Khai về "chiêu" đưa Navibank vào tròng để chiếm đoạt 200 tỷ đồng, Như cho biết, thông qua Đoàn Đăng Luật (nguyên trưởng phòng nguồn vốn của Navibank) đã đề xuất lãnh đạo Vietinbank TP HCM ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Navibank để nhận gửi 500 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm. Số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng phải trả cho Luật, bị cáo không báo cáo với lãnh đạo.
Khi đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ đồng, còn lại 200 tỷ đồng đứng tên một số cá nhân không giữ thẻ tiết kiệm, Như đã làm giả lệch chi, chuyển tiền từ tài khoản của các cá nhân này (mở tại Vietinbank TP HCM) cho các cá nhân, tổ chức bị cáo đã vay trước đó.
Chi số tiền lớn làm visa (dạng thẻ xanh) đi Mỹ nhưng Như không thừa nhận có ý định trốn ra nước ngoài. Ảnh: Hải Duyên. |
Ngoài ra, Như cũng thừa nhận trước tòa đã huy động tổng cộng khoảng 4.900 tỷ đồng, thanh toán được một phần và hiện vẫn còn "âm" gần 4.000 tỷ.
“Bị cáo nghĩ thế nào về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của hàng loạt đơn vị, cá nhân; gây điêu đứng cho bao nhiêu người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tín dụng?”, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu hỏi. Im lặng một lúc, Như nói nhỏ: "Bị cáo biết mình đã làm sai, nhưng do bị rối và áp lực nên không nghĩ được gì”.
Tiếp tục bị truy vấn về việc từng chuyển nhượng cho người khác một loạt tài sản, Như khẳng định "đó là tài sản có từ trước khi huy động tiền". Còn tất cả tiền huy động được đều dùng trả cho các chủ nợ và có trong bảng kê khai. Cả nghìn tỷ đồng khác là để trả lãi nhưng vì chi tiền mặt nên không có chứng từ.
Trả lời HĐXX về việc có hay không ý định bỏ trốn ra nước ngoài sau khi chiếm đoạt một số tiền rất "khủng", Như khẳng định không nghĩ đến chuyện đó bởi “bị cáo còn con, gia đình và việc làm ăn”. Song, khi được hỏi về lý do làm visa đi Mỹ vào năm 2011, Như thừa nhận chi phí cho khoản này là hết 1,1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng) nhưng là vì "một người chị tên Giang hướng dẫn làm để cho cả hai gia đình đi du lịch".
Cũng trong buổi làm việc chiều 7/1, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo Võ Anh Tuấn về hành vi giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền lớn. Tuấn cho rằng rất nhiều hợp đồng Như làm giả để huy động tiền của các cá nhân, đơn vị mà bị cáo không hề hay biết.
Nhiều bị cáo khác cũng được HĐXX mời lên thẩm vấn, trong đó có Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý - những “trùm” cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, họ chỉ đồng ý một phần cáo trạng. Bị cáo Lý cho rằng số tiền Như còn nợ mình nhiều hơn kết quả điều tra, trong khi bị cáo Lành lại cho rằng số tiền bị quy kết cho Như vay nặng lãi chỉ có một phần. Số còn lại là của một người khác nên đề nghị HĐXX tách riêng.
Sáng 8/1, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.