Tin tức - pháp luật 2011-06-01 12:31:19

Ngày tử tù "trả nợ đời" (1)



Bao giờ cũng vậy, việc thi hành án chỉ có bấy nhiêu bước. Nhưng mỗi lần dẫn phạm nhân ra pháp trường người thi hành án lại có một tâm trạng khác nhau.

Nhà báo Nguyễn Tuấn, hiện là Trưởng ban cuối tuần báo An ninh thủ đô một lần đến trường bắn và chứng kiến việc thi hành án với tử tù Trương Ngọc Điệp.

Anh đã chia sẻ với Xahoimang qua chùm ảnh sau.



















Nguyễn Tuấn cho biết: “Cảm giác nặng nề, ám ảnh, đau đớn cứ bám riết tôi khi những tử tù phải đền tội nơi pháp trường. Bởi với tôi, trước khi những tử tù từng có hành động của một con quỷ kia, họ từng là một con người”.

Ngày cuối cùng của tử tù bắt đầu từ rất sớm, thường thường tử tù dậy từ lúc 4g sáng. Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam vào K (xà lim giam giữ tử tù), yêu cầu họ dậy để thi hành án. Họ được tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới rồi giải ra phòng làm việc của Hội đồng thi hành án TP Hà Nội. Ngoài lực lượng CA còn có đại diện Tòa án, Viện kiểm sát. Tiếp đó là có công bố quyết định thi hành án tử hình và lấy dấu vân tay của tử tù để đối chiếu danh chỉ bản nhằm xác định đúng đối tượng phải thi hành án. Sau khi làm xong phần thủ tục, tử tù được đưa ra hành lang sát đó ăn bữa ăn cuối cùng, rồi viết thư cho người thân. Khoảng 5g - 5g15 sáng, bất kể thời tiết thế nào, tử tù cũng phải ra xe để lên đường ra trường bắn Cầu Ngà.

Những tử tù khi tung hoành giang hồ thì ngạo nghễ là thế, oai hùng là thế. Nhưng lúc phải đối diện với cái chết trong gang tấc, mấy kẻ giữ được sự bình tâm để ngạo nghễ cho đến giây phút cuối cùng?

Nhiều tử tù lúc ra pháp trường không đi nổi, đa phần CA phải dìu họ. Nhưng cũng có những tử tù cố giấu vẻ hoảng sợ bằng sự lạnh lùng. Anh kể rằng anh ám ảnh nhất là tử tù Trương Ngọc Điệp (phạm tội giết người, cướp tài sản), khi được ra hành lang để ăn bữa ăn cuối cùng thì Điệp đã từ chối, hắn cũng không viết một dòng chữ nào cho gia đình. Lúc ấy, Điệp chỉ xin một điếu thuốc lá và chén nước trà để giấu đi sự sợ hãi, hoảng loạn của một kẻ sắp phải đền tội.

Riêng có tử tù Vi Văn Bái, khi Nguyễn Tuấn hỏi chuyện, hắn đã cười khẩy, không trả lời. Nhưng hắn lại viết một bức thư cho con trai, nét chữ của hắn rất đẹp, nghiêm ngắn: “Đời bố coi như đã bỏ rồi, con hãy sống lương thiện, tốt đẹp. Đừng bao giờ đi theo con đường bố đã đi”.

Ám ảnh về hành xử của tử tù Nguyễn Minh Châu như một lát cắt rất xót xa, rất nhân văn, anh kể: “Tôi không thể nào quên được hình ảnh Châu với việc làm rất nhỏ, tự đi tất chân, găng tay và tự mặc áo liệm màu trắng bên trong cho mình. Điều mà người thân của họ chỉ làm khi đã chết”.

Giọng anh nghẹn lại khi nhắc đến tử tù Nguyễn Thế Đô (SN 1967) với bài viết: “Khúc ru người cha tử tù” bằng những cảm xúc nhân văn nhất, những cảm xúc đã được bay bổng và thoát khỏi những tội ác mà tử tù đã gây ra. Để làm được điều đó, Nguyễn Tuấn đã đến thăm nhà Đô nằm trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Anh đã gặp các con của bị cáo. Nhưng anh lại đồng cảm trước tình cảm bị cáo dành cho các con mình. Đó là hình ảnh của người cha với hai đứa con bị mẹ bỏ rơi, cuộc sống thiếu thốn. Người cha nửa đêm mới đi làm xe ôm về, mua cho con bánh mì, rồi ba bố con ngủ chung trên gác xép nhỏ, đứa lớn nằm bi bô hát cho bố nghe. Một câu chuyện “rất người” như thế, có những phút rất đỗi hiền từ như thế, sao hắn lại có thể gây tội ác để rồi phải chịu sự trừng phạt của pháp luật?

Tiêm thuốc độc cho tử tù là… nhân đạo!

Chứng kiến cái chết của tử tù, anh cho rằng việc Quốc hội ban hành quy định mới: “tiêm thuốc độc thay vì xử bắn” là nhân đạo. Anh cho biết: “Không phải đến bây giờ tôi mới nghĩ, tôi đã mong tử tù được tiêm thuốc độc, ngồi ghế điện từ lâu. Bởi nó tăng sự nhân đạo. Cũng là cái chết nhưng tử tù sẽ bớt đau đớn hơn. Vì đã là cái chết, thì hãy cho họ một cái chết được nguyên vẹn, nhẹ nhàng.

Việc tiêm thuốc độc cũng giúp những người thi hành án giảm áp lực và sự “căng thẳng” nhiều hơn. Nói đến đây, anh kể một câu chuyện có thật, có bố mẹ một chiến sĩ cảnh sát cơ động trong đội xạ thủ lên thăm con trai. Hỏi bảo vệ xong mới tá hỏa khi biết con trai mình được giao nhiệm vụ này. Là cha mẹ, họ không muốn con mình làm những việc ấy.

Không chỉ đội thi hành án căng thẳng mà chính tử tù cũng vậy. Rất nhiều tử tù bị còng chân trong xà lim, nhiều người đệ đơn xin được chết sớm. Nhưng khi làm xong thủ tục thi hành án, có tử tù không ăn nổi bữa ăn cuối cùng, thậm chí “tiểu tiện tại chỗ” vì sợ hãi.

Có lẽ những ám ảnh về tử tù sau 20 năm làm báo sẽ là chất xúc tác không chỉ cho những bài báo mang tính thân phận, mà sẽ là những khởi nguồn cảm xúc để một ngày không xa, Nguyễn Tuấn có thể viết về thế giới tội ác qua góc nhìn của văn chương…
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)