Ông bố bất đắc dĩ
Đoàn Hữu Đức (đã được đổi tên thật) sinh năm 1989, nhưng đã có… vợ con và tình nhân. Từ những năm đang học lớp 7 - lớp 8, mê "chát" và game online, Đức bắt đầu đi học theo kiểu "buổi đực, buổi cái". Học hành sa sút, xấu hổ với bạn bè, thầy cô, nên Đức bỏ học, bắt đầu "phiêu bạt" với "thế giới ngầm" của Hà Nội.
Năm 2003, dính líu đến một vụ án, Đức phải ra trước vành móng ngựa. Vì chưa đến tuổi thành niên, Đức chỉ bị đưa đi trường giáo dưỡng. Ở được vài tháng, Đức trốn trường dạt về thành phố cảng Hải Phòng, thuê nhà, kiếm sống bằng nghề cờ bạc bịp học được trong những ngày giang hồ ở Hà Nội.
Rồi Đức yêu một cô bé hàng xóm cùng khu nhà trọ, đang học lớp 10. Hai đứa trẻ ăn ở với nhau như vợ chồng được vài tháng, cô bé có thai. Hai đứa trẻ ngờ nghệch, lúc hiểu ra mình đã lên chức "bố-mẹ" thì đã quá muộn, cái thai không thể "xử lý" được nữa. Bố mẹ cô bé đã ép Đức về nói với bố làm một đám cưới chạy. Tháng 5/2005, vợ Đức sinh con, cuộc sống khó khăn trăm bề nên Đức chán cuộc sống gia đình, thường bỏ về Hà Nội.
Đầu năm 2006, trong một lần tình cờ, Đức gặp Trần Thu P. (SN 1990), trong một tiệm gội đầu. "Kết" P., Đức thường xuyên tới cửa hàng (nơi P. làm thuê), đi cướp để có tiền đưa P. đi nghỉ mát ở Sầm Sơn một tuần. Sau lần đi nghỉ mát Sầm Sơn về P. đã có thai. Đức chỉ kịp đưa người yêu đi "giải quyết hậu quả" thì bị tóm. Vì chưa đủ tuổi thụ án, Đức lại vào trường giáo dưỡng 1 Hà Nội chịu quản thúc 24 tháng. Cậu ta cũng chẳng biết ở ngoài, cô vợ dại và đứa con thơ của mình sống bằng cách gì…
Những cặp tình nhân nhí
Cô bé Nguyễn Phương Th., học sinh lớp 10 trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, kể giọng tỉnh rụi: "Chuyện học hành, nhà cửa, tính cách, lai lịch, tiểu sử của "đối tượng" không quan tâm! Muốn hãnh diện với bạn, phải có người yêu thật giàu, thật bảnh, thật chịu chơi. Có nhiều đứa yêu những thằng giàu có chỉ để được bao, được ăn diện, chơi ở những chỗ sành điệu".
Các bậc phụ huynh mải mê làm ăn, gầy dựng sự nghiệp, chẳng thể hình dung nổi đứa con "bé bỏng" của mình đã tác oai tác quái những gì ngoài giờ học. Hồ Gươm Xanh, New Century và nhiều điểm ăn chơi đắt tiền khác ở Hà Nội có khách hàng chủ yếu là các cô cậu học trò cấp III. Trần Thiện N. (16 tuổi), học sinh lớp 11 trường Trần Phú, đang "cặp bồ" với một bé học lớp 9, tuyên bố: "Bản lĩnh đàn ông thời nay là phải chơi bạo! Mỗi tuần ít nhất phải tập thể dục (đi sàn) 2 lần. Còn ngày kỷ niệm tình yêu, sinh nhật, tụ tập đám bạn - tất nhiên là phải đặt bàn trước mới "oách".
