“Đang ngủ trưa, tự nhiên thấy tiếng đổ vỡ gì đó và tiếng chửi bới rất ồn ào, tớ giật mình tỉnh dậy. Sau đó thì nghe tiếng ai đó gọi: T ơi cứu tao với. Lúc đầu tớ tưởng mình đang mơ ngủ, nó gọi lần thứ hai mới định hình ra là cái gì, thế là chạy ra…”.
T. thật thà kể lại chuyện đánh nhau của “nhà hàng xóm” cạnh phòng. Từ khi đôi sinh viên (SV) sống thử này chuyển đến xóm trọ, mọi người thường phải chứng kiến cảnh họ chửi bới, đánh đập nhau đều đặn như cơm bữa.
Từ bạo lực bằng tay, chân…
N. và Ng., sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Y Thái Nguyên, nhận lời yêu nhau là dắt luôn nhau về sống thử, mới yêu nhau được hơn một năm, nhưng số lần cặp đôi này đánh nhau thì khó mà nhớ hết được.
N. bình thường nhìn hiền hiền, nhưng lại rất cục tính, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bạn gái bất cứ lúc nào có gì không vừa lòng.
Ban đầu, N. hay đấm với tát vào mặt Ng., nhưng vì Ng. đến lớp với gương mặt tím thâm nên ai cũng để ý, sợ bạn bè biết lại dị nghị, N. "chuyển qua" đánh, đấm vào bụng, vào người và bóp cổ bạn gái. Cứ đánh nhau là N. lại đóng chặt cửa và bịt mồm Ng. không cho kêu cứu rồi dọa: "Im, không tao đánh chết!".
“Tổ ấm” của những cặp “uyên ương” - (Ảnh minh họa)
Th, bạn cùng lớp và cũng là hàng xóm thường xuyên được chứng kiến cảnh đánh nhau của đôi “vợ chồng” này kể: “Đang ngủ trưa, tự nhiên thấy tiếng đổ vỡ gì đó và tiếng chửi bới rất ồn ào, tớ giật mình tỉnh dậy. Sau đó thì nghe tiếng ai đó gọi: T ơi, cứu tao với. Lúc đầu tớ tưởng mình đang mơ ngủ, nó gọi lần thứ hai mới định hình ra là cái gì, thế là chạy ra. Lúc đó vì bọn nó ồn ào quá nên cả xóm đều chạy đến. Phòng đóng chặt. Sợ quá mọi người đạp cửa xông vào thì thấy thằng N. đang ngồi đè lên bụng Ng. và bóp cổ, mặt mũi Ng. thì nước mắt ướt nhẹp, đỏ phừng phừng…”.
Yêu phải người cục tính và gia trưởng, các trận đòn Ng. phải hứng chịu là thường xuyên như cơm bữa. Tệ hơn, lý do để Ng. bị đòn thi ai nghe cũng phải ngỡ ngàng: Có lần, chỉ vì ngồi chơi nói chuyện đùa nhau, Ng. không may xưng với N. là “tao – mày” vậy là lãnh đủ đòn ví cái tội “dám láo”.
Lần khác, đi ăn cùng lớp, Ng. dặn N. uống ít rượu không say, còn bản thân mệt nên không đi cùng được. N không nói không rằng đùng đùng quay về bảo Ng. viện cớ ngăn cản không cho mình đi cùng lớp rồi xông vào đánh Ng. tơi tả. Bạn N. ở cùng xóm trọ thấy cảnh Ng. bị đánh nhiều cũng ái ngại góp ý với N., thì N. bảo: “Nó láo là tao phải đánh”.
Cách đây đã lâu, nhiều SV khoa Báo chí – HVBCTT còn kinh hoàng khi nghe lại tình cảnh “bạo hành sống thử” của một nữ SV tên A. và nam SV tên T. học cùng lớp báo chí. Căn nhà trọ được thuê ở khu Mỹ Đình đã biến thành ”địa ngục” với A. bởi những trận đòn vũ phu mà T. giáng xuống đầu A. mỗi khi có mâu thuẫn nảy sinh giữa hai người.
Hàng ngày, tiền nhuận bút cộng tác với các báo được A. chi trả để nuôi T. với những buổi ăn hàng, shopping, xem phim rất… hoành tráng. Nhưng khi A. không đáp ứng các yêu cầu của T,, kể cả yêu cầu tình dục, thì T. xông vào đấm đá A. Khi thì ném cặp, ném xong, nồi, điện thoại vào mặt người yêu, khi thì sẵn thắt lưng da quật vào người, khi thì lấy rẻ lau nhét vào mồm để A. không kêu khóc.
