Ngày xưa khi đi học teen thường dùng "tớ-cậu" hay "bạn-tôi" để xưng hô với nhau. Một thời gian sau thì chuyển sang thành “tao-mày” hay “bà/ông, tôi”. Còn bây giờ nổi lên hiện tượng teen thường dùng tên bố mẹ hay những từ ngữ chỉ mối quan hệ trong gia đình để nói chuyện với nhau.
Khi tên bố mẹ được dùng
Trường hợp này rất phổ biến với các bạn nam. Thay vì dùng tên mà bố mẹ đặt cho các bạn trong giấy khai sinh hay thay vì gọi bạn bằng những biệt danh đáng yêu thì hiện nay teen thường xuyên gọi tên bạn kèm theo tên bố hoặc mẹ ở phía sau. Ví dụ như bạn tên là Nam còn bố bạn tên là Khánh thì chắc chắn khi gọi Nam kiểu gì con trai cũng “réo” thành là Nam Khánh ơi!
Với con gái thì ít xảy ra hơn nhưng không không phải là không có đâu nhé! Nhiều bạn nữ cũng thường xuyên xưng hô với bạn mình như thế đấy!
Nhất là trong lớp mà có trùng tên. Thầy cô thường hay gọi theo họ như Nguyễn Thu hay Lê Thu hoặc là đặt Hương A, Hương B cho dễ phân biệt. Nhưng với teen thì dễ nhớ và dễ phân biệt nhất là cứ gọi theo tên bố/mẹ phía sau nữa.
Toàn(19t) nói: “Ngày trước học cấp 3 các bạn trong lớp thường xuyên gọi tên nhau kiểu như vậy. Các bạn toàn gọi mình là Toàn Dương vì mẹ mình tên Dương. Thực sự mỗi lần như thế mình thấy rất chối tai. Có lần mình đưa ra trước lớp vấn đề này và nói mọi người không nên gọi như vậy. Nhưng gần như ai cũng phản đối. Lại còn bảo mình là “hâm” nữa. Thiết nghĩ việc xưng hô cũng là một cách thể hiện nét văn hóa và lịch sự của mỗi người mà tại sao chúng ta không dùng tên để gọi nhau cho thân thiết nhỉ?”
Thực ra những bạn bị bạn khác gọi như vậy không hề thích tẹo nào đâu, teen à. Teen thử nghĩ xem nhé! Tự dưng bố mẹ mình lại bị đem ra để gọi như vậy. Thật sự không nên chút nào đúng không? Hơn nữa khi teen đến nhà bạn chơi mà chẳng may quen miệng cứ gọi thế thì chắc là hậu quả không lường rồi đấy!
Đến lượt tên chỉ các mối quan hệ lên ngôi
Ra ngoài nhất là khi chém gió hay nói chuyện điện thoại thì hỡi ôi, teen xưng hô với bạn bè bằng những từ như vợ chồng, hay ông cháu, rồi thì bố, con, cả mẹ con… không thể kể hết. Teen giờ đây không còn chuyện kết nghĩa anh em, chị em nữa. Mà lên một “level” cao hơn là kết nghĩa bố con, vợ chồng… Dù đó chỉ là trò chơi. Nhưng xưng hô cứ như thật. Hai teen girl ngồi nói chuyện với nhau. Người này tự xưng là vợ, người kia tự xưng là chồng rất tự nhiên.
Linh(18t) chia sẻ: “Ở lớp tớ bây giờ đi đến đâu cũng thấy bạn này nói bạn kia là dì của tớ, còn bạn này là bà nội của tớ. Thẳng kia là ông của tớ. Thế nên trong lớp mà cứ réo nhau ầm ầm lên, nào là “Ông ơi! Dì bắt nạt con” hay “Chồng ơi! Mẹ không cho vợ mượn bài tập!” rồi cả “Bố làm gì thế hả? Về chỗ ngồi mau!”. Cả lớp cứ loạn hết cả lên. Có khi còn hoạch họe nhau vì chuyện gọi tên nhau nữa cơ. Vì mỗi người có đến cả dăm bảy người để gọi là ông, vài ba người gọi là chồng, ít thì cũng bốn người để gọi là vợ… nên chẳng biết xưng ai với ai nữa.”
Nhiều khi teen ở nhà “buôn điện thoại” cũng dùng những từ ngữ này để xưng hô, khiến bố mẹ mắt tròn mắt dẹt không hiểu tại sao “Mình là bố là mẹ đây rồi mà con vẫn cứ gọi ai ở đầu dây bên kia là bố mẹ nữa. Mà giọng thì cứ ngọt như đường ấy?”.
Trang (16t) cho biết: “Có lần bạn tớ đến nhà chơi. Hai đứa cứ vô tư gọi nhau là vợ chồng trước mặt mẹ. Thế là khi bạn ấy về, tớ đã bị “tra khảo” rất nhiều về điều này. Rồi thì mẹ còn không có cả cảm tình với bạn ấy. Từ đó mẹ cấm mình không được xưng hô như thế nữa. Mẹ bảo “các con cứ vô tư gọi nhau như thế không nghĩ người khác nghe sẽ thấy thế nào sao?”.
Tạm kết
Vợ chồng, bố con, rồi ông cháu…, tất cả đều là những từ được dùng để chỉ mối quan hệ gia đình theo trật tự trên dưới, thể hiện sự tôn trọng, lễ phép với người trên, người lớn tuổi hơn mình. Việc teen xưng hô như vậy làm mất đi tôn ti trật tự trong gia đình và truyền thống văn hóa của người Vịệt Nam, nhất là với những khách du lịch từ nước ngoài họ sẽ có một cái nhìn lệch lạc về văn hóa của chúng ta.