng học phí” cho những cô bạn chỉ biết trục lợi từ người khác để sống xa hoa phung phí? Xứng đáng ở đây có phải là những đêm quay cuồng trong các quán bar, vũ trường hay xứng đáng ở đây là việc N. đã thay đổi chính bản thân, con người thật của mình để chạy theo một cái danh ảo, phù du do chính cô đặt ra và ảo tưởng về nó? Thiết nghĩ, tất cả đều không đáng.
…Và những kiểu học đáng buồn khác.
Ngoài học để khoe, học để chứng tỏ, còn có muôn vàn những mục đích "tức cười" khác là lý do cho việc học của các bạn .
Nhận lời tụi bạn thách cưa một em khối dưới chăm ngoan học giỏi lại là con nhà nòi ngoại ngữ, M. phải vò đầu bứt tóc suy nghĩ sao để cưa được “ẻm”. Thế là cậu ấy phải đăng ký một khóa học ngắn hạn tiếng Pháp để nuôi ước mơ viết được cho nàng một lá thư tỏ tình…song ngữ. Kết thúc khóa học không có một chữ trong đầu, ngoài hai từ có - không, M. đánh liều tra từ điển viết 3 chữ mà-ai-cũng-biết-là-chữ-gì-đấy bằng 5 thứ tiếng lên bàn của cô nàng. Viết lần thứ nhất không thấy hồi âm, M. đánh liều viết lần hai, lần ba đều bị bôi hết, đến lần thứ tư thì M đau lòng nhận được dòng chữ: “Làm ơn đừng học ngoại ngữ trên bàn của tui” khiến M. ngẩn tò te. Không biết là cô nàng không hiểu thật hay cố ý làm lơ, nhưng từ đó về sau M. không cho ai nhắc đến chuyện đó nữa.
H. ấm ức chuyện bị tụi bạn hội đồng “võ mồm” khi đang thảo luận trên lớp. Cô bạn ôm hận đi đăng ký một lớp học hùng biện ở nhà văn hóa với mong muốn một ngày nào đó có thể phục thù. Thoạt nghe thì có vẻ lý do của bạn xuất phát từ mục đích tốt khi muốn diễn thuyết tranh luận sắc sảo hơn nhưng thật chất đó chỉ là lời giải thích vòng vo cho sự thật là H. chỉ muốn những người khác nghe theo mình và khiến cho những người từng khiến bạn đuối lý phải bẽ mặt. Tất nhiên H. không làm được chuyện đó bởi lẽ bạn luôn nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan và giải thích bằng những lý lẽ rất ư là…trẻ con khi tranh luận thì làm sao có thể khiến người khác lắng nghe và bị thuyết phục được?
Kết
Từ xa xưa và cho đến tận bây giờ việc học chỉ có một mục đích duy nhất là trau dồi kiến thức cho bản thân để từ đó chúng ta có thể tự tạo dựng cuộc sống cho riêng mình.cThế nhưng với những kiểu học tiêu cực nêu trên sẽ mang lại cho các bạn những tác hại trước mắt và cả lâu dài về sau: mất tiền, mất thời gian quý báu, đánh mất những kiến thức cần thiết mà đáng lẽ các bạn đã học được…
Xa hơn và nghiêm trọng hơn là trường hợp của N.đã đánh mất con người thật của chính mình và có lẽ sẽ đánh mất cả một đời con gái nếu bạn không biết dừng lại. Nếu bạn có bạn bè rơi vào những kiểu học tiêu cực này, hãy thể hiện mình là một người bạn tốt: khuyên nhủ họ hãy từ bỏ kiểu học nguy hiểm này, giúp đỡ họ lấy lại những kiến thức cần thiết và tất nhiên là giúp họ tìm lại được mục đích học tập chân chính của mình.