"Nhìn bạn Linh con nhà bác C. mà xem, nó học như thế chứ", "Dũng con nhà cô N. kìa, năng động giỏi giang cái gì cũng biết"… Những lời so sánh kiểu đó của ba mẹ, nhiều lúc lại phản tác dụng với teen nhà mình.
Khi phụ huynh thích so sánh
H, một nữ sinh lớp 12 trường T, kể về cha mẹ mình: “Bố mẹ mình lúc nào cũng đem mình ra so sánh với con cái của bạn bè. Nhất là bố mình, cứ đến bữa cơm là hay có thói quen đem con của bạn bè ở cơ quan ra kể. Bố lúc nào cũng khen “đấy mày thấy con của chú L có giỏi không, bằng tuổi mày mà đã đi làm thêm rồi đấy” hay “con bác M ở cơ quan bố vừa được giải thành phố môn Toán đấy, trông người ngẫm ta mà thèm”…
Thực tế H cũng chả phải kém cỏi gì, sinh ra trong gia đình khá giả nhưng H không hề ỷ lại. Từ bé H đã ngoan ngoãn chăm học. Tuy không đoạt giải cấp quận hay thành phố gì những năm nào cũng đạt học sinh giỏi, bạn bè thầy cô rất quý mến. Thế nhưng H luôn luôn trở thành đối tượng để cha mẹ đem ra so sánh với một “tài năng” nào nào đó ở cơ quan của mình.
Không teen nào thích bị bố mẹ mang ra so sánh với người khác
Trường hợp của N.T còn bi đát hơn. N.T sinh ra trong một gia đình trung lưu, bố mẹ N.T đi làm, lương ổn định, lo N.T đi học, chu cấp khá đầy đủ. Nhưng khổ nỗi là N.T luôn bị mẹ cậu đem ra so sánh với “ở quê”. Mẹ N.T luôn luôn có những câu cửa miệng như “Đấy mày xem ở quê người ta đói ăn đói mặc thế mà còn học giỏi, mình thì sung sướng không thiếu thứ gì mà học chả đâu vào đâu”. Mỗi lần TV có chương trình “Vượt lên chính mình” là mẹ lại bắt cậu xem. Nếu chỉ xem không thì không nói làm gì, nhưng cứ vừa xem mẹ cậu lại “Đấy, khổ chưa!” hay “Đấy nhìn người ta đi”. So sánh và chê bai nhiều đến nỗi, N.T có cảm giác rằng trong mắt bố mẹ, mình rất kém cỏi.
Nỗi khó chịu mang tên “so sánh”
Khỏi phải nói thì ai cũng biết việc bị đem ra so sánh với người khác khó chịu như thế nào. Và bị chính bố mẹ mình đem ra so sánh thì còn khó chịu nữa. Đa phần teen chỉ dám im lặng (chứ còn biết nói gì). Thứ nhất, bố mẹ là người thân thiết, gần gũi nhất với mình, vậy mà cứ đem con cái ra cân đo đong đếm, so sánh với con người ta, chê bai con mình, điều này nhiều lúc khiến teen bị tổn thương.
Thứ hai, mỗi người đều có một ưu điểm và mặt tốt riêng, so sánh thế nào cũng là rất khập khiễng, chưa kể đến việc so sánh không làm cho con người ta tiến bộ lên tẹo nào. Như trường hợp của H nói trên, do thói quen so sánh của bố H mà giờ H thành sợ ăn cơm. Hay như N.T, do không chịu được cái kiểu so sánh của mẹ, có lần N.T đã hét ầm lên “Mẹ thôi đi được không, đừng có so sánh con với người ta nữa, con chỉ là con thôi?!”.
Đa phần các bậc cha mẹ đều lấy lý do là “Thì có quan tâm đến con, muốn con nhìn người ta mà phấn đấu thì bố mẹ mới nói thế”. Cũng là một xì tin, tớ hiểu rằng dĩ nhiên phải có sự so sánh thì mọi người mới nhìn lại mình, biết mình ở đâu và mới có thể tiến bộ được. Nhưng như thế không có nghĩa là bố mẹ tạo thành áp lực nặng nề, nghe thấy từ so sánh là đã hàm ý chê bai con cái mình. Một chút tinh tế, một chút chân thành sẽ khiến teen thay đổi rất nhiều, chứ không phải một bài so sánh.