Nguyễn Thụy Ph., nữ sinh lớp 11 trường Thăng Long chiều người yêu đến nỗi, "nếu trên đường mà anh ấy nhìn cái áo nào chăm chú, ngay hôm sau em sẽ đi mua cái áo ấy tặng người yêu". Nhưng cả chàng và nàng đều là "phận sống nhờ", xoay ra tiền với mánh khóe cơ bản là tố mức đóng tiền học thêm lên nhiều lần, hoặc bịa trắng ra khoản đóng, nhưng bản thân thì không bén mảng đến lớp học thêm để "tiết kiệm tiền".
Như bọn em thì bắt đầu yêu từ năm lớp mấy? Một nhóm bạn gái học lớp 11 trường PTTH Thăng Long trả lời: "Từ lớp 7. Nhưng để xác định nghiêm túc, coi người ta là người đàn ông đích thực của mình thì phải là tình yêu từ năm lớp 10 (!?)". Thế còn quan niệm về tình dục? "Chuyện ấy rất bình thường. Đã yêu nhau thật lòng thì không ngại gì. Bây giờ mà còn nói chuyện giữ gìn trinh tiết cho đến khi lấy chồng thì… buồn cười lắm!".
Các cô chiêu cậu ấm ngày nay còn yêu để "bằng bè bằng bạn" - người yêu cũng như một món trang sức không thể thiếu. Nhiều bậc bố mẹ sẽ ngạc nhiên rằng, con mình bận học hành suốt ngày, gia đình quản lý cũng chặt, còn hở ra chỗ nào nữa? Thì đây, như lời Lê Thu Ng. (lớp 10 trường PTTH Đinh Tiên Hoàng): "Bọn em thường yêu nhau ở nhà một đứa khi bố mẹ đi vắng. Cũng có nhiều đôi đi nhà nghỉ. Con bạn em chiều nào cũng ở nhà nghỉ với người yêu. Nó bỏ học mấy tháng rồi mà bố mẹ không biết, cứ tưởng nó bận học thêm".
Vấn đề an toàn tình dục với những đôi tình nhân tuổi ô mai cũng là… chuyện nhỏ, hoặc không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, hoặc bất cần. Một em kể: "Bạn trai em không thích dùng bao cao su vì thấy phiền. Uống thuốc viên ngừa thai hàng ngày thì sợ bố mẹ phát hiện, nên phần lớn con gái lựa chọn viên thuốc ngừa thai khẩn cấp. Tất nhiên lỡ phải đến bác sĩ là cực chẳng đã, nhưng nó cũng không có gì ghê gớm lắm".
Một bác sĩ ở phòng khám sản khoa tại Giảng Võ cho biết: "Bọn trẻ rất liều, có trường hợp vừa hút thai hôm trước, ngay hôm sau chúng đã "quan hệ" lại mà không dùng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào. Phòng khám của tôi đã từng thực hiện thủ thuật phá thai đến 5 lần cho một em nữ sinh 17 tuổi".
Những em học sinh chúng tôi hỏi chuyện đều cho biết, ở nhà bố mẹ hầu như không đả động đến chuyện tình yêu ở tuổi các em, cũng như các câu chuyện liên quan đến hiểu biết tình dục. Bản thân các em cũng rất mong được nói chuyện với bố mẹ, nhưng không có cơ hội hoặc bị gạt đi ngay. Quan điểm của bố mẹ là "nói về những chuyện tế nhị ấy, khác nào vẽ đường cho hươu chạy".
Thực sự, không vẽ đường thì "hươu" cũng đã tự chạy rồi. Có lẽ ứng xử văn minh nhất của bố mẹ là nên thẳng thắn nói chuyện với con mình, để ít ra chúng không bị tổn thương do thiếu hiểu biết.
Tình dục ở tuổi "Teen", chưa bao giờ là chuyện nhỏ!
Lâu nay, vấn đề yêu và quan hệ tình dục tiền hôn nhân trong giới trẻ được đề cập khá nhiều. Kể cả chuyện giáo dục giới tính trong học đường. Nhưng vấn đề này thực sự “bùng nổ” trong thời gian gần đây.