Có lần bị đòn đau, A. phải nghỉ học hàng tuần để dưỡng thương. Căm giận người yêu, A. đã "bỏ nhà" đi nhưng T. lại tìm đủ mọi cách tìm đến A., rồi van xin, quỳ lạy là "sẽ thay đổi", nhưng rồi lại vẫn “chứng nào tật nấy”…
…đến chửi cả mẹ người yêu
P. và H. cũng yêu nhau được không lâu thì dắt nhau về sống thử. Nhưng chuỗi ngày hạnh phúc không kéo dài vì cuộc sống chung có biết bao vấn đề có thể nảy sinh mâu thuẫn. P. lại có thói quen nhậu nhẹt cùng bạn bè, ban đầu, mượn men rượu nên P. thẳng tay trút giận lên H.
Về sau, như thành quen, cứ say rượu về nhà là P. lôi H. ra hành hạ. Đánh, đấm, chủi rủa, túm tóc, bạt tai chỉ là chuyện thường. Tệ hơn, cứ tiện có đồ vật gì trong tay là P. nhằm thẳng mặt H. mà ném. H thì một phần vị sợ, một phần vì xấu hổ, không dám kêu ai cũng không dám khóc to. Mọi người trong xóm ai cũng ái ngại cho H. nhưng không ai dám ra can, vì có lần say rượu P. tuyên bố: “Đứa nào ra can tao giết”.
L., ở cùng xóm trọ kể: “Có lần P. đi uống rượu về mang H. ra hành hạ, cứ đập đầu H. huỳnh huỵch vào cửa nhà chị. Chị giật mình tỉnh dậy, sợ quá khóc không thành tiếng”. Mẹ H. biết chuyện con gái, lặn lội từ quê ra gặp con để “giải quyết”. Chẳng ngờ, gặp lúc P. say rượu còn lôi luôn cả mẹ H. ra chửi. P vốn rất cục tính lại có men rượu nên chẳng ai dám làm gì. Em H. khuyên can chị bỏ P. cho hết khổ, P. còn vác cả dao đòi chém…
"Con lỡ yêu rồi thì biết làm sao?"
Rất nhiều bạn gái chấp nhận sống thử để rồi phải sống trong cảnh bị đánh đập chửi rủa nhưng đa phần họ lại chấp nhận sự đau khổ đó.
T. thương bạn, nhiều lần tâm sự khuyên Ng. bỏ N. cho đỡ khổ nhưng mỗi lần như vậy Ng. chỉ rơm rớm nước mắt: “Nói như mày thì dễ lắm…”.
Còn H. thì lại khóc lóc van nài mẹ: “Con lỡ yêu rồi thì biết làm sao…”.
Hiện tượng sinh viên yêu nhau và sống thử hiện nay đã quá phổ biến và chuyện bạo lực cũng xảy không phải là hiếm. Khi mà giới trẻ đang càng ngày coi nhẹ chuyện sống thử thì chuyện bạo lực giữa các đôi “vợ chồng” này sẽ còn gây nhiều bức xúc.
Đó thực sự là một điều nguy hiểm vì họ chính là những người sẽ tạo nên xã hội này trong tương lai.
Lời tự sự của một nam SV đã từng sống thử trên diễn đàn ĐH Luật HN:
"Tớ" thử ở cùng một nàng gần 1 năm thì có sản phẩm và đi giải quyết ngay trong tuần thứ 5. Xong rồi cứ dần dần chán nhau. Nàng thì động cái lại khóc lóc, lại trách móc là "đã mất hết" với "tớ" rồi thì sau cuộc đời nàng sẽ phải do "tớ" chịu trách nhiệm, mà "tớ" sợ phải chịu trách nhiệm lắm! Yêu thì phải chinh phục. chinh phục xong rồi thì… chẳng còn gì để chinh phục nữa.
"Tớ" thử lần thứ 2 sau đấy 6 tháng. Ban ngày "tớ" đi học, về đã có người nấu cơm cho ăn rồi. "Vợ" đáng yêu thật. Quần áo "vợ" giặt, nhà trọ "vợ" dọn. Đêm thì có "vợ" để ôm. Nói chung là sướng! Còn sau này thì thế nào á? Đừng có hỏi. "Cuộc đời ai biết đâu ngày mai", cứ "thử" cho sướng đã!