Nhiều ý kiến luận bàn xung quanh vấn đề này, các nhà tâm lý học, xã hội học, văn hoá học, các bậc phụ huynh, các tầng lớp thanh thiếu niên và cả báo giới tham gia…Theo đó có nhiều quan điểm ủng hộ, phản đối, dung hoà, nửa vời…với những sắc thái khác nhau. Mỗi người đều đưa ra “cái lý” của mình để bàn về “chữ tình”, thậm chí lấy chuyện của mình để biện hộ và minh chứng…
Đọc, nghe, hiểu và ngẫm những ý kiến, những tranh luận ấy vừa thấy hấp dẫn, vừa tò mò mà vừa cảm thấy thật…đau đầu nhưng cũng không thể thờ ơ, không thể bỏ qua bởi “chữ tình” nó sinh tồn và song hành với cuộc sống, với mỗi đời ngươì. Suy cho cùng nó cũng chính là …sự sống, là nguồn sống của con người!
Bắt đầu trên diễn đàn vấn đề này đã xuất hiện sự thổ lộ, bộc bạch và thắng thắn. Nhiều người đã thừa nhận một thực tế mà lâu nay né tránh: quan hệ tình dục trước hôn nhân, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên đã trở nên…phổ biến! Những hiểu biết về kiến thức giới tính, tình dục ở tuổi “teen” - lứa tuổi nhạy cảm và nhiều dao động về tâm lý - mơ hồ và trống rỗng, lệch lạc và méo mó! Thừa nhận rằng, đã gây ra những hệ luỵ, dẫn đến những hậu quả của việc giới trẻ thiếu kiến thức giới tính, quan hệ tình dục không an toàn (tỷ lệ nạo hút thai tuổi vị thành niên, những hôn nhân “bất khả kháng”, những vụ “ly hôn lạnh lùng”, những đứa trẻ bị bỏ rơi, bệnh tật truyền nhiễm gia tăng, hiểm hoạ HIV/AIDS…).
Vấn đề an toàn tình dục với những đôi tình nhân tuổi ô mai cũng là… chuyện nhỏ
Tranh cãi rất nhiều, vấn đề nêu lên cũng rất xác đáng nhưng khi đưa ra những đề xuất thì chỉ là những gợi ý mà chưa xác định hoặc chỉ rõ đâu là giải pháp trọng tâm và trên hết?!
Giáo dục giới tính học đường, đó là đề xuất của đông đảo ý kiến công chúng ủng hộ đưa ra. Nhưng, áp dụng ở lứa tuổi nào, bậc học nào? Giáo án và kiến thức về tình yêu chân chính, tình dục an toàn như thế nào là phù hợp? Ngành giáo dục có nên thành lập bộ môn “giáo dục giới tính” (nhưng hàm chứa cả những vấn đề văn hoá: truyền thống, ứng xử…) tuỳ theo từng cấp độ, lứa tuổi từ các bậc phổ thông cơ sở, phổ thông đến các các trưởng cao đẳng và đại học hay không? Nên có một đề án phối hợp của liên bộ ngành về giải quyết các vấn đề trên?… những giải pháp đó thuộc về các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý nhà nước, mà nòng cốt là ngành giáo dục và y tế.
Tình dục là lĩnh vực quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần, cũng được xem là một lĩnh vực nghệ thuật! Mà đã là nghệ thuật thì ngoài “năng khiếu bẩm sinh”, là “tố chất”, “bản năng” thì rất cần được định hướng, được giáo dục, bổ sung những kiến thức cơ bản để phát huy tính “sáng tạo”, tính nhân văn và khoa học. Trang bị những kiến thức về tình yêu - hôn nhân - gia đình và tình dục cũng chính là “tạo vốn”, là hành trang để các bạn trẻ bước vào đời lập nghiệp, hiểu thế nào là tình yêu, thế nào là tình dục? Thế nào là ứng xử chuẩn mực? Thế nào là hành vi sai trái, là tiêu cực?…để giúp con người sống văn minh hơn, hướng tới các giá trị văn hoá bất biến: Chân - Thiện - Mỹ.
ảnh chỉ mang tính chất minh